Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: “không thể vượt qua khó khăn bằng cách hô khẩu hiệu, làm theo phong trào…”
“Khó chồng lên khó” – câu nói ngắn gọn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng song thể hiện đầy đủ và toàn diện những khó khăn mà đại dịch COVID-19 tác động đến các lĩnh vực ngành VHTTDL. Riêng với du lịch – lĩnh vực được xác định là “ngành kinh tế mũi nhọn”, thiệt hại rất khó có thể “cân, đo, đong, đếm”. Báo cáo của Bộ VHTTDL cho thấy “bức tranh” ảm đạm mà COVID-19 đã gây ra: “Năm 2020, chỉ có 201 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành xin cấp mới giấy phép, giảm hơn 1/3 so với số cấp mới năm 2019 (725 doanh nghiệp) trong khi số doanh nghiệp xin thu hồi tăng gấp 2-3 lần. Năm 2021, trên 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa. Các doanh nghiệp lớn chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương. Đến nay, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, hiện chỉ còn khoảng 2.200 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc. Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển: Doanh nghiệp vận tải du lịch (ô tô, tàu thủy) không phục vụ khách nhưng vẫn phải duy tu, bảo dưỡng và xuống cấp. Số tàu thủy tham quan và lưu trú ở Hạ Long (Quảng Ninh) hiện nay là trên 500 tàu và Hải Phòng là gần 200 tàu, Thừa Thiên Huế gần 50 tàu, Đà Nẵng gần 20 tàu, Quảng Nam gần 200 tàu, Cần Thơ là 158 tàu, TP. Hồ Chí Minh là 65 tàu. Các doanh nghiệp kinh doanh tàu đềuphải vay ngân hàng nên rơi vào tình trạng bên bờ vực phá sản.
Lĩnh vực lưu trú: Các cơ sở lưu trú không hoạt động nhưng vẫn cần trả các chi phí duy tu, lãi vay ngân hàng. Đến hết tháng 6 năm 2021, số cơ sở lưu trú trong toàn quốc là 37.000 với 780.000 buồng. Công suất phòng trung bình cả nước 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt dưới 15%. 95% cơ sở lưu trú chỉ hoạt động cầm chừng. 80% lao động tại các cơ sở lưu trú phải nghỉ việc, chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi ngành Du lịch khôi phục trở lại”.
Từ thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn các địa phương chia sẻ để cùng tháo gỡ, “cách làm hay thì nhân rộng, cái gì vướng thì tìm cách gỡ”,từ đó tăng cường hơn sự phối hợp với các địa phương trong cả nước trên quan điểm “các sở quản lý nhà nước tại địa phương như cánh tay nối dài của Bộ để thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành”.
“Thực tiễn sinh động là cơ sở để kiểm định chính sách, từ đó thẳng thắn trong nhận định, đúc kết rút ra bài học”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
“Du lịch xác định thời gian tới tập trung chuyển đổi số, vậy cụ thể là gì, triển khai ở đâu? Như thế nào?”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt câu hỏi với Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh.
“Thời gian qua TCDL đã thực hiện một số đề án, chương trình chuyển đổi số du lịch giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào 2 nhiệm vụ là xây dựng trục liên thông, quản lý theo ngành dọc từ TW đến địa phương trên cơ sở các báo cáo, số liệu thống kê, dữ liệu; thứ 2 là xây dựng nền tảng kết nối doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ, từ đó tạo ra “chợ trực tuyến” để du khách tiếp cận thông qua kênh này tìm kiếm sản phẩm dịch vụ phù hợp. Đây là nhiệm vụ lớn, do đó cần nguồn lực về cơ sở vật chất, con người và thời gian, cũng như sự tham gia của doanh nghiệp – địa phương”…, ông Khánh bày tỏ.
Đối với văn hóa nghệ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao những đóng góp mang ý nghĩa quan trọng “như liều vắc xin tinh thần” thời gian qua. Tuy nhiên, về lâu dài các đơn vị phải làm thế nào để có thể tạo ra nguồn thu, giảm bớt khó khăn trong bối cảnh các hoạt động biểu diễn trực tiếp phải dừng để chống dịch. “Các đơn vị nghiên cứu tạo mô hình nhà hát online trên nền tảng mạng xã hội, kênh youtube, tạo tương tác thu hút khán giả, phát sóng trực tuyến”, Bộ trưởng gợi ý.
Về lĩnh vực thể thao, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến cho hay, nếu không có dịch COVID-19 thì thời điểm này sẽ diễn ra giải chạy Heritage tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo vận động viên quốc tế. “Dịch khiến cho việc luyện tập khó khăn vì chủ yếu trong môi trường khép kín, phong trào thể thao quần chúng cũng không triển khai được do thực hiện Chỉ thị 16”…, bà Yến cho biết.
Nhìn lại những hoạt động của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần khắc phục khó khăn, tiếp cận theo hướng tích cực hơn, tháo gỡ những vướng mắc hiện hữu.
“Toàn ngành đã quyết tâm cao xây dựng chương trình hành động của năm 2021 và chương trình 5 năm 2021 -2015 có tính khả thi, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, là cơ sở để ngành triển khai thực hiện. Chủ đề năm 2021 là năm cơ chế chính sách, do đó muốn làm tốt công tác quản lý nhà nước phải nắm chắc về chính sách”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Cùng với đó, các hoạt động văn hóa đã phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, lan tỏa yêu thương, thể thao tạo động lực tinh thần cổ vũ động viên nhân dân cùng Đảng, Nhà nước chống dịch. Các kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, người lao động được chấp thuận, phê duyệt”.
Bộ trưởng cũng chỉ ra những mặt “chưa được”, đó là “chuyển hướng chưa thực sự có chiều sâu, còn mang tính phong trào; bên cạnh những đơn vị, địa phương làm tốt còn một số tự cô lập mình, mang tư tưởng thụ động, không ra tạo động lực thúc đẩy”.
“Một đội văn nghệ xung kích với tiết mục đơn giản đến biểu diễn ở một chốt chống dịch nơi biên giới có giá trị hơn nhiều lần một bài phát biểu dài dòng. Cách thức tuyên truyền các biện pháp chống dịch bằng hình thức trực quan khiến bà con dân bản dễ tiếp thu hơn nhiều so với những hướng dẫn khô cứng, phức tạp, khẩu hiệu hô hào. Cần phát huy hơn những hoạt động này. Thấy sự hy sinh của tuyến đầu chống dịch để soi mình hơn nữa, làm nhiều việc ý nghĩa hơn nữa”, Bộ trưởng yêu cầu.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, do phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có những vấn đề bản thân ngành không thể tự giải quyết, do đó không thể đặt lại các mục tiêu, con số như trước, mà phải theo chiều hướng phù hợp.
“Xác định công cụ quản lý nhà nước bằng luật, các văn bản quy phạm pháp luật, các quan điểm lớn, các Nghị quyết, nên phải tập trung tham mưu xây dựng thể chế, đóng góp tích cực, chủ động rà soát các bộ luật, nghị định liên quan các lĩnh vực ngành; đề xuất báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung để thực hiện chức năng quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn”, Bộ trưởng yêu cầu.
Đối với lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch du lịch Việt Nam, cần kết nối để quy hoạch thể hiện tính toàn diện, cùng với đó rà soát, thẩm định các sản phẩm du lịch, mỗi tỉnh phải có một sản phẩm nổi bật, tăng cường kết nối tour tuyến tạo sự liên kết, phong phú chương trình du lịch để tăng sức hấp dẫn..
Về chuyển đổi số du lịch, Bộ trưởng cho rằng cần tận dụng các cơ sở dữ liệu các địa phương đang có, Bộ phát huy vai trò là cơ quan kết nối tổng hợp, lan tỏa. “Phải tạo sức sống mới cho du lịch từ sự phối hợp tích cực các địa phương để liên kết, quảng bá, du lịch đi bằng đôi chân vững chắc, lấy du lịch nội địa là trọng tâm; nhanh chóng đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đi vào hoạt động, có quỹ mới có thể triển khai xúc tiến, quảng bá được; điểm nữa là kết nối du lịch với văn hóa, văn hóa với giáo dục… để đi vào chiều sâu hơn, phát huy giá trị hơn, mang lại hiệu quả hơn nữa. Điều quan trọng là cần hành động cụ thể, tránh hô khẩu hiệu, làm theo phong trào…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Viễn Nguyệt