Việt Nam - Colombia: Tăng cường quản lý hoạt động du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn tự nhiên và vườn quốc gia
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu nhấn mạnh, đây là hoạt động rất ý nghĩa nhằm triển khai Thỏa thuận hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Du lịch Colombia trong năm 2021, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau về ngành du lịch của hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.
Đại dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch thế giới phải ngừng trệ hoàn toàn, trong đó có hoạt động du lịch sinh thái. Tuy nhiên, việc các khu bảo tồn không mở cửa đón khách du lịch đã tạo điều kiện cho hệ sinh thái tự nhiên tái phục hồi nhanh chóng hơn và cũng là thời điểm thích hợp để các nhà quản lý đề ra những kế hoạch, giải pháp cho việc mở cửa các khu bảo tồn một cách bền vững.
“Hoạt động du lịch sinh thái mang lại nhiều kết quả tích cực về bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, gia tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương, nâng cao nhận thức của cả cộng đồng và du khách về công tác bảo tồn. Tuy vậy, công tác quản lý và khai thác hoạt động du lịch tại các khu vực này còn nhiều hạn chế, khả năng tự chủ của ban quản lý còn yếu, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa đáp ứng yêu cầu về các nguyên tắc của du lịch sinh thái”, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhận định.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học vào nhóm cao nhất thế giới (đứng thứ 16) với những kiểu hệ sinh thái tự nhiên, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Theo nghiên cứu của Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), hệ thống các khu rừng đặc dụng và khu bảo tồn ở Việt Nam đa dạng cả về giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, tạo điều kiện tốt cho phát triển du lịch sinh thái. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng đệm của khu bảo tồn với những nét văn hóa đặc trưng riêng cũng thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của rất nhiều du khách. Vì vậy, phát triển du lịch sinh thái tại các khu vực bảo tồn tự nhiên là một trong những định hướng phát triển chính của du lịch Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam hiện có 33 vườn quốc gia, 57 khu dự trữ thiên nhiên, 13 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 53 khu bảo vệ cảnh quan và 09 khu dự trữ sinh quyển. Trong số đó, tổng cộng chỉ có 61 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên có tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, bao gồm 26/33 vườn quốc gia và 35/127 khu bảo tồn thiên nhiên. Một số vườn quốc gia, khu bảo tồn như Phong Nha – Kẻ Bàng, Cát Bà, Hoàng Liên, Tam Đảo, Ba Vì, Hương Sơn, Cúc Phương, Bạch Mã, Yok Đôn, Nam Cát Tiên, Cà Mau... đang là những điểm hấp dẫn khách du lịch.
Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của du lịch sinh thái, “Du lịch sinh thái – chìa khóa để xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, du lịch Việt Nam luôn xác định du lịch sinh thái là định hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển và định hướng này còn có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh phát triển du lịch sau khi kiểm soát đại dịch Covid và phát triển du lịch hướng tới mô hình tăng trưởng xanh – du lịch xanh, góp phần tích cực vào phát triển bền vững. Ngành Du lịch Việt Nam đang và sẽ nỗ lực để biến những tiềm năng, lợi thế thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, góp phần phục hồi và phát triển du lịch cũng như đưa Việt Nam thực sự trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.
Giai đoạn 2015 - 2019, các vườn quốc gia, khu bảo tồn tại Việt Nam đón được khoảng 9.7 triệu lượt khách, riêng năm 2019 đón được khoảng 2.5 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm đạt 21,3%, tổng thu từ khách du lịch đến các khu bảo tồn cũng tăng trưởng với tốc độ cao, đạt trung bình 24,4%/năm. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch đến Việt Nam nói chung và đến các vườn quốc gia, khu bảo tồn giảm mạnh.
|
Thảo Anh