_watermark.JPG)
Cầu Ngói nằm cách chùa Lương 100m, nằm trên trục đường thẳng dẫn vào chùa, cạnh khu chợ sầm uất có tên là chợ Lương tạo thành một quần thể di tích. Vì cầu ở liền chợ và cùng niên đại xây dựng với chùa Lương, nên người dân quen gọi là cầu Ngói - chùa Lương (hay một số người còn gọi là cầu Ngói chợ Lương).
Cầu Ngói – chùa Lương là 1 trong 3 cây cầu ngói cổ và đẹp nhất Việt Nam cùng cầu Ngói Thanh Toàn xứ Huế và chùa Cầu (Hội An). Không chỉ mang trong mình những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống, cầu Ngói - chùa Lương còn được biết tới như một cái nôi của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến của quân dân Nam Định. Trải qua hơn 500 năm, cầu Ngói - chùa Lương vẫn còn nguyên vẹn, mang vẻ đẹp cổ kính thu hút du khách tìm về chiêm ngưỡng.
_watermark.JPG)
Cây cầu Ngói bắc ngang sông Trung Giang chạy xuyên suốt xứ Thành Nam, đây cũng là nơi người dân tổ chức các lễ hội truyền thống mỗi năm. Cầu vừa là công trình giao thông, vừa là công trình văn hóa cộng đồng của làng xã, nơi dân làng dừng chân nghỉ ngơi, trò chuyện mỗi khi đi chợ, đi lễ chùa, hoặc đi làm đồng về.
Nhìn tổng thể, cầu Ngói - chùa Lương có hình dáng như một ngôi nhà dài lợp ngói bắc ngang sông, hay còn gọi là “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà dưới là cầu). Phần trên là một tổ hợp mái ngói vảy rồng với hệ thống các kèo giống như trong một ngôi nhà truyền thống. Theo người dân địa phương, kiến trúc nửa lợp nửa xây làm cho vòm mái rất duyên dáng tựa như con rồng đang bay, mỗi đầu cầu đều có 4 con nghê chầu với dáng vẻ uy nghiêm.
Hàng năm, cứ đến ngày 13 - 15/3 âm lịch người dân địa phương và du khách khắp nơi quy tụ về đây để tham gia lễ hội truyền thống “Hội chùa Lương” với điểm nhấn là lễ rước kiệu vòng quanh chùa và cầu Ngói. Đây cũng là nơi tổ chức những sinh hoạt cộng đồng của người dân vào các dịp đầu năm mới, ngày rằm, tết trung thu…
Vào những ngày có số cuối là 1 và 7 theo âm lịch, dân làng đều dành thời gian đi phiên chợ Lương để mua bán hàng hóa. Chợ Lương có tất cả những giá trị truyền thống của một phiên chợ quê Bắc Bộ, người mua, người bán đều là người dân địa phương, mua bán những đồ “cây nhà lá vườn”, đồ thủ công, cây giống…
Du khách có dịp về thăm cầu Ngói, có thể ghé thăm các làng nghề truyền thống, các ngôi chùa cổ kính và hơn 20 nhà thờ trong bán kính khoảng 2km với các kiến trúc đặc sắc.
PV