
Đến Phục Hòa, du khách được nghe kể về những sự tích truyền thuyết về công chúa Tiên Giao - người đã có công lao to lớn trong việc sưu tầm và phát triển làn điệu lượn Hai. Nên lúc đầu nhân dân gọi là “Lễ hội Nàng Tiên Giao”, về sau gọi tắt là “Lễ hội Nàng Hai”.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, Lễ hội Nàng Hai vẫn được gìn giữ với ý nghĩa là một tục lệ cầu mùa, được tổ chức hàng năm từ ngày 30 tháng giêng đến ngày 22/3 âm lịch với các đêm hát xướng có nội dung vừa để tưởng nhớ nàng công chúa Tiên Giao của nhà Mạc, vừa để mời các “Nàng Hai” - con gái của “Mẹ Trăng” ở trên trời xuống thăm trần gian và giúp người dân trong công việc làm ăn. Theo tín ngưỡng của người Tày thì trên trời có Mẹ Trăng và mười hai nàng tiên là con của Mẹ Trăng, chuyên lo việc đời sống, mùa màng cho người dân dưới trần gian.
Hiện nay, trên địa bàn xã Tiên Thành còn 3 xóm gìn giữ và phát huy được khá nguyên bản lễ hội. Lễ hội Nàng Hai bắt đầu từ lễ đón trăng, lễ cầu trăng và lễ tiễn trăng. Đặc biệt, nghi lễ cuối cùng là lễ tiễn trăng thu hút nhiều người dân địa phương và các vùng lân cận tới dự. Lễ hội vừa mang tính tâm linh vừa mang tính khoa học lịch sử, gắn liền với quá trình phát triển của các triều đại phong kiến Việt Nam (nhà Lê, nhà Mạc), đồng thời vừa thể hiện tín ngưỡng dân tộc, vừa phản ánh nguyện vọng của dân tộc Tày nói riêng và các dân tộc khác nói chung trong sự sinh tồn, trong bối cảnh nông thôn miền núi.
Là một trong 9 huyện nằm trong phạm vi của Công viên Địa chất toàn cầu Cao Bằng, có gần 23km đường biên giới giáp với huyện Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), giao thương qua cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, Phục Hòa là vùng đất còn nhiều bí ẩn để du khách trải nghiệm và khám phá như: bản Giuồng, làng nghề truyền thống mía đường Bó Tờ, bản Buống - quê hương anh hùng Bế Văn Đàn, chùa Trúc Lâm ở Tà Lùng...
|
HN