Di sản văn hóa Mường Hòa Bình đối với việc hình thành và phát triển sản phẩm du lịch
Hòa Bình là vùng đất mang đậm sắc thái văn hóa Mường chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc. Nơi đây có nền văn hóa tiền sử nổi tiếng “Văn hóa Hòa Bình”, là cái nôi của văn hóa Việt - Mường, quê hương của sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Chính vì vậy, Hòa Bình đã định hướng phát triển sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào cộng đồng và yếu tố cốt lõi của các sản phẩm ấy chính là những giá trị văn hóa đặc trưng tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường.
Sản phẩm du lịch gắn với văn hóa nhà sàn
Nhà sàn của người Mường được mô phỏng theo hình dáng “con rùa”, 4 chân là 4 cột cái, mái sương là mái nhà, xương sống là đòn nóc, đầu rùa là cửa chạn. Lối kiến trúc này thể hiện sự trường tồn và nét đặc trưng văn hóa của người Mường nói riêng và văn hóa Hòa Bình nói chung. Chính vì sự độc đáo đó mà trong khi tạo dựng sản phẩm du lịch, Hòa Bình không thể bỏ qua văn hóa nhà sàn. Tìm hiểu về các sinh hoạt văn hóa diễn ra trong không gian nhà sàn sẽ tạo cho du khách một cơ hội để có được những trải nghiệm vô cùng lý thú.
Du lịch gắn với văn hóa ẩm thực
Ẩm thực dân gian Mường gồm những món ăn được nhiều người ưa thích, không chỉ có tác dụng như những đồ ăn thông thường mà trong quá trình chế các món ăn, người Mường đặc biệt chú ý tới cả giá trị chữa bệnh và những tác động tích cực của món ăn đối với sức khỏe con người. Do vậy, khi đến tham quan các bản Mường ở Hòa Bình, du khách không chỉ được mãn nhãn mà còn có cơ hội thưởng thức các món ăn với hương vị độc đáo, hấp dẫn có tác dụng như những bài thuốc dân gian.
Du lịch gắn với tham quan nghề truyền thống
Bên cạnh nghề trồng trọt, chăn nuôi, người Mường ở Hòa Bình còn có nhiều nghề phụ, được truyền lại từ nhiều thế hệ trước như: dệt vải thô, thổ cẩm, nhuộm, đan lát… Cho tới nay, nghề thủ công vẫn đem lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho nhiều gia đình ở Hòa Bình. Việc phát triển du lịch gắn với tham quan nghề truyền thống tạo nên sự hấp dẫn, thú vị đối với du khách, đặc biệt là khi du khách được trải nghiệm trực tiếp trong các nghề truyền thống của người Mường.
Du lịch gắn với việc tìm hiểu các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Mường
Cùng với vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho Hòa Bình là một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Nghệ thuật dân gian của người Mường ở Hòa Bình phát triển rất phong phú, đa dạng, có nhiều điểm độc đáo, đặc sắc. Các loại hình như múa dân gian có nội dung phản ánh sinh hoạt, sản xuất, tâm tư tình cảm của người dân Mường nên được nhiều người ưu thích. Nhạc cụ có sáo, kèn, nhị, đánh cồng chiêng, trống đồng và đánh đuống. Trong âm nhạc và nghệ thuật, đánh cồng và bộ cồng chiêng là một hình thức nghệ thuật và nhạc cụ có vị trí quan trọng trong đời sống của người Mường. Cồng chiêng xuất hiện rất phổ biến trong những nghi lễ quan trọng của người Mường, chứa đựng giá trị tinh thần sâu sắc và là một trong những nét hấp dẫn đối với du khách.
Đến với người Mường vào những ngày hội hay những dịp lễ tết, du khách có dịp thưởng thức rượu cần. Đây là một tập quán sinh hoạt điển hình mang đặc trưng cho văn hóa cộng đồng của người Mường vẫn còn được lưu giữ cho tới tận ngày nay.
Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với việc phát triển sản phẩm du lịch Hòa Bình
Với những lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên du lịch, Du lịch Hòa Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lượng khách du lịch đến Hòa Bình tăng qua các năm nhưng chủ yếu là khách lễ hội và đi trong ngày, thời gian lưu trú còn thấp. Điều này dẫn đến tổng thu du lịch và đóng góp của du lịch vào phát triển kinh tế - xã hội bị hạn chế.
Cùng với đó là dấu hiệu xuống cấp và ô nhiễm môi trường ở các điểm du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh Du lịch Hòa Bình, tạo ra những ấn tượng không tốt đối với du khách trong và ngoài nước.
Mặc dù ngành Du lịch Hòa Bình đã chú trọng và có nhiều nỗ lực trong công tác quảng bá du lịch, tuyên truyền các chính sách của tỉnh để kêu gọi đầu tư nhưng nguồn kinh phí vẫn còn hạn chế, do các sản phẩm du lịch chưa thực sự hoàn thiện, việc nghiên cứu thị trường còn mang tính tự phát đã khiến cho hiệu quả đạt được về văn hóa và kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Do vậy, Hòa Bình cần đặt ra những vấn đề về phát triển sản phẩm du lịch:
Thứ nhất, Hòa Bình là địa phương giàu tiềm năng để phát triển du lịch, song xuất phát điểm của Du lịch Hòa Bình thấp, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa thực sự đặc sắc, kém sức cạnh tranh để hấp dẫn khách, thiếu những dịch vụ vui chơi giải trí để kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Thứ hai, hoạt động xã hội hóa du lịch chưa phát huy đúng mức, chưa có cơ chế và giải pháp để kích thích và thu hút đầu tư, kinh doanh du lịch.
Thứ ba, lực lượng lao động trong ngành Du lịch của Hòa Bình còn thiếu, chất lượng và trình độ còn nhiều hạn chế nên không đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của du khách.
Giải pháp nâng cao chất lượng của sản phẩm du lịch Hòa Bình
Một là, xây dựng hệ thống bản làng du lịch Mường đa dạng nhưng không tràn lan mà có lựa chọn để phù hợp với nhu cầu của khách.
Hai là, giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc như phong tục tập quán, truyền thống đạo đức, công trình kiến trúc, trang phục, lễ hội của người Mường… là những tài sản vô giá của các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Do vậy, xây dựng bản du lịch nhưng không làm phá vỡ cảnh quan, không làm mất đi bản sắc dân tộc; đồng thời, phải không ngừng giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá quý báu của các dân tộc, có như vậy mới có thể phục vụ lâu dài và phát triển bền vững.
Ba là, thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; cần huy động những người dân tộc Mường tham gia hoạt động du lịch, chia sẻ về các lợi ích từ du lịch mang lại cho người dân để họ tự nguyện tham gia vào hoạt động du lịch.
Bốn là, đổi mới sản phẩm du lịch. Xây dựng những sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa Mường với những yếu tố độc đáo sẽ thu hút du khách.
Năm là, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch mang tính chiến lược. Đào tạo từ những người làm công tác quản lý tại các tuyến điểm và những cư dân Mường tham gia hoạt động kinh doanh du lịch để áp dụng một cách khoa học, linh hoạt, sáng tạo công nghệ đón tiếp và phục vụ khách du lịch.
Tài liệu tham khảo
1. Vương Anh (2001), Tiếp cận với văn hóa bản Mường: Nghiên cứu và tiểu luận, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
2. Jeanne Cuisinier (2007), Người Mường địa lý nhân văn và xã hội học, NXB Lao động, Hà Nội (bản dịch Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hòa Bình)
3. Nguyễn Hải (2011), Tản mạn văn hóa Mường Hòa Bình, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
4. Vũ Ngọc Khánh (2011), Văn hóa bản Mường Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội
5. Kiều Trung Sơn (2011), Cồng chiêng Mường, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
6. Trần Từ (1996), Người Mường ở Hòa Bình, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam…
|
Đỗ Thị Thanh Hương