Ngày 13/10/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 230/QĐ - TTg về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006 - 2020 với mục tiêu xây dựng Điện Biên thành trung tâm du lịch tầm cỡ của vùng Tây Bắc và là trọng điểm du lịch trong hệ thống du lịch quốc gia; phấn đấu đến năm 2010, Điện Biên đón khoảng 300.000 lượt khách (50.000 lượt khách quốc tế), và năm 2020 đón khoảng 500.000 lượt khách (100.000 lượt khách quốc tế). Với mục tiêu trên, để phát triển bền vững, vừa phát triển vừa đi đôi với công tác bảo vệ môi trường đang là một vấn đề đặt ra đối với Du lịch Điện Biên.
 |
Đồi A1 |
Ảnh: HD |
Chủ tịch UBND xã Thanh Minh - Lường Văn Chựa cho biết đây là nơi có bản văn hóa du lịch Phiêng Lơi - một trong 8 bản văn hóa du lịch ở Điện Biên; kể từ khi có hoạt động du lịch tại bản, người dân đã được hướng dẫn thực hiện nếp sống văn hóa, thu gom xử lý rác thải, đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách trong nước và quốc tế về thăm bản. Đến nay, với sự quản lý và hướng dẫn của các cơ quan chức năng, 8 bản đạt chuẩn bản văn hóa du lịch ở Điện Biên đã tổ chức phục vụ du khách khá tốt, không có tình trạng nâng giá, ép khách sử dụng dịch vụ, tình trạng an ninh trật tự ổn định. Ở các điểm di tích như bia Hồng Cúm, Noong Nhai, khu trung tâm Mường Thanh, Mường Pồn… đã không còn tình trạng cỏ mọc che khuất tầm nhìn, hiện vật di tích được trùng tu, tôn tạo; khu rừng Mường Phăng rộng gần 200ha đã được bà con các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú sống quanh đó bảo vệ tốt.
Tuy đã có nhiều cố gắng trong công tác bảo vệ môi trường du lịch nhưng theo ông Lò Văn Ún - Trưởng bản Ten, nơi được nhiều du khách đến thăm, cho biết: hiện nay một số nét văn hóa truyền thống của người Thái tại bản dần bị mai một, thói quen sinh hoạt văn hóa cộng đồng không còn được duy trì đều, chỉ khi khách du lịch có yêu cầu mới tổ chức. Ngoài ra, ở một số điểm du lịch như đồi A1, động Pa Thơm, vẫn còn tình trạng người bán hàng chèo kéo khách du lịch và vứt rác thải bừa bãi. Tình trạng bê tông hóa nhà sàn ở các bản ven đô thị hoặc những nhà sàn bị dỡ đem bán ở nhiều bản trong vùng sâu đã và đang diễn ra. Du lịch cùng các ngành kinh tế khác ở Điện Biên có chung đặc điểm là xuất phát điểm thấp, do vậy, công nghệ xử lý rác thải còn thiếu đồng bộ; nhận thức xã hội về du lịch và bảo vệ môi trường du lịch còn nhiều bất cập, đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đang ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của Du lịch Điện Biên.
Định hướng phát triển các ngành kinh tế trong đó có du lịch của Điện Biên đã được thể hiện bằng Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 7/3/2007, với mục tiêu đến năm 2010, phát triển toàn diện các ngành thương mại, du lịch, kinh tế cửa khẩu và đối ngoại theo hướng bền vững.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Điện Biên vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định: phát triển Du lịch Điện Biên trong tương lai nhất thiết phải duy trì và bảo vệ được môi trường tự nhiên và xã hội. Không để các điểm du lịch có các loại rác thải, người ăn xin, chèo kéo khách, đặc biệt là phải phát huy và gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của 21 dân tộc Điện Biên trong phát triển du lịch. Để làm được điều này, theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Điện Biên Nguyễn Vân Chương, khi mỗi người dân coi tiềm năng du lịch là tài sản của chính mình, cùng nhau chung tay bảo vệ, khai thác Du lịch Điện Biên sẽ phát triển bền vững.
Để bảo vệ môi trường phát triển du lịch bền vững tại Điện Biên các doanh nghiệp du lịch cần có quy chế đối với các bản làng trích lại một phần thu nhập cho cộng đồng địa phương thực hiện công tác trồng rừng và bảo vệ rừng, thu gom rác thải, mở các lớp đào tạo nâng cao nhận thức, gìn giữ các nét đẹp văn hóa phục vụ khách du lịch… Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành cần phối hợp nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường như các chương trình du lịch sinh thái, trekking, homestay, tham quan bản làng, trực tiếp thẩm nhận giá trị văn hóa bằng việc tham gia vào đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng địa phương…
LÊ HẢI