Vùng đất Lục Ngạn được hình thành và phát triển từ rất sớm, vào năm 1975 ngành khảo cổ học đã phát hiện được 27 di chỉ đồ đá cũ phân bố trên gò Non Trúc, giáp suối Nghè Mưa (xã Trù Hựu). Tháng 6/2007, đã phát lộ dấu tích thời Lý được khai quật ở đền Cầu Từ (xã Phượng Sơn) với di vật kiến trúc tương tự như hoàng thành Thăng Long, hiện đang được tiếp tục khai quật và bảo quản phục vụ cho nghiên cứu, giáo dục truyền thống và tham quan du lịch.
Lục Ngạn có ải Nội Bàng (còn có tên là Bàng Quan, thành nhà Mạc), là chiến ải lớn nhất nằm ở khu vực giữa thung lũng sông Lục Nam. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, Trần Hưng Đạo đã cho xây dựng phòng tuyến Xa Lý - Nội Bàng và đặt đại bản doanh ở Nội Bàng (xã Phượng Sơn); hiện vẫn còn làng tên là làng ải.
Khu du lịch hồ Khuôn Thần với diện tích 2.700ha, có 1.000ha rừng và hồ Khuôn Thần rộng 140ha, với trên 50 loài thực vật và 100 loài động vật sống ở khu vực này. Tại đây có thể xây dựng khu du lịch sinh thái lý tưởng phục vụ khách tham quan, bơi lội, leo núi, câu cá, bơi thuyền thăm các đảo và thắp hương ở đền thờ Hồ Công Trạc - một vị tướng quân người dân tộc thiểu số. Trên đất Lục Ngạn, hồ Khuôn Thần nổi lên như một viên ngọc lấp lánh giữa vùng rừng núi mênh mang.
Hồ Cấm Sơn có diện tích mặt nước 2.400ha, xung quanh là núi rừng và các đồi vải mới trồng. Phía giáp Lạng Sơn có núi đá vôi, nhân dân vùng xung quanh chủ yếu là dân tộc Nùng, Tày và Kinh. Việc đi lại của đồng bào nơi đây chủ yếu bằng thuyền, nên cứ mỗi buổi sớm mai và chiều hoàng hôn lại có hàng trăm chiếc thuyền xuôi, ngược tạo nên một bức tranh sinh động, hữu tình. Hồ Làng Thum có diện tích mặt hồ 126ha là nơi nuôi trồng thủy sản thuận lợi và vườn cây ăn quả xung quanh hồ rất phù hợp với du lịch tham quan.
Núi Am Vãi (núi Am Ni, núi Quan âm) thuộc sơn phận Yên Tử. Trên đỉnh núi có một ngôi chùa mang tên chùa Am Vãi. Kề bên ngọn Am Vãi có núi Bàn Cờ Tiên. Cạnh đó là các khu núi mang tên hang Tiền, hang Gạo với nhiều truyền thuyết ly kỳ hấp dẫn. Núi Am Vãi là một núi lớn, cảnh sắc thay đổi theo bốn mùa rất đẹp, lại có ngôi chùa cổ trên đỉnh núi được liệt vào hàng danh sơn, thắng tích, hàng năm mở hội vào ngày 3/3 âm lịch.
Ở xã Hồng Giang có lễ hội Từ Hả diễn ra vào mồng 6,7,8 tháng giêng hàng năm, để tưởng nhớ tướng Vũ Thành (tức Thân Cảnh Phúc – người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống ở thế kỷ 11). Đây là một lễ hội có quy mô lớn hiện nay trên đất Lục Ngạn. Ngoài ra, Lục Ngạn còn nhiều lễ hội dân gian đặc sắc khác như: hội đền Khánh Vân, hội đền Tam Giang, hội đền Chể, đền Cầu Từ, hội hát dân ca của các dân tộc thiểu số vào dịp 17-18 tháng 2 âm lịch hàng năm…
Đến Lục Ngạn, du khách sẽ muốn ghé thăm những vườn vải bạt ngàn với những chùm quả trĩu nặng, thơm hương và ngọt lịm nức tiếng. Quả vải thiều không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần tạo nên bản sắc độc đáo cho huyện Lục Ngạn. Đặc biệt, gần đây, khi kinh tế du lịch phát triển, cây vải thiều đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch tiên phong thu hút du khách về với Lục Ngạn. Với du khách, vải thiều Lục Ngạn không chỉ là một loại đặc sản đơn thuần, mà qua đó, du khách còn có cơ hội tìm hiểu, khám phá thêm nhiều nét đẹp về văn hóa, lịch sử, con người, khí hậu, đất đai của miền đất giàu tiềm năng này. Ngoài ra, Lục Ngạn còn có nhiều đặc sản nổi tiếng khác như: nếp cái hoa vàng Phì Điền, mỳ Chũ, gà đồi, rượu Kiên Thành… góp phần tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn cho sản phẩm du lịch địa phương.
Lãnh đạo huyện Lục Ngạn xác định, phát triển du lịch dựa trên nguồn tiềm năng phong phú và hấp dẫn kết hợp với xây dựng kết cấu hạ tầng, đổi mới các phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, giải trí và dịch vụ du lịch. Như vậy, ngoài việc phải có một quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020, Lục Ngạn rất cần sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh, của Trung ương để tăng cường nguồn vốn ngân sách, xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và thực hiện thành công đề án xây dựng huyện văn hóa tạo thêm tiền đề cho du lịch phát triển bền vững. Đồng thời, việc chuẩn bị một đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ du lịch (chú trọng cán bộ là người dân tộc, hiểu biết các yếu tố về dân tộc như: tiếng nói, hát các làn điệu dân ca dân tộc...), phát triển dịch vụ du lịch vùng sơn cước và các loại hình vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách, và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc là một yêu cầu cấp thiết…
TỐNG NGỌC BẮC