Vị Xuyên làm du lịch
Thứ ba, 26/06/2007 | 11:07 GMT+7
Vị Xuyên là một huyện vùng thấp của tỉnh Hà Giang, có cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy tiếp giáp với Trung Quốc với hệ thống giao thông đi lại thuận lợi; huyện có 16 dân tộc anh em sinh sống đan xen, với những nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc và nhiều di tích văn hóa - lịch sử như: chùa Sùng Khánh, đền Nậm Dầu, chùa Bình Lâm và khu du lịch Suối khoáng Thanh Hà, hàng năm thu hút được nhiều khách du lịch ở trong nước và quốc tế…
Trong những năm gần đây, tỉnh Hà Giang rất chú trọng đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch tại Vị Xuyên và coi đó là mục tiêu để chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Vì vậy, du lịch - dịch vụ trên địa bàn huyện đã có những thay đổi rõ nét; các chợ nông thôn, chợ biên giới được mở rộng và hoạt động sôi động, hàng hóa phong phú, giá ổn định, các hoạt động dịch vụ nhà hàng khách sạn thu hút ngày một đông khách du lịch; nhiều khu du lịch - dịch vụ đã được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, doanh thu dịch vụ - du lịch tăng khá nhanh, từ 4,6 tỷ đồng năm 2001 lên gần 16,5 tỷ đồng năm 2006; từ 9.000 lượt khách năm 2001 lên 25.000 lượt khách năm 2006; tốc độ tăng trưởng dịch vụ - du lịch năm 2006 là 16%.
Để phát triển du lịch - dịch vụ có hiệu quả và bền vững, từng bước hội nhập với khu vực phía Bắc, theo Bí thư huyện ủy Đàm Văn Bông: “Huyện sẽ tập trung phát triển lợi thế, tài nguyên du lịch - dịch vụ, vừa đầu tư khai thác, đa dạng hóa các loại hình du lịch - dịch vụ gồm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch lễ hội truyền thống, du lịch sinh thái, làng nghề, dịch vụ tắm nước nóng chữa bệnh, dịch vụ khám chữa bệnh; du lịch khám phá, mạo hiểm và tâm linh... Vị Xuyên phấn đấu từ nay đến năm 2015 tốc độ tăng trưởng du lịch - dịch vụ bình quân mỗi năm đạt 15%, đến năm 2015 khách du lịch đến với Vị Xuyên đạt 130.000 lượt người, doanh thu du lịch và dịch vụ đạt 120 tỷ, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch gồm hệ thống nhà hàng khách sạn; xây dựng 4 xã có làng văn hóa - du lịch gồm (Phương Tiến, Cao Bồ, Ngọc Linh, Linh Hồ) vào năm 2010. Đến năm 2015 phấn đấu 100% xã có làng văn hóa - du lịch, gắn với quy hoạch và từng bước xây dựng các điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ bưu chính viễn thông... tại mỗi xã, thị trấn; tập trung vào đào tạo nghề để tạo những sản phẩm đặc trưng của huyện phục vụ khách du lịch đến thăm, khôi phục và xây dựng làng nghề với phương châm “mỗi làng - mỗi nghề”.
Ngoài ra, đến với Vị Xuyên du khách còn được thưởng thức các món ăn hấp dẫn như cá nướng, cá luộc, cá muối chanh, thịt khâu nhục của dân tộc Tày - Nùng, thịt hun khói của người Mông; xôi màu, rượu thóc Tùng Bá, Ngọc Minh; đồng thời, Vị Xuyên khôi phục lại nghề truyền thống và tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu như cam, quýt Trung Thành, chè Shan tuyết Cao Bồ, Thượng Sơn, thảo quả muối chua, dầu sả Phong Quang. Huyện sẽ xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển ngành du lịch; ưu đãi, thu hút đầu tư để huy động các nguồn lực phát triển du lịch phải được cụ thể hóa, đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện của huyện; hoàn thành quy hoạch chi tiết phát triển du lịch, chọn điểm nhấn để đầu tư có trọng điểm, mở các tour tuyến du lịch nối với các trọng điểm, cụm du lịch khác trong tỉnh và các tỉnh bạn; hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng một số điểm du lịch sinh thái chủ yếu như: khu du lịch Thanh Hà, hang động Tùng Bá, tôn tạo tu bổ, xây dựng các di tích lịch sử như: chùa Sùng Khánh, chùa Bình Lâm, đền Nậm Dầu, đảm bảo đường giao thông đến khu du lịch làng văn hóa người Dao ở thôn Lùng Tao (xã Cao Bồ).
MINH GIANG