Tiềm năng lớn
Lục Ngạn là huyện miền núi, có địa hình đa dạng đan xen giữa đồi núi thấp và núi cao, nhiều hồ đập. Thiên nhiên đã ban tặng cho Lục Ngạn trở thành một vùng cây ăn quả trù phú với nhiều sản vật trái cây nức tiếng trong và ngoài nước. Là huyện giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cũng là nơi sinh sống đan xen của nhiều đồng bào dân tộc như: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Dao, Hoa...; nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: chùa Am Vãi, đền Hả, hát sloong hao, sli, hát then, hát lượn. Đặc biệt, dân ca Sán Chí xã Kiên Lao và dân ca Cao Lan xã Đèo Gia là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hồ Cấm Sơn có quy mô lớn, với diện tích mặt nước là 2.650ha, chứa khoảng 307 triệu m3 nước, độ sâu trung bình khoảng 20m, nơi sâu nhất 47,5m, chiều dài hồ 22km, chỗ rộng nhất là 5km, hồ có rất nhiều đảo. Cấm Sơn có cảnh đẹp sơn thủy, hữu tình, quanh hồ là những dãy núi cao bao bọc, vùng lòng hồ có nhiều đảo nhỏ trùng điệp nhấp nhô như một “vịnh Hạ Long thu nhỏ”.
Lục Ngạn còn được biết đến là “vựa trái cây” lớn nhất miền Bắc, nơi đây tập trung nhiều loại trái cây đặc sản như: vải thiều, nhãn, các loại cây có múi (cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh…), trong đó, diện tích trồng vải trên 15 nghìn ha, các loại cây có múi với hơn 6.500ha, ngoài ra còn có táo, ổi, nhãn, thanh long.
Những năm qua, huyện Lục Ngạn đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây của Lục Ngạn nhằm tạo đầu ra ổn định. Chất lượng trái cây ở Lục Ngạn ngày càng cao, đậm vị, màu sắc vỏ quả đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng, được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để thu hút khách du lịch; từ tháng 1 đến tháng 3 có cam V2 và táo xuân, tháng 5 và 6 có vải thiều, tháng 7 và 8 có nhãn, tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi các loại, táo Đài, táo lê...; ngoài ra người dân Lục Ngạn còn có kỹ thuật, kinh nghiệm làm cho quả ổi, thanh long ra trái quanh năm.
Mặc dù Lục Ngạn có tiềm năng về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng và sinh thái nhưng du khách đến với Lục Ngạn chủ yếu là đi trong ngày, chưa dừng lại nghỉ đêm để trải nghiệm hết những thú vị, đặc sắc của người dân Lục Ngạn. Có thể thấy, nguyên nhân do hiện nay Du lịch Lục Ngạn vẫn chỉ dừng lại ở tiềm năng, chưa được đầu tư và khai thác; cơ sở hạ tầng du lịch của huyện cơ bản còn thiếu; mạng lưới giao thông đến các điểm có tiềm năng du lịch của huyện còn khó khăn; các bến bãi, điểm dừng đỗ xe của khách chưa có; còn hạn chế các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch.
Phát huy lợi thế

Bà Vi Thị Anh Thùy, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lục Ngạn cho biết, trong đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện Lục Ngạn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, huyện đề ra mục tiêu xây dựng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng thành sản phẩm hấp dẫn với không gian du lịch chính là khu vực hồ Cấm Sơn và vùng cây ăn quả; phấn đấu mỗi năm thu hút từ 60.000 đến 80.000 lượt du khách đến với Lục Ngạn.
Thông qua đề án, huyện đề ra mục tiêu giúp người dân giảm nghèo phát triển kinh tế; bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của các dân tộc; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường nước khu vực Cấm Sơn; bảo vệ môi trường đồng thời góp phần phát triển ngành Du lịch theo hướng bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương; khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái, trải nghiệm và nét văn hóa của vùng đất con người Lục Ngạn; tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Các giải pháp được huyện quan tâm như: vận động nhân dân, các hợp tác xã du lịch khu hồ Cấm Sơn xây dựng cơ sở vật chất đón tiếp khách; phát huy mạnh mẽ vai trò, chủ thể là người dân cùng cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch. Cùng với đó, đẩy mạnh kêu gọi xúc tiến đầu tư, công tác xã hội hóa, thành lập các hợp tác xã dịch vụ du lịch để tăng cường nguồn lực, đa dạng hóa các dịch vụ, các sản phẩm du lịch và tham gia vận hành có hiệu quả công tác du lịch tại địa bàn. Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí, nhà hàng, nhà sàn và một số hạng mục công trình tại các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hồ Cấm Sơn.
Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế - xã hội, và dự án đầu tư của các ngành để từng bước đầu tư các hạng mục hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch; hỗ trợ tu sửa nâng cấp nhà sàn văn hóa, nhà trưng bày sản phẩm, nhà chòi khu vực Cấm Sơn; hỗ trợ một phần kinh phí cho các hợp tác xã, các hộ dân làm du lịch cộng đồng; xây dựng một số biển nội quy khu du lịch, biển báo, biển chỉ dẫn… Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch; tổ chức các đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm của các địa phương khác trong cả nước; tổ chức các tour thử nghiệm mời các công ty lữ hành về khảo sát tại các điểm du lịch tại địa phương...
Với những giải pháp trên, du lịch cộng đồng kết hợp sinh thái tại huyện Lục Ngạn hy vọng sẽ có bước khởi sắc trong tương lai.
Đông Khánh