Làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên - tranh dân gian làng Sình được công nhận là điểm du lịch
Làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên - tranh dân gian làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế; cách trung tâm thành phố Huế 8km, được bao bọc bởi sông Hương và sông Lợi Phổ.
Tranh làng Sình gồm hơn 50 đề tài, chia thành 3 nhóm chủ đề chính là tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật. Ngay từ khi hình thành, tranh làng Sình tuy có nhiều đặc điểm giống với dòng tranh Đông Hồ nhưng để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng trong các lễ cầu an, giải hạn ở đây nên các nghệ nhân đã chế ra các bản khắc hình vẽ khác. Vì thế, tranh làng Sình mới nổi danh là dòng tranh thờ cúng, khác với tranh Đông Hồ dùng để trang trí.
Tranh làng Sình không chỉ được đánh giá cao về nghệ thuật tạo hình tranh dân gian mà còn gắn liền với văn hóa tâm linh của xứ Huế.
Cùng với tranh dân gian làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang còn nổi tiếng với làng nghề hoa giấy Thanh Tiên. Làng nghề ra đời cách đây hơn 300 năm do người dân trong làng sáng tạo nên. Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Hàng năm, trước ngày 23 tháng Chạp, hoa giấy được người dân trong làng cắm vào những cây chông vác đi, tỏa ra khắp thôn xóm, phố chợ để người dân mua về thờ cúng.
Làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên - tranh dân gian làng Sình là điểm du lịch thứ hai được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là điểm du lịch sau Trung tâm Văn hóa Huyền Trân. Hiện nay, làng nghề đang tập trung nhân lực sản xuất chuẩn bị cho Festival Nghề truyền thống Huế 2019 diễn ra từ ngày 26/4/2019 - 2/5/2019.
TT