Sli, Lượn là làn điệu dân ca rất phổ biến và độc đáo đối với dân tộc Nùng, được thể hiện trong văn tế, hát mừng đám cưới, hát ru… Mỗi làn điệu đều có cách thể hiện thế giới tâm hồn riêng, có những khả năng chuyển tải và gợi cảm riêng thông qua những lời Sli, Lượn, độ trầm bổng luyến láy của nhạc điệu và tiết tấu riêng. Tình yêu nam nữ là đề tài được thể hiện sâu sắc, hấp dẫn của Sli, Lượn - phản ánh tập quán và tâm tư tình cảm của tuổi trẻ dân tộc Nùng.
Lượn nàng ới, tiếng Nùng Inh còn gọi là “Lịn Thại”, được thanh niên nam nữ say mê hát. “Thại” (thoại), có nghĩa hát đối đáp giữa hai bên, các câu hát tùy thuộc vào tình huống, có câu dài, câu ngắn, lời ca bóng bẩy, mượt mà.
Dá hai, là loại hình nghệ thuật diễn xướng Tuồng trên sân khấu của người Nùng ở các huyện miền Đông biên giới phía Bắc. Dá hai có thể biểu đạt một cách sinh động, sắc nét nhiều nội dung, chủ đề, tình tiết khác nhau trong xã hội. Dá hai cổ truyền có 6 làn điệu chủ yếu (Phìn Tiảo, Thán Tiảo, Sai Vá, Hý Tiảo, Thiều Tiảo, Sấu Pán) cùng nhiều nhạc cụ cùng hòa tấu.
Lượn Phủ (thường quen gọi là Hà lều) vốn là của người Nùng Lòi gốc xưa ở Hạ Lôi (Quảng Tây, Trung Quốc), nay phổ biến khắp các huyện miền Đông Cao Bằng. Nội dung của Lượn phủ là hát giao duyên giữa nam nữ, phản ánh cuộc sống sinh hoạt của người Nùng, có thể gặp nhau tại chợ phiên, trong lễ hội, hoặc đi đường gặp bạn bè khác giới là có thể lên tiếng.
Sli Giang là làn điệu của người Nùng Giang (phân bố chủ yếu ở các huyện Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hà Quảng). Sli Giang chủ yếu hát đối đáp giao duyên giữa thanh niên nam nữ, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, cuộc sống mới tươi đẹp ấm no hạnh phúc. Họ hát ở nhiều nơi, tại chợ phiên, lễ hội xuân, gặp nhau trong lao động sản xuất, mừng nhà mới…
Sli La Hòi là điệu Sli người Nùng La Hòi (chủ yếu ở Phục Hòa), dành cho thanh niên nam nữ hát giao duyên. Về nội dung và không gian thể hiện thì Sli La Hòi cơ bản như Sli Giang, nhưng làn điệu khác nhau, gieo vần từ ngữ và thể thức hát khác nhau. Sli La Hòi hát đơn đối đáp chứ không hát đôi.
Xà xá là điệu hát người Nùng Giang. Xà xá có thể hát đơn, hát đôi, hát tốp ca hay đồng ca. Xà xá gốc từ ngoạn xả mà ra, có nghĩa là du ngoạn và giải trí, vui vẻ. Mỗi năm, xuân về, trai gái trong làng bản rủ nhau đi chơi, cầu may lấy lộc. Xà xá có giai điệu vui tươi hóm hỉnh, bày tỏ tình cảm giao lưu giữa thanh niên nam nữ với nhau.
Hèo phưn (Hèo phươn) là làn điệu dân ca của người Nùng An (chủ yếu ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên) được hình thành từ lâu đời. Hèo phưn (nghĩa là mời gọi bạn cùng hát) là làn điệu hát đôi, lời theo thể cổ phong, ý tứ đậm đà đằm thắm.
HN