Với các dân tộc ở Mộc Châu cây nỏ gần như trở thành một thứ dụng cụ không thể thiếu cùng với dao, cuốc, xẻng... trong quá trình chinh phục tự nhiên để tồn tại và phát triển. Đó là thứ vũ khí lợi hại để bảo vệ mình trước thú dữ, để đi săn lấy thực phẩm, để thể hiện tài năng của một người đàn ông trước cộng đồng và để chinh phục… người con gái xinh đẹp mình đang để mắt.
Mỗi dân tộc lại có cây nỏ riêng của mình, người Thái cũng vậy. Ngày nay, cây nỏ không còn dùng để đi săn nữa, nhưng trong các gia đình gần như đều có treo một cây ở góc nhà, góc bếp, đôi khi để trang trí, đôi khi để người đàn ông còn hoài mong về một thời xưa cũ khi thú rừng còn đầy núi, còn tìm về tận chân cột nhà.
Đến với nhà sàn người Thái ở bản Áng, xã Đông Sang, du khách có thể tham gia vào trò chơi bắn nỏ. Nó không hẳn đem lại cảm giác của một người thợ săn đích thực, nhưng cũng cho khách trải nghiệm qua các cung bậc cảm xúc và các thao tác của một người thợ săn.
Trước hết, hãy học cách đeo nỏ cho đẹp, rồi học cách cầm nỏ cho đúng, cách lên dây nỏ sao cho khỏi mất sức mà vẫn kéo được dây đến nẫy. Việc tưởng dễ mà không hề đơn giản, có người kẹp vào bụng, có người lấy chân đạp vào cần nỏ, tay gồng lên hết sức kéo dây, mặt đỏ tía tai mà cũng không kéo nổi sợi dây gai được bện nhỏ bằng đầu đũa. Kỹ thuật kéo dây nỏ chính là kéo cho đều, cho cân dây nỏ ở cải 2 bên trục nỏ, kéo từ từ chứ không giật cục cậy khỏe. Kéo được rồi lại đến cách ngắm sao cho chính xác, rồi mới gạt nẫy nỏ để nghe tiếng pực một cái giòn tan.
Tất cả chỉ diễn ra trong vài phút, nhưng nó cho mỗi người cảm giác háo hức của một đứa trẻ lần đầu tiên chơi trò chơi vui, cảm giác hồi hộp khi nín thở, bóp cò, nheo mắt, cảm giác hi vọng khi nghe tiếng kêu giòn tan của nỏ, nghe tiếng gió rít, tiếng mũi tên cắm phập vào bia và đôi mắt mở ra.... rồi cảm giác nuối tiếc khi bắn gần trúng, hay cảm giác vui mừng khôn xiết của bạn và của cả đoàn khi bắn trúng hồng tâm và được nhận phần quà của gia chủ.
Tôi đã được tận mắt chứng kiến những cung bậc cảm xúc ấy của một đoàn khách. Cả đoàn được gia chủ giao cho 5 mũi tên và hướng dẫn tỉ mỉ cách bắn, sau đó lên dây nỏ, nắp mũi tên hộ. Người bắn chỉ việc dương nỏ, ngắm và gạt nẫy. Đơn giản thế mà vui ra trò, người thì hồi hộp tay run run, người thì tự tin, kẻ lại háo hức. Ai bắn trượt cũng đều xin bắn thêm lần nữa bởi… bắn gần trúng rồi, lần này thế nào cũng trúng.
Cô giáo Đỗ Nga, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa bắn trúng hồng tâm và nhận quà hồ hởi chia sẻ: lần đầu tiên mình và cả đoàn được tham gia trò chơi này. Nó mang màu sắc rất riêng biệt, đó là sự kết nối quá khứ và hiện đại, nó vừa gây tò mò vừa khích lệ tinh thần thể thao. Chúng tôi rất thích.
Nhìn thấy khuôn mặt háo hức của khách sau khi chơi, bà Lường Thị Sen, chủ homestay Mộc Châu Mộc rạng rỡ cười: đoàn nào đến cũng rộn rã thế cả, mình muốn khoe với khách nét đẹp văn hóa của người Thái trắng ở bản Áng, không chỉ có lễ hội Hết chá, có áo cóm, xôi tình yêu mà còn có nhiều trò chơi truyền thống. Nếu được sau này gia đình sẽ tổ chức cho du khách bắn gà, sau đó làm các món ăn từ gà đã săn được để mọi người biết cảm giác được đi săn bắn.
Nhà sàn Mộc Châu Mộc hiện đang là một trong số ít nhà sàn xây dựng được trò chơi bắn nỏ và các hoạt động khác hướng đến các trải nghiệm kết hợp khám phá văn hóa dân tộc tại bản Áng. Đến đây, ngoài bắn nỏ trúng thưởng, bạn được thử dệt cửi, mặc trang phục dân tộc Thái, tự tay nấu các món ăn dân tộc Thái như xôi màu bằng lá cây, gà nướng mắc khén, cá nướng pỉnh tộp và tham gia buổi giao lưu văn nghệ, múa xòe, nhảy sạp với người Thái trắng địa phương...
Mặc dù mới phát triển vài năm trở lại đây, nhưng du lịch Mộc Châu đã và đang tìm được hướng đi riêng của mình nhờ biết cách khai thác thế mạnh của khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa đa dạng. Trong thời gian tới, bắn nỏ nhất định sẽ là điểm nhất của du lịch homestay, và Mộc Châu nhất định trở thành điểm nhấn của du lịch Tây Bắc.
Nguồn: Laodong.com.vn