“Bảo tàng cách mạng” của cả nước
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang, tỉnh hiện có 635 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 435 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Riêng Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào có 183 di tích, trong đó có 18 di tích đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Với những giá trị lịch sử to lớn, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào được ví như một “Bảo tàng cách mạng” của cả nước.
Điểm dừng chân đầu tiên của du khách khi đến với Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào là làng Tân Lập - “vùng lõi” của Khu di tích với lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào... Nếu như cây đa Tân Trào đã đi vào thi ca như biểu tượng cách mạng của “Thủ đô Khu giải phóng” thì lán Nà Nưa là nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945. Tới đây, du khách được nghe những câu chuyện về phong cách giản dị của Bác. Trong chiếc lán đơn sơ được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, Bác đã soạn thảo nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương... liên quan đến Cách mạng Tháng Tám.
Đình Tân Trào là nơi diễn ra Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17-8-1945. Tại đây, các đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng; thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh; quy định Quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Cách đình Tân Trào khoảng 3km về phía tây là đình Hồng Thái thuộc làng Cả. Đây là điểm dừng chân đầu tiên khi Bác Hồ từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (ngày 21-5-1945). Đi tiếp khoảng 700m, du khách sẽ tới lán Hang Bòng (làng Bòng) - nơi làm việc của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 5-1951 đến cuối năm 1952.
Ngoài các di tích trên, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào còn có các di tích quan trọng khác như: Cụm di tích Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ, di tích An toàn khu (ATK) Kim Quan, Nha Công an...
Đa dạng sản phẩm để thu hút khách
Hiện nay, tới thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, du khách không chỉ được tham quan hệ thống di tích cách mạng kháng chiến mà còn được tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa, trải nghiệm việc thu hái, sao chè tại làng chè Vĩnh Tân; học làm cơm lam, xôi ngũ sắc và nghỉ ngơi trong những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày ở Làng Văn hóa - Du lịch thôn Tân Lập... Ông Hoàng Đức Xoài, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết, đây là sản phẩm du lịch mới được đưa vào phục vụ du khách. Các sản phẩm này đã góp phần phát triển kinh tế địa phương và nâng cao đời sống của người dân.
Theo Giám đốc Công ty FiveStar Travel Lương Duy Doanh, để thu hút du khách đến Tuyên Quang nhiều hơn nữa, cần kéo dài thời gian lưu trú của khách và phát triển sản phẩm du lịch về nguồn - sinh thái - tâm linh, liên kết các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến tại các tỉnh như: ATK Định Hóa (Thái Nguyên), ATK Tân Trào (Tuyên Quang), chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang) kết hợp với khám phá, trải nghiệm hồ sinh thái Lâm Bình (Na Hang, Tuyên Quang) và Đền Hùng (Phú Thọ)...
Theo ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang: Tỉnh đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, nhằm đưa Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành Khu du lịch quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh trên cơ sở khai thác các giá trị di tích cách mạng “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”. Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; liên kết với các tỉnh trong vùng để tạo tuyến du lịch liên hoàn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, từng bước xây dựng thương hiệu cho Khu du lịch quốc gia Tân Trào...
Nguồn: hanoimoi.com.vn