Nhắc đến Bát Tràng là nói đến nghề gốm sứ truyền thống tồn tại và phát triển suốt hơn 1.000 năm qua tại đây, kể từ khi những người con của 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng gồm Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm ở làng Bồ Bát (huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, nay là huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) theo vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long lập nghiệp. Đến phường Bạch Thổ (huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), họ quyết định mở lò gốm tại đất này bởi nơi đây có nguồn đất sét trắng - nguyên liệu chính để làm gốm - vô cùng dồi dào. Trải qua hơn 1.000 năm, đến nay, Bát Tràng vẫn luôn là làng nghề truyền thống hấp dẫn của Hà Nội.
Các dòng gốm cổ truyền luôn được các thế hệ người Bát Tràng bảo lưu, trao truyền và cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Với những nghệ nhân có kỹ năng nghề tinh xảo, sản phẩm gốm Bát Tràng ngày càng được nhiều nơi biết đến. Ngày nay, người Bát Tràng còn phát triển các dòng gốm mới trên nền tảng truyền thống. Dòng gốm men lam xám cổ tưởng đã thất truyền nay được nghệ nhân Tô Thanh Sơn ứng dụng làm nên tác phẩm nghệ thuật tổng hợp gốm - họa - thơ. Nghệ nhân trẻ Phạm Thế Anh khôi phục dòng gốm cổ Hồng Sa, mỗi năm sản xuất hàng trăm nghìn chiếc ấm chất lượng cao để xuất sang Nhật Bản. Nghệ nhân Trần Độ, người phục chế thành công các dòng men chảy, men rạn để làm đồ thờ cúng, tượng cổ vô cùng đẹp mắt...
Đến Bát Tràng ngày nay, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh từng đoàn khách trong nước, quốc tế nườm nượp mua sắm, tham quan hay tự tay tạo sản phẩm gốm mang dấu ấn của riêng mình. Các cửa hàng có nhiều mẫu sản phẩm với màu sắc, chất liệu phong phú, có thể phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.
Du khách không thể không ghé qua làng cổ Bát Tràng với công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính. Du khách có cơ hội khám phá xung quanh làng cổ trên chiếc xe trâu dân giã để tận hưởng không khí mộc mạc, đậm chất. Những địa điểm tiêu biểu lưu lại dấu tích thời xa xưa ở đây có thể kể đến như nhà cổ Vạn Vân, đình Làng Bát Tràng. Là ngôi nhà gỗ có tuổi đời hơn 200 năm, nhà cổ Vạn Vân là tuyệt tác kiến trúc bao gồm các họa tiết gốm sứ, ấm men lam, lọ rồng, bộ khuôn bản dập làm gốm,… từ trước thế kỷ 15. Đình làng Bát Tràng là nơi thờ Thành hoàng cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội quanh năm. Nếu đi làng cổ Bát Tràng đúng dịp lễ hội, du khách có thể khám phá nét văn hóa vô cùng độc đáo, náo nhiệt.
Đến với Bát Tràng, du khách có thể dừng chân tại các quán ven chợ để nếm thử vài món ăn vặt như bánh sắn nướng, bánh tẻ nóng hay cơm, bún, miến mang hương vị đặc trưng của làng cổ Bát Tràng. Đặc biệt nhất bạn không thể bỏ lỡ đặc sản canh măng mực, món ăn truyền thống nức tiếng ở đây. Màu vàng ươm của măng hòa quyện cùng nước dùng ngọt lịm, khi ăn sẽ dai giòn sần sật rất thơm ngon. Canh măng mực thường được dùng làm món chính trong các ngày lễ truyền thống, lễ cưới xin, giỗ tết của người dân làng gốm sứ Bát Tràng.
Làng nghề truyền thống Bát Tràng giờ đã thành điểm du lịch đáng chú ý của thành phố Hà Nội. Theo ông Phạm Văn May, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, năm 2019 Bát Tràng đón hơn 2.000 đoàn với khoảng 12.000 lượt khách, tăng 30% so với năm 2018. Tổng giá trị thương mại, dịch vụ du lịch năm 2019 của xã ước đạt trên 1.200 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm. “Đó là nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động thu hút khách du lịch như: Giới thiệu sản phẩm du lịch thông minh (xe điện thông minh, máy thuyết minh tự động, trải nghiệm thực tế ảo, bản đồ du lịch 3D), lắp đặt hệ thống wifi miễn phí, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn”, ông May chia sẻ.
Hiện nay, xã Bát Tràng phối hợp vớiSở Du lịch Hà Nội tổ chức xây dựng tour 1 ngày tại làng nghề Bát Tràng, gắn kết hoạt động tham quan di tích lịch sử - văn hóa với mua sắm tại làng nghề, tham quan nhà cổ và thưởng thức ẩm thực truyền thống Bát Tràng. Cùng với đó, xã cũng nghiên cứu, xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng của hai làng nghề Bát Tràng, Kim Lan và kết nối với du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại xã Văn Đức để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn...
Ứng dụng yếu tố truyền thống và công nghệ hiện đại trong công tác bảo tồn làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch, thực tế đó thể hiện hướng đi đúng, tầm nhìn chiến lược và nhạy bén của chính quyền, người dân xã Bát Tràng nói riêng và ngành Du lịch Hà Nội nói chung. Chính những điều đó đã góp phần tạo dấu ấn đậm nét trong lòng du khách về Bát Tràng - một ngôi làng cổ nghìn năm tuổi.
Lan Phương