Trong các lễ hội được tổ chức trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, một số lễ hội tiêu biểu có thể kể đến gồm: lễ hội Xương Giang (TP. Bắc Giang), lễ hội Yên Thế (huyện Yên Thế), lễ hội Đình Vồng (huyện Tân Yên), lễ hội đền Suối Mở (huyện Lục Nam).
Lễ hội trên khắp cả nước nói chung và ở Bắc Giang nói riêng diễn ra quanh năm, nhưng chủ yếu vào mùa xuân và mùa thu. Vào dịp đầu xuân, hầu hết các làng xã trong tỉnh Bắc Giang đều tổ chức lễ hội với các trò chơi dân gian, các tiết mục văn nghệ dân gian như hát chèo, quan họ, then, sli, lượn, soonghao, chầu văn… của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII về: "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc", trong những năm trở lại đây, nhiều lễ hội truyền thống và các nghi lễ, phong tục, tập quán, tín ngưỡng cổ truyền, nhiều trò chơi dân gian đặc sắc được các cấp, các ngành ở trung ương và tỉnh quan tâm gìn giữ, khôi phục. |
Lễ hội Xương Giang (từ mùng 6 – 7 tháng giêng âm lịch) kỷ niệm chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang năm 1427. Sau một thời gian mai một, đến năm 1998, lễ hội Xương Giang được khôi phục và được duy trì liên tục từ đó đến nay. Không gian tổ chức lễ hội Xương Giang mở rộng tới các xã, phường của TP. Bắc Giang nhưng trung tâm của lễ hội là nơi tổ chức lễ khai hội và dâng hương tưởng niệm các anh hùng nghĩa sỹ Lam Sơn ở thành Xương Giang, thuộc khu ngã ba Quán Thành, xã Xương Giang, TP. Bắc Giang. Sáng sớm ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm, lễ rước tại lễ hội Xương Giang được tổ chức long trọng, uy nghi, đẹp đẽ và khí thế với hàng đoàn kỳ lân, xe biểu tượng, kiệu và các đoàn quan viên, dân chúng áo quần rực rỡ, tề chỉnh từ các thôn, làng, phường, xã, theo các ngả đường lần lượt tiến về trung tâm khai hội trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng nhạc vang lừng. Ở trung tâm khai hội, lễ dâng hương được tổ chức rất trọng thể với nghi lễ chào cờ, đọc diễn văn, đọc "Đại cáo bình Ngô", nghi lễ múa ra quân... Giữa các nghi lễ này đều có nhạc hiệu làm nền vang lên trầm hùng và thúc giục lòng người. Sau lễ dâng hương, các đoàn rước trở về làng mình, làm lễ am vị, sau đó các làng tiếp tục tổ chức các hoạt động tế lễ ở chùa, đình làng và tổ chức các trò vui như: đánh đu, đu quay, cờ bỏi, cờ tướng, văn nghệ dân gian...
Lễ hội đình Vồng được tổ chức vào ngày 15, 16, 17 tháng giêng và ngày 9, 10, 11 tháng 9 âm lịch hàng năm. Trong ngày hội, người ta tổ chức tế lễ, rước sách và các môn thi, các trò chơi dân gian. Đám rước trong hội đình Vồng được diễn ra với nghi thức trọng thể. Đi đầu đoàn rước là một người đóng tướng. Người này phải được lựa chọn kỹ theo từng năm. Đó phải là người có gia đình toàn vẹn, có chức sắc trong làng và có uy tín trong dân, được mọi người quý trọng kính nể. Khi rước sắc về đến đình thì tổ chức tế lễ long trọng. Phần hội được tổ chức vui vẻ trong ba bốn ngày đêm. Ở hội đình Vồng, ngoài việc diễn các tích trò còn tổ chức thi hát đối đáp giữa các gánh hát. Trong hội đình Vòng xưa có tục tế ngựa rất uy nghiêm, có nhiều trò chơi, nhiều môn thi đấu thể thao dân gian giàu tính thượng võ như: múa võ, vật, đua ngựa, bắn cung, bắn nỏ, bắn phết và nhiều trò chơi dân gian chọi gà, thi thả diều, thi thổi cơm, chạy chữ...
Do điều kiện khách quan từ sau năm 1953, lễ hội đình Vồng không được tổ chức lớn mà chỉ với quy mô nhỏ ở địa phương. Đến năm 1998, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa – Thông tin và UBND huyện Tân Yên, lễ hội đình Vồng được tổ chức với qui mô lớn theo truyền thống ở trung tâm huyện Tân Yên theo định kỳ 5 năm 1 lần nhằm gìn giữ và phát huy vốn di sản văn hoá truyền thống đặc sắc của nhân dân trong vùng Yên Thế Hạ (nay là Tân Yên).
Lễ hội Yên Thế được tổ chức vào ngày 16/3 dương lịch hàng năm tại thị trấn Cầu Gỗ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1984 nhân lễ kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Yên Thế. Từ đó, lễ kỷ niệm đã trở thành một lễ hội có sức thu hút lớn đối với dân cư và khách thập phương.
Vào ngày 16/3 dương lịch. Từ tờ mờ sáng, khắp các ngả đường trong vùng Yên Thế, Tân Yên, người người kéo nhau đi hội. Lễ diễu hành qua kỳ đài được cử hành, đây là cuộc biểu dương sức mạnh, biểu dương sự uy nghi, đẹp đẽ và cũng là lúc làm cho không khí ngày hội trở nên sôi động nhất. Các đoàn quân lần lượt tiến qua lễ đài với biểu tượng và trang phục riêng của mình trong tiếng trống, tiếng chiêng ngân vang trong núi rừng Yên Thế.
Sau lễ diễu hành, các trò vui được tổ chức như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đu quay, mô tô bay...
Lễ hội đền Suối Mỡ mở vào ngày 1/4 âm lịch hàng năm. Theo các tài liệu xưa cho biết: đền Suối Mỡ là nơi thờ công chúa Quế Mỵ Nương thời vua Hùng Định Vương, có công giúp dân khơi nguồn suối lấy nước làm ruộng, làm nương, xây dựng cuộc sống no ấm.
Ngày hội đền Suối Mỡ là ngày rước của người dân sở tại: dân làng Dùm tế lễ ở đình làng từ sớm tinh mơ, rước sắc và bài vị ra đền Suối, qua đền cây Xanh đến xế trưa thì tới đền Hạ. Cũng thời điểm ấy, dân làng Quỷnh cũng rước sắc và bài vị từ đình Quỷnh ở phía Tây Suối Mỡ rước lên, đi qua nghè Hàn Lâm để vào đền Trung làm lễ, khi đám rước tới đền Hạ thì tế an vị. Cuộc tế này diễn ra ở ngay sân tiền đường của đền Hạ.
Ngoài việc tế lễ, hội đền còn tổ chức hát chầu văn, thi bắn cung, võ dân tộc, đi quyền, múa côn, múa kiếm, múa đao… Khách đến hội đền Suối Mỡ rất đông, từ nhiều vùng ở các huyện, tỉnh bạn. Trong đó có các bà, các cô chủ yếu đi lễ và xem hát chầu văn, thanh niên nam nữ trẻ, chưa vợ hoặc chưa chồng thì đi bộ leo suối, leo núi.…
Lễ hội là dịp phát huy những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương và dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng công tác tổ chức lễ hội và ý thức của người dân còn nhiều vấn đề đáng nói: hiện tượng hàng quán tràn lan, thắp hương, đốt vàng mã gây lãng phí, móc túi, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường... Do vậy, rất cần có sự vào cuộc tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các lực lượng chức năng, các cơ quan tuyên truyền và mỗi người dân.
Muốn vậy, Bắc Giang cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, giá trị lịch sử của lễ hội, đảm bảo tổ chức an toàn, trang trọng, thiết thực hiệu quả, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ di tích, di sản; tăng cường kiểm tra xử lý các sai phạm trong lĩnh vực văn hóa, trong quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định của pháp luật… Hy vọng Bắc Giang sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương mỗi dịp xuân về.
Ths. Nguyễn Thị Ngọc Anh