Bản tuyên bố mạnh mẽ này được đưa ra sau hai ngày đàm phán. Các biện pháp được thống nhất giữa các nước ký kết tuyên bố bao gồm hành động dẹp bỏ thị trường buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ các loài hoang dã; thống nhất thúc đẩy các nỗ lực thực thi pháp luật và đảm bảo rằng các khung pháp lý và biện pháp ngăn chặn được thực thi; chuyển hướng đẩy mạnh sinh kế bền vững cho các cộng đồng địa phương.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của bản tuyên bố: Bản Tuyên bố được đưa ra ngày hôm nay đã phản ánh các khía cạnh khác nhau của vấn đề và Chính phủ Việt Nam hoàn toàn ủng hộ tuyên bố này. Chúng tôi tin rằng tuyên bố sẽ là một đóng góp quan trọng và thực tế trong việc chấm dứt nạn buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng tôi tin rằng tuyên bố sẽ là cam kết lâu dài với các biện pháp và cơ chế giám sát tiến trình thực hiện. Chính vì vậy chúng ta cần tạo ra một cơ chế để điều phối các cam kết khác nhau và lộ trình để thực hiện các cam kết này.
Nhu cầu sử dụng hiện tại đối với các sản phẩm từ loài hoang dã nguy cấp như ngà voi, sừng tê giác và cao hổ cốt ở châu Á tăng là do niềm tin của một bộ phận người dân muốn thể hiện sự giàu có và địa vị xã hội của mình khi sở hữu sản phẩm từ những loài này, và niềm tin tiềm ẩn vào khả năng chữa bệnh từ sản phẩm của các loài nguy cấp như sừng tê giác và các bộ phận của hổ. Trong năm 2013 đã có hơn 1,000 cá thể tê giác đã bị giết tại Nam Phi để lấy sừng, và chúng được nhập bất hợp pháp đáp ứng nhu cầu tăng cao ở Việt Nam và châu Á. Ngoài ra, ước tính có khoảng 22,000 cá thể voi đã bị săn trộm. Hiện tại quần thể hổ bao gồm 3,200 cá thể hoang dã đang phải đối mặt với một tương lai bất ổn do nhu cầu sử dụng các bộ phận từ hổ tăng.
WWF và TRAFFIC hoan nghênh “Tuyên bố London” vì tuyên bố này đã thừa nhận rằng việc buôn bán các loài vật hoang dã bất hợp pháp đang diễn ra ở quy mô nghiêm trọng và gây ra hậu quả bất lợi về kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm cả nạn săn bắn và buôn bán ngày càng bị kiểm soát bởi mạng lưới tội phạm có tổ chức, làm suy yếu quy định pháp luật, quản trị nhà nước đồng thời khuyến khích nạn tham nhũng.
Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia WWF-Việt Nam chia sẻ: Hội nghị London là một cơ hội tốt để định hướng những nỗ lực trong việc bảo vệ tê giác và chấm dứt khủng hoảng vấn nạn săn bắn hiện nay. Sự tham gia của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần này đã thể hiện sự cam kết cao đáp lại lời kêu gọi toàn cầu để trấn áp nạn buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã và giảm tiêu thụ sừng tê giác. Ở Việt Nam, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với chính phủ trong một loạt các hoạt động truyền thông cũng như hỗ trơ tăng cường thực thi pháp luật và xây dựng chính sách chống buôn bán bất hợp pháp.
Buôn bán các loài hoang dã là một ngành có tính tội phạm nghiêm trọng, nó mang lại hơn 19 tỷ USD mỗi năm. Vấn đề này không chỉ đe doạ sự sống còn của các loài mà còn làm gia tăng nạn tham nhũng, đe doạ an ninh quốc gia, gây đói nghèo và làm suy giảm những nỗ lực chống lại các loại tội phạm xuyên quốc gia khác.
Tiến sỹ Naomi Doak, Điều phối viên Chương trình TRAFFIC Greater Mekong cho biết: Hội nghị London đã thông qua các cơ chế để chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp. Bây giờ là lúc Việt Nam cần phải thực hiện những nghĩa vụ quốc tế này, đặc biệt trong việc giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác và các sản phẩm từ các loài hoang dã khác.
PV