Nghề trở thành di sản
Theo dân gian, nghề muối ba khía đã có từ lâu đời tại Cà Mau nhưng không ai biết chính xác có tự khi nào, chỉ biết đây là nghề truyền thống, truyền tay từ đời này qua đời khác và hiện đang phát triển nhiều ở các huyện như: Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển… (Cà Mau). Nghề muối ba khía đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào ngày 20/12/2019, do có nhiều nét độc đáo và khác biệt.
Ba khía sinh sống và sinh sản ngoài môi trường hoàn toàn tự nhiên nên mắm ba khía rất ngon và khác biệt. Vì vậy, từ khi được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, các ngành chức năng của tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch hình thành các làng nghề muối ba khía truyền thống, kết hợp với việc quảng bá giới thiệu sản phẩm phục vụ du khách.
Để làm mắm ba khía, người dân đi bắt, rửa sạch bằng nước sông, bỏ vào lu nước muối. Đến sáng hôm sau, lấy ba khía ra khỏi lu, để ráo nước và làm sạch lu. Tiếp tục, xếp ba khía thành từng lớp, để ngay ngắn vào lại lu, xong mỗi lớp đều cho muối hột cùng với vài tép tỏi. Đến lớp cuối cùng rải muối hột rồi đổ ngập nước lu đậy kín lại. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm dân gian, để có mắm ba khía ngon, người làm phải có kinh nghiệm trong gia giảm nước và lượng muối. Trong đó, có bí quyết là dùng hạt cơm nguội để thử nước muối, nếu cơm nổi lên mặt nước thì muối đã đủ độ mặn và tuyệt đối không muối bằng nước mưa, vì ba khía sẽ nặng mùi, ăn không ngon. Đến khoảng 7 – 10 ngày sau, mở nắp lu, lấy ba khía ra là dùng được. Có nơi, khi làm mắm ba khía lại cho thêm ít giấm hoặc chanh, đường để tạo ra hương vị đặc trưng cho món ăn này. Mắm ba khía có thể ăn kèm với cơm, bún hoặc chế biến các món ăn khác đều rất thơm ngon.
Nghề muối ba khía, đặc biệt ở tỉnh Cà Mau vẫn đang được cộng đồng duy trì và thực hành trao truyền cho con cháu. Hiện có khoảng hơn 400 hộ dân, tập trung nhiều nhất là ở huyện Năm Căn và Ngọc Hiển làm nghề này. Sản phẩm mắm ba khía được người dân địa phương sản xuất và cung ứng khắp nơi trong nước cũng như xuất khẩu qua Thái Lan, Campuchia và được nhiều người yêu thích. Qua đó, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế nhất định cho người dân.
Trải nghiệm thú đi “săn” ba khía
Ở miền Tây, đặc biệt là tại những cánh rừng đước, mắm bạt ngàn ở Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre… luôn có nhiều ba khía sinh sống. Hàng năm, cứ vào thời điểm con nước lên (từ tháng 8 - 10 âm lịch), ba khía chui ra khỏi hang và bò lên những chỗ cao hơn mặt nước, bò lên bờ, leo lên các gốc rễ cây đước, cây bần, cây mắm… để tránh ngập, kiếm ăn và giao phối. Đây cũng là thời điểm thích hợp để “săn” ba khía.
Hành trình săn bắt ba khía rất thú vị. Người dân địa phương chèo xuồng đưa chúng tôi đi quanh các bờ vuông, len lỏi qua những cánh rừng đước, bần, mắm… mênh mông bạt ngàn, mà len lõi là những luồng nước có thể chèo xuồng qua lại thoải mái. Những vuông này có nhiều cá, tôm, cua, ba khía… hầu hết đều sinh sản tự nhiên. Vào thời điểm con nước lên cao, dễ dàng bắt gặp ba khía bò lên bờ, leo lên thân, hốc cây…
Dù có người chèo xuồng đưa đi “săn” ba khía, tuy nhiên chúng tôi thật sự khó khăn trong việc xoay xở trên chiếc xuồng nhỏ. Sau vài lần chỉ dẫn, chúng tôi cũng có thể bắt được những con ba khía đầu tiên sau nhiều lần bị vụt mất.
Để bắt ba khía thành công, chị Nguyễn Thanh Hồng (ngụ ấp 6, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Khi chèo xuồng vào, phải dùng tay vịn vào cây bần, cây đước để tiếp cận ba khía trong yên lặng, dùng đèn pin rọi vào mục tiêu, vì nếu động là ba khía sẽ chạy hoặc nhảy xuống nước rất nhanh. Khi xác định được khoảng cách, phải đưa tay chụp thật nhanh, rồi giữ chặt và bỏ vào can nhựa đựng”.
Được biết, dân bắt ba khía chuyên nghiệp mỗi ngày có thể kiếm được vài ba triệu, có khi trúng đậm thì lên tới 4-5 triệu đồng/đêm. Nếu ít thì cũng được chừng 500 - 700 ngàn đồng/đêm. Dụng cụ bắt ba khía khá đơn giản, ngoài chiếc xuồng, cần có găng tay (đề phòng bị ba khía kẹp), can nhựa đựng, đèn pin… Tuy nhiên, quan trọng là phải có kỹ năng quan sát, nhìn ra ba khía. Thời điểm thích hợp để bắt ba khía là lúc con nước lên, thường vào buổi tối, dao động từ khoảng 23 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Đặc biệt, thời điểm rằm tháng 10 âm lịch là lúc “ba khía hội”. Vào lúc trời nhá nhem tối, ba khía sẽ xuất hiện nhiều vô số kể, chỉ cần dùng tay hoặc các vật dụng thông thường đều có thể bắt được.
Hiện nay, ba khía đã trở thành đặc sản nổi tiếng ở các miền biển và có rừng ngập mặn ven biển như tại huyện: Ngọc Hiển, U Minh, Năm Căn (Cà Mau), Trần Đề (Sóc Trăng), Gò Công (Tiền Giang), Thạnh Phú, Bình Đại (Bến Tre)…. Vì vậy, có dịp đến những khu vực này, đi “săn” ba khía sẽ là một trong những hoạt động trải nghiệm thú vị của bất kỳ ai. Hiện tại nhiều địa phương đang nghiên cứu để đưa việc săn bắt ba khía trở thành một sản phẩm du lịch, thu hút du khách trong chiến lược phát triển du lịch địa phương.
ThS. Dương Thanh Tùng