Ngôi chùa là nơi duy nhất còn lưu trữ được hình tượng đại bàng Kim Sí Điểu đỡ bệ sen được tạc bằng đá trong hệ thống các chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Trước cổng chùa là cây đa cổ thụ có niên đại khoảng 600 tuổi, tán rộng, rễ dài bám đất và 5 ngôi mộ tháp thờ những hạt xá lị linh thiêng của các vị trụ trì trước. Bãi đất rộng thênh thang được cho là nơi tuyển quân sĩ của nhà nước phong kiến xưa. Ngày nay, nơi đây đã trở thành chỗ vui chơi cho trẻ em trong làng.
Điều đặc biệt hơn, chùa có cổng ngũ quan chứ không phải tam quan như nhiều chùa khác. Khi chiều ngả xuống, những tia nắng xuyên qua tán lá chiếu lên ngũ quan tạo nên một bức tranh tâm linh cổ kính và huyền ảo. Qua cổng chùa thấy ngay chiếc cầu gạch vắt qua hào nước hẹp. Dòng sông Đỗ Động xưa nay còn lại dấu tích là hai hồ hoa súng nhỏ xinh.
Rẽ trái là con đường dẫn tới từ đường trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1474) một người con ưu tú của làng Bối Khê, cách chùa 30m. Đi qua cầu là tam quan cao hai tầng, tám mái (chồng diềm), tầng trên treo 2 quả chuông lớn.
Một cơn gió nhẹ thoáng qua đem theo một mùi hương lạ lẫm. Tôi bần thần trước mùi hương ngào ngạt ấy. Lần theo, hóa ra đó là mùi hương của cây sen đất.
Loài hoa độc đáo này chúng tôi chưa một lần biết đến, có lẽ là loại hoa đặc hữu ở chùa Bối Khê. Theo ông Kiều Văn Pháo (nguyên Hiệu trưởng THPT Thanh Oai A), một nhà giáo, một người con của làng Bối Khê, ông chưa từng gặp hoa sen đất ở đâu khác ngoài Bối Khê. Mùa sen khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, hoa nở 1-2 tuần mới tàn và có mùi thơm. Đứng dưới gốc cây, có thể ngửi thấy mùi thơm rất dễ chịu. Cánh hoa trắng muốt như tượng trưng cho ước muốn tâm hồn của mỗi du khách đặt chân đến đây đều được thanh tịnh.
Tam bảo là nơi trang trọng nhất của nhà chùa. Những nét cổ kính hiện lên trên các cột, kèo, vì, bảy làm tôi không khỏi ngỡ ngàng,. Những câu chuyện cổ tích cũng được những nghệ nhân thời xưa đục đẽo một cách tỉ mỉ trên các bức vách. Đặc biệt, còn có cảnh bốn thầy trò Đường Tăng bên Trung Hoa sang Tây Trúc thỉnh kinh cũng được khắc họa một cách sống động, chân thực.
Chùa Bối Khê có nhiều điểm đặc biệt mà từ đầu cuộc hành trình tôi cũng không thể ghi chép được hết. Nhưng điều đặc biệt nhất mà nhà giáo Kiều Văn Pháo dẫn chúng tôi tìm hiểu kỹ càng đó chính là hình tượng chim thần Garuda đỡ bệ sen của Quan âm Bồ tát hay còn gọi là đại bàng Kim Sí Điểu. Hình tượng Đại bàng Kim Sí Điểu có nguồn gốc từ Ấn Độ. Qua sự tiếp biến và giao lưu văn hóa, hình tượng chim thần này đã có mặt tại nhiều ngôi chùa ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, do thời gian và chiến tranh nên chỉ còn chùa Bối Khê còn lưu giữ được hình tượng Đại bàng Kim Sí Điểu đỡ bệ sen được tạc bằng đá.
Hình tượng này tượng trưng cho sự nhân từ của nhà Phật cũng như sự giác ngộ của những thú vật ác. Từ một loài vật chuyên đi ăn thịt các loài khác, quấy rối loài người, Garuda đã được Phật tổ cảm hóa thành “người bảo vệ Phật pháp”. Không những thế, chim thần Garuda còn được những nghệ nhân đá xưa điêu khắc vô cùng tinh xảo. Thân chim vẫn giữ được sự oai phong, lẫm liệt và sức mạnh của mình nhưng khuôn mặt đã trở nên nhân từ hơn rất nhiều.
Đằng sau Tam bảo là điện thờ Đức Thánh Bối. Ngài tên thật là Nguyễn Bình An, người làng Bối, sinh thời Ngài tu tại chùa Bối Khê. Ngài có công giúp vua Trần đánh giặc ngoại xâm nên được vua Trần phong cho làm Thượng đẳng thần, từ đó con cháu đời đời thôn Bối Khê luôn thờ phụng Ngài như một vị Thánh tối cao của dân làng.
Tuy không phải là một ngôi chùa bề thế với nước sơn bóng bảy nhưng chùa Bối Khê lại giữ được các nét giá trị ban sơ, cổ kính nhất. Nơi đây xứng đáng là một chốn đi về cho những ai muốn tâm được thanh tịnh, một địa điểm tuyệt vời cho chuyến du lịch tâm linh. Chùa được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa ngay từ năm 1979. Lễ hội chùa Bối Khê diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch.
NGUYỄN DUY KHÁNH
nguồn: laodong.vn