|
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu khai mạc |
|
Các đoàn nghệ thuật tham gia Ngày hội |
|
Ngày hội văn hóa các dân tộc |
|
Trình diễn nghệ thuật truyền thống tại Ngày hội |
|
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham dự Ngày hội |
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2009 mang chủ đề Văn hóa Diên hồng - hệ giá trị Việt Nam - hội tụ - kết tinh và tương lai được thể hiện bởi hơn 1000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên thể thao đại diện cho 29 tỉnh, thành trong cả nước. Trong hai ngày diễn ra Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2009 đã có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc: trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống, trang phục các dân tộc, biểu diễn xiếc; lễ thượng cờ hội kỷ lục tượng trưng cho sự đoàn kết của 54 dân tộc; tái hiện các trò chơi, thể thao dân gian: tung còn, cà kheo, đánh pao, đánh gụ, đánh quay; triển lãm tài liệu, hiện vật, mỹ thuật; quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch, ẩm thực; các chương trình chiếu phim về văn hóa các dân tộc, Bác Hồ với các dân tộc Việt Nam; trình diễn vở cải lương Cung Phi Điểm Bích… Với nhiều tiết mục biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của 54 dân tộc trong một không gian mở như Hà Giang với các tiết mục hát đối, hát ví giao duyên và các lễ hội của người Lô Lô, Pà Thẻn, Mông, Dao, Giáy, đặc biệt là nghệ nhân múa trống đồng Lô Lô đến từ một bản trên đỉnh Lũng Cú; Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu mở rộng vòng tay với điệu xòe Tây Bắc; những diễn viên đoàn Mường Hòa Bình trình diễn các giai điệu cồng chiêng sôi động bên nhịp điệu cồng chiêng trầm hùng của các đoàn Tây Nguyên, các điệu múa của các đoàn dân tộc Khmer Nam Bộ đến từ Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang… đã đem đến cho Ngày hội một bức tranh hòa quyện sắc màu văn hóa. Đó chính là minh chứng rõ nét nhất cho mối quan hệ gắn bó sâu sắc của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam vốn đã được xây dựng, vun đắp trên nền móng văn hóa, đạo lý, tình cảm qua hàng nghìn năm cùng nhau dựng nước và đấu tranh giữ nước.
Phát biểu khai mạc Ngày hội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nhiệt liệt biểu dương các đơn vị và các đoàn nghệ thuật tham gia tổ chức lễ hội, đồng thời khẳng định Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam là biểu hiện sinh động của việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Từ đây, hoạt động của lễ hội sẽ lan tỏa để Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trở thành ngày hội Diên Hồng về văn hóa trong thời kỳ đổi mới hội nhập của đất nước. Ngay sau lễ khai mạc, những nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân, nhà khoa học các dân tộc thiểu số đã tham dự cuộc hội thảo với chủ đề Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam với việc hiểu biết và giao lưu giữa các dân tộc nhằm góp ý kiến về việc tổ chức Ngày văn hóa những năm tiếp theo để các dân tộc hiểu về nhau hơn, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh trách nhiệm bảo tồn di sản và nền văn hóa dân tộc phải được sự ủng hộ, bảo vệ bởi những chủ thể sáng tạo - những già làng, trưởng bản, các nghệ nhân, trí thức, những nhà khoa học, nhà quản lý, sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các cấp, các ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể. Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới, các nhân sĩ, trí thức cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của mình trước cộng đồng; góp sức, chung lòng cùng với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, chăm lo đời sống cho đồng bào; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Điểm nhấn của Ngày hội là Lễ công bố Quyết định Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ vào tối ngày 19/4. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc lấy ngày 19/4 là Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa lớn lao trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những đặc trưng riêng độc đáo, đậm đà bản sắc, thể hiện ở trang phục, tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, âm nhạc, kiến trúc, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả mọi người nhằm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, bảo đảm giữ gìn được truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại trong thời kỳ hội nhập.
HẢI DƯƠNG