_watermark.jpg)
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy nêu rõ: “Bài ca kết đoàn” là bài ca, ca ngợi việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không chỉ là bài học xương máu trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng đất nước, mà còn giữ nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: từ năm 2020 đến nay, trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự tin tưởng, đoàn kết, chung sức đồng lòng của toàn dân, công tác phòng, chống dịch bệnh đã được kiểm soát rất tốt ở Việt Nam. “Cũng trong năm 2020 vừa qua, xót xa trước cảnh khúc ruột miền Trung “oằn mình” trong bão lũ, nhiều cá nhân, tổ chức đã sẵn sàng ủng hộ, quyên góp, hỗ trợ bà con. Thậm chí, có nhiều tấm gương hy sinh khi cứu giúp đồng bào. Những hành động dũng cảm và nhân văn đó đã góp phần thắp sáng nên tình nghĩa đồng bào, chia ngọt sẻ bùi trong gian khó” bà Thủy nhấn mạnh.
Hình ảnh ghi lại khoảnh khắc Bác Hồ đứng trên bục chỉ huy, bắt nhịp “Bài ca kết đoàn” được nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long chụp lại mở ra không gian trưng bày “Bài ca kết đoàn” với hàng trăm tư liệu, hình ảnh tư liệu quý báu. Trong số những hình ảnh đó, nổi bật là câu nói của Bác: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Trưng bày chuyên đề: “Bài ca kết đoàn” được thể hiện qua 2 nội dung: “Dấu ấn nơi miền quê” và “Dưới cờ Đảng vẻ vang”.
_watermark.jpg)
Mở đầu trong “Dấu ấn nơi miền quê” là câu chuyện kể về những người con ưu tú trong cùng gia đình, dòng họ ở một số miền quê, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngoài Hà Nội, triển lãm còn giới thiệu những câu chuyện xúc động về con người, vùng đất khác như: Xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) - nơi nổi tiếng với bề dày lịch sử, đặc biệt là trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931).
Phần 2 của triển lãm với chủ đề “Dưới cờ Đảng vẻ vang” đã khái quát lại chặng đường dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua những chặng đường khó khăn sau chiến tranh, để xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nổi bật trong số những tư liệu trưng bày tại triển lãm là lời Bác Hồ nhắn nhủ trong di chúc: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
_watermark.jpg)
Tại lễ khai mạc, các đại biểu tham dự đã được gặp gỡ, giao lưu cùng thân nhân của các nhân chứng lịch sử giới thiệu trong trưng bày. Đặc biệt, các đại biểu được nghe câu chuyện tình cao đẹp giữa hai chiến sĩ cách mạng Mai Ngọc Thuyết và Nguyễn Văn Mẫn qua lời kể của người con gái duy nhất là bà Nguyễn Hồng Tuyến - cán bộ tiền khởi nghĩa, năm nay đã bước sáng tuổi 90.
Tuấn Hải