Đưa ra các sản phẩm phù hợp để khách du lịch quay trở lại
Trả lời chất vần của Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) về giải pháp hợp tác quốc tế và những đề xuất của Bộ VHTTDL với Chính phủ để có những chỉ đạo phù hợp giúp thúc đẩy hợp tác với các nước, sớm phục hồi thị trường du lịch toàn cầu, qua đó thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Du lịch là ngành chịu nhiều thiệt hại do đại dịch CCOVID-19, hầu như bị đóng băng hoàn toàn. Chỉ từ sau khi Chính phủ cho phép mở cửa lại du lịch, tình hình có khả quan hơn, Du lịch cán đích về chỉ tiêu khách nội địa; khách quốc tế đã đạt gần 1 triệu lượt, tăng 10 lần so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy thị trường du lịch đã ấm lên.
Trong bối cảnh khách quốc tế còn hạn chế, Việt Nam chọn du lịch nội địa làm bệ đỡ cho du lịch với nhiều chương trình kích cầu. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao, đặc biệt là doanh thu từ lữ hành như Khánh Hòa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Các dịch vụ theo ngành du lịch cũng có mức tăng trưởng đáng phấn khởi. Tuy nhiên, về khách quốc tế vẫn còn khó khăn. Các doanh nghiệp lữ hành cần có thời gian để kết nối lại thị trường, tính toán được điểm đi và điểm đến. Các địa phương cũng cần làm mới sản phẩm du lịch để phù hợp với nhu cầu du khách sau đại dịch là điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn về nhu cầu văn hóa. Đồng thời, các Bộ ngành liên quan cần phối hợp tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch đến Việt Nam.
Đến thời điểm này, so với các nước ASEAN thì số lượng khách đến Việt Nam không nhiều, nhưng đã vượt xa một số nước như Philippines, Campuchia; thấp hơn Thái Lan, Malaysia. Điều đó cho thấy ngành Du lịch cần bình tĩnh tìm kiếm thêm thị trường. Về cơ bản, Du lịch Việt Nam đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế, tuy nhiên vẫn cần khắc phục một số khó khăn mang tính tình thế bởi 70% thị trường khách quốc tế Việt Nam hướng đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, lại đang bị phụ thuộc vào chính sách phòng chống COVID-19 của các nước này.
Bên cạnh đó, trả lời chất vấn của Đại biểu Đôn Tuấn Phong (Đoàn ĐBQH An Giang) về biện pháp cơ bản để phát triển du lịch quốc tế vào Việt Nam một cách bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trước đại dịch COVID-19, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch (TCDL) khảo sát thì 40% khách quốc tế được hỏi cho biết sẽ quay trở lại Việt Nam. Nhưng cũng có nhiều tổ chức khác đánh giá chỉ 10% khách quốc tế trở lại Việt Nam, con số chưa chính xác tuyệt đối.
Việc có quay trở lại hay không của khách quốc tế không ảnh hưởng đến việc tăng thu hay không tăng thu cho ngành Du lịch, vì còn tùy thuộc vào tâm lý khách hàng và điều kiện kinh tế của họ. Có người chỉ muốn đến một lần để thưởng thức, có người đi nhiều lần để tìm hiểu và khám phá. Sẽ có đối tượng này đối tượng khác bù đắp lại. Nhưng ngành Du lịch mong muốn sẽ có nhiều khách quen, bạn hàng thân thiết quay lại Việt Nam nhiều hơn. Do vậy, cần làm mới sản phẩm du lịch và văn hóa. Nếu so sánh lợi thế thì Việt Nam có lợi thế hơn các nước, nên khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ ăn, nghỉ mà còn muốn tìm hiểu văn hóa, phong cảnh, con người... từ đó chúng ta đưa ra các sản phẩm phù hợp, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách quốc tế.
Về giải pháp phát huy giá trị văn hóa lịch sử, nét đặc sắc mỗi vùng miền với du lịch xanh, bền vững do Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH Lạng Sơn) đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đang hướng đến phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đa dạng, phù hợp thị hiếu mới của du khách, nhất là du lịch trải nghiệm. Phương châm là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mới; kết nối các thị trường du lịch đưa khách đến. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được xác định là trung tâm điều phối khách đến các vùng miền. Bộ trưởng khẳng định: “Du lịch ở Việt Nam phải dựa trên tài nguyên văn hóa. Hiện tại, các sản phẩm du lịch chúng ta khá đa dạng như du lịch làng nghề, miệt vườn, sinh thái, nghỉ dưỡng, thăm di tích... gần đây có sản phẩm kết nối các di sản Việt Nam với các nước khác”.
Trong một khía cạnh khác, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH Bình Thuận) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết giải pháp để đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động trong ngành du lịch hiện nay. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau dịch bệnh, nhân lực du lịch có sự dịch chuyển. Tâm lý nhân lực ngành Du lịch là khi dịch bệnh xảy ra, họ đã chịu tổn thương lớn nhất. Công nhân vẫn có thể sản xuất, có lương, nhưng ngành Du lịch đóng cửa hoàn toàn không thể hoạt động. Vì vậy, nhiều lao động chuyển sang ngành khác, dẫn đến thiếu nhân lực khi du lịch phục hồi. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cần tập trung đánh giá tổng thể lại thực trạng nguồn nhân lực du lịch để có giải pháp căn cơ; trước mắt phải có giải pháp về đào tạo nghề. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, các công ty lữ hành lớn đang khắc phục bằng cách tuyển chọn sinh viên các trường du lịch, đưa về trực tiếp hướng dẫn, thực hành để bù đắp thiếu hụt. Căn cơ hơn, cần nâng cao chất lượng đào tạo ngành du lịch, nhất là nhân lực cấp cao, quản trị du lịch; đa dạng hóa hình thức đào tạo; chú ý liên kết đào tạo. Bộ VHTTDL đã xây dựng đề án Phát triển khung trình độ quốc gia một số ngành, nghề trọng điểm lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó cũng phối hợp triển khai với các Bộ, ngành thẩm định và ban hành một số Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tương thích với tiêu chuẩn nghề ASEAN; danh mục các ngành đào tạo cấp IV lĩnh vực du lịch từ trình độ trung cấp đến sau đại học đã được bổ sung và cơ bản hoàn thiện.
Xây dựng bộ tiêu chí môi trường văn hóa
Trả lời Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH Thái Bình về những giải pháp căn cơ để hạn chế, khắc phục tình trạng xuống cấp trong đạo đức học đường, văn hóa ứng xử trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng bạo lực gia đình, bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối và rất khổ tâm; suy nghĩ thì nhiều, còn làm thì phải phụ thuộc vào khả năng và năng lực. Mong muốn có một xã hội được bình yên, được hạnh phúc không phải mong muốn của riêng Bộ VHTTDL mà của tất cả mọi người. Bộ VHTTDL đang tập trung vào vấn đề xây dựng môi trường văn hóa trong trường học và phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) để xây dựng bộ tiêu chí môi trường văn hóa. Khi bộ tiêu chí ban hành thì trách nhiệm của người thầy, trách nhiệm của học sinh phải tự giác để từng bước xây dựng hình thành và tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. Bộ VHTTDL cũng mong muốn khơi dậy ở các em là những người chủ thể trong vấn đề xây dựng đạo đức, lối sống biết tự giác, biết khuôn mẫu trên tinh thần phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, lan tỏa những nhân tố tích cực.
Trả lời Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH Thái Nguyên) về những giải pháp của để xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, xây dựng đời sống văn hóa của công nhân là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có Tổng Liên đoàn lao động và có cả ngành VHTTDL. Bộ VHTTDL đã chủ động ký chương trình phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để thực hiện tốt vấn đề xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân và người lao động; ký kết với Hiệp hội văn hóa và kinh tế để xây dựng các tiêu chí và vận động các doanh nghiệp để thực hiện xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp. “Các địa phương khi thực hiện các chính sách thu hút đầu tư cần không chỉ chú ý đến công xưởng, nhà máy mà còn phải chú ý đến các không gian văn hóa để đáp ứng được nhu cầu cho người lao động” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn.
Cũng liên quan vấn đề xuống cấp đạo đưc, văn hóa, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết trách nhiệm của Bộ VHTTDL trong việc môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục bị xâm hại trong nhà trường, xã hội mà cả ở trong gia đình hiện nay; đặc biệt là trong giới văn nghệ sĩ trong ngành Văn hóa cũng có hiện tượng xuống cấp về lối sống, đạo đức. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL cũng đã nhìn nhận được vấn đề, song để khắc phục thì cần phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong công tác giáo dục, bồi đắp, bồi dưỡng ý thức về văn hóa, ý thức về xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.
Gần đây, Bộ VHTTDL đã ban hành tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, đặt ra các tiêu chí cụ thể. Bộ tiêu chí không có chế tài cụ thể mà chỉ dựa trên cơ sở ý thức xây dựng gia đình của mỗi cá nhân, là một cuộc cách mạng có tính chất lâu dài; với tinh thần khuyến khích việc biểu dương các gia đình tiêu biểu, các gia đình văn hóa với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, từ đó tuyên truyền, nhân lên những hình ảnh đẹp trong các cộng đồng.
Trả lời Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn ĐBQH Gia Lai) về giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội; mức độ xuống cấp đạo đức xã hội hiện nay và xu hướng thời gian tớ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định, văn hóa, đạo đức xã hội có mặt có biểu hiện xuống cấp. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, “Vấn đề xây dựng văn hóa là công việc lâu dài. Trong xây dựng văn hóa thì xây dựng con người văn hóa vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, phải có trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Khi hình thành được môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và xã hội thì chắc chắn sẽ có hiệu ứng của con người văn hóa và hạn chế được sự xuống cấp của vấn đề đạo đức”.
Đặc biệt, Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH Hà Giang) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trưởng cho biết những giải pháp để chấn chỉnh, giải quyết tình trạng dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ VHTTDL đã hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vi ứng xử trên mạng xã hội; tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội; về hậu quả có thể gây ra từ các tin sai sự thật trên mạng xã hội. Thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, sử dụng mạng xã hội không đúng, làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội.
Trách nhiệm chính là của cấp ra quyết định đầu tư tôn tạo
Quan tâm đến vấn đề bảo vệ và phát huy các giá trị di tích này nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH Đắk Nông) yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết giải pháp căn cơ nhằm khắc phục trước mắt và định hướng lâu dài để giải quyết vấn đề tình trạng di tích bị biến dạng, trẻ hóa sau trùng tu, tôn tạo; tình trạng nhiều di tích lịch sử văn hóa không được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp nghiêm trọng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, vấn đề tôn tạo, phát huy các giá trị di tích, đầu tư cho di tích đã được phân cấp cho chính quyền địa phương sở tại làm chủ đầu tư. Các dự án này đều xuất phát từ địa phương, do địa phương lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Bộ VHTTDL chỉ thẩm định về tính xâm hại di tích. Tùy quy mô mà còn có sự tham gia của nhiều cơ quan thẩm định như lĩnh vực xây dựng, kiến trúc. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trách nhiệm chính thuộc về cấp lãnh đạo cấp quyết định đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện. Với trách nhiệm của của mình, khi phát hiện sai phạm, Bộ VHTTDL đã có chấn chỉnh như cử đoàn công tác của Cục Di sản kiểm tra thực địa, làm việc với chủ đầu tư, uốn nắn, sửa chữa nếu như sai phạm nhỏ; nếu sai phạm lớn thì kiến nghị cấp có thẩm quyền để có xử lý và yêu cầu phải cam kết khắc phục trở lại đúng nguyên trạng. “Trách nhiệm chính là của cấp ra quyết định đầu tư tôn tạo, sửa chữa. Tuy nhiên Bộ VHTTDL sẽ tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát và cam kết nếu những địa phương làm sai sẽ xử lý theo quy định” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Trả lời Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH Bến Tre) về giải pháp thu hút nguồn lực để trùng tu, tôn tạo phát huy tốt nhất giá trị di tích trong việc giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế. Những năm qua, ngân sách Nhà nước hàng năm đều cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế; còn nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ. Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa phương còn thiếu tính đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương. Thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Liên quan đến vấn đề trung tu, tôn tạo di tích Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn ĐBQH Bình Phước) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùn cho biết cơ chế thu hút đầu tư. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, có những di tích văn hóa được doanh nghiệp quan tâm và tự tìm đến đầu tư khi họ thấy được lợi ích. Tuy nhiên đối với những di tích như di tích lịch sử cách mạng thì doanh nghiệp chưa mặn mà lắm. Bộ sẽ VHTTDL sẽ tiếp tục trao đổi để xem xét và sử dụng các nguồn lực khác thay vì nguồn lực nhà nước như nguồn lực từ vận động tài trợ để làm. Bộ VHTTDL cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ để ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cầu thị và trách nhiệm
Trong phiên trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội các vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý chiều ngày 10/8, nhiều Đại biểu Quốc hội đã có những đánh giá tích cực đối với Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trong lần đầu đăng đàn. Đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn ĐBQH Bạc Liêu) cho rằng, VHTTDL là lĩnh vực đa ngành, đa nghề, có nhiều vấn đề không chỉ riêng Bộ VHTTDL mà còn là trách nhiệm của các Bộ ngành, địa phương. “Phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng rất sát, rõ ràng với các câu hỏi mà các đại biểu nêu ra. Điều này chứng tỏ Bộ trưởng nắm rất chắc, kỹ lưỡng các vấn đề về ngành. Các giải pháp mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đưa ra để tháo gỡ những khó khăn của ngành trong thời gian tới vừa mang tính vĩ mô nhưng cũng đi vào từng phần việc cụ thể, tôi đánh giá cao về điều này” - Đại biểu Trần Thị Thu Đông chia sẻ.
Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn trúng và đúng vấn đề cần chất vấn. Đây đều là những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm trong thời gian qua. Dù lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã cho thấy một tư lệnh ngành nắm chắc, hiểu rõ về những tồn tại, hạn chế của ngành mình. Các câu trả lời đều không hề lúng túng, không vòng vo, né tránh mà đi thẳng vào trọng tâm các câu hỏi mà đại biểu đặt ra. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ ấn tượng với sự phục hồi của ngành Du lịch, đồng thời mong muốn sau phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tháo gỡ các vấn đề của ngành Du lịch như các giải đã báo cáo trước Quốc hội. Qua đó giúp ngành Du lịch sớm trở lại như thời điểm trước dịch COVID-19, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) chia sẻ và đánh giá rất cao vai trò trách nhiệm của các Đại biểu Quốc hội khi đã tập trung chất vấn các nhóm vấn đề mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề ra rất trúng và đúng. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trả lời rất xác đáng, rất trách nhiệm và cầu thị. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có sự chuẩn bị kỹ và trả lời xác đáng các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu ra. “Tôi rất ấn tượng với sự cầu thị, trách nhiệm và khiêm tốn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đối với các vấn đề mà các đại biểu nêu. Phải nói lĩnh vực văn hoá và du lịch đều còn rất nhiều vấn đề nổi cộm. Đặc biệt là vấn đề phát triển du lịch khi đại dịch COVID-19 đã tác động, làm trì trệ ngành Du lịch một thời gian dài trong khi Du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn” - Đại biểu Nguyễn Văn Hoà chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng trách nhiệm cao; các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cơ bản đi vào các nội dung chất vấn đã đề ra. “Bộ trưởng Bộ VHTTDL nắm chắc tình hình, thực trạng, nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, đã trả lời những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý và đề xuất những giải pháp thực hiện trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá.
Thanh Hoàng