Ủy ban châu Âu thực hiện các chính sách về đi lại - du lịch đối phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid 19
An toàn phục hồi việc đi lại
Ngày 13/5/2020, Ủy ban châu Âu đã đưa ra các hướng dẫn và khuyến nghị để giúp các quốc gia thành viên dần dần dỡ bỏ các hạn chế đi lại, với tất cả các biện pháp an toàn và phòng ngừa cần thiết. Đặc biệt, đối với những người lao động ở các ngành nghề thiết yếu, Ủy ban châu Âu đã ban hành các hướng dẫn để tạo điều kiện cho việc đi lại qua biên giới làm việc của các lao động ở các ngành nghề thiết yếu, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu khác.
Ủy ban châu Âu đã đưa ra cách tiếp cận theo giai đoạn và phối hợp để khôi phục tự do di chuyển và dỡ bỏ kiểm soát biên giới nội bộ trong EU. Với tình hình hiện đang được cải thiện ở EU, đến ngày 11/6/2020 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã đưa ra khuyến nghị đối với các quốc gia thành viên có thể loại bỏ những hạn chế đó từ ngày 15/6/2020.
Ngày 11/6/2020, Ủy ban châu Âu đã đề nghị các quốc gia thành viên kéo dài hạn chế tạm thời đối với việc đi lại không cần thiết vào EU cho đến ngày 30/6/2020 và đưa ra cách tiếp cận để dần dỡ bỏ hạn chế sau đó. Hạn chế đi lại không thiết yếu từ bên ngoài đến EU áp dụng cho tất cả các quốc gia thành viên Schengen (bao gồm Bulgaria, Croatia, Síp và Romania) và 4 quốc gia liên kết Schengen (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ) - tổng cộng có 30 quốc gia. Tất cả các quốc gia thực hiện thông qua quy định luật pháp quốc gia.
Sau ngày 30/6/2020, việc dỡ bỏ hạn chế đối với các quốc gia được các quốc gia thành viên lựa chọn, dựa trên một bộ nguyên tắc và tiêu chí khách quan bao gồm tình hình sức khỏe, khả năng áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong khi đi du lịch và cân nhắc đối ứng có đi có lại, có tính đến dữ liệu liên quan, các nguồn thông tin từ các tổ chức như Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ủy ban châu Âu cũng khuyến nghị dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với Albania, Bosnia và Herzegovina, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia kể từ ngày 1/7, cho rằng tình hình dịch tễ học của họ tương tự hoặc tốt hơn so với EU.
Khôi phục dịch vụ vận tải trên toàn EU
Các hướng dẫn đã đưa ra nguyên tắc chung để an toàn phục hồi đối với việc vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, đường sắt, đường bộ và đường thủy, trong đó, các hướng dẫn này cũng bao gồm các khuyến nghị thực tế, ví dụ, về việc đảm bảo y tế, hạn chế tiếp xúc giữa hành khách và nhân viên vận chuyển, và bản thân giữa các hành khách với nhau, và về việc sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân khi đi du lịch. Khuyến nghị cụ thể được đưa ra cho từng phương thức vận tải.
Đặc biệt, để giúp giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với các hãng hàng không khi thực hiện các chuyến bay không có hành khách, Ủy ban châu Âu đã nhanh chóng đưa ra quy định nhằm mục tiêu để tạm thời giảm bớt gánh nặng của các hãng hàng không khỏi nghĩa vụ sử dụng chỗ đỗ máy bay tại sân bay của họ theo luật EU. Việc sửa đổi quy định liên quan này đã được Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU phê chuẩn và có hiệu lực vào ngày 1/4/2020.
An toàn phục hồi các dịch vụ du lịch
Ủy ban châu Âu đặt ra một khuôn khổ chung cung cấp các tiêu chí để phục hồi an toàn và dần dần các hoạt động du lịch và xây dựng các quy trình y tế cho khách sạn và các hình thức lưu trú khác, để bảo vệ sức khỏe của cả du khách và nhân viên. Những tiêu chí này bao gồm bằng chứng dịch tễ học; đảm bảo năng lực hệ thống y tế tại chỗ cho người dân địa phương và khách du lịch; giám sát mạnh mẽ, kiểm tra năng lực và theo dõi liên lạc.
Đảm bảo quyền lợi của khách du lịch
Khách du lịch có thể yên tâm rằng các quyền lợi của họ được bảo vệ. Thông tin toàn diện về quyền lợi của khách du lịch được đăng tải đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngày 18/3/2020, Ủy ban châu Âu đã công bố các hướng dẫn diễn giải về cách áp dụng một số điều khoản trong quy định pháp lý về quyền lợi đối với khách du lịch của EU trong bối cảnh dịch COVID-19 và do đó đảm bảo sự rõ ràng và chắc chắn về mặt pháp lý trong việc áp dụng. Đồng thời, các hướng dẫn làm rõ rằng các tình huống hiện tại là “bất khả kháng”, vì việc bồi thường có thể không được áp dụng trong trường hợp hủy chuyến bay ít hơn hai tuần trước ngày khởi hành.
Ngày 19/3/2020, hướng dẫn về quy định pháp lý đối với loại hình du lịch trọn gói liên quan đến COVID-19 cũng đã được ban hành. Theo quy định của EU, khách du lịch có quyền lựa chọn giữa voucher hoặc nhận hoàn trả tiền mặt cho vé vận chuyển (máy bay, tàu hỏa, xe buýt/xe khách và phà) hoặc sản phẩm du lịch trọn gói đã bị hủy do dịch bệnh Covid 19. Bên cạnh việc tái khẳng định quyền này, khuyến nghị của Ủy ban đảm bảo rằng các voucher trở thành một lựa chọn khả thi và hấp dẫn hơn để hoàn trả cho các chuyến đi bị hủy trong bối cảnh đại dịch hiện nay, điều này cũng gây áp lực tài chính nặng nề cho các công ty du lịch.
Trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona gây ra, những người có visa có mặt ở khu vực Schengen không thể rời đi trước ngày hết hạn visa ngắn hạn có thể được gia hạn tối đa 90 ngày đến 180 ngày bởi chính quyền của các quốc gia thành viên được chỉ định. Nếu những người có thị thực bắt buộc phải ở lại ngoài thời hạn kéo dài 90 đến 180 ngày, thị thực dài hạn quốc gia hoặc giấy phép cư trú tạm thời phải được cấp bởi các cơ quan chính quyền của quốc gia đó.
Các quốc gia thành viên được khuyến khích không áp dụng các biện pháp trừng phạt hành chính hoặc hình phạt đối với các công dân của nước thứ ba không thể rời khỏi lãnh thổ của họ do các hạn chế đi lại. Việc ở lại quá hạn do hạn chế đi lại tạm thời không nên được tính đến trong quá trình xử lý các đơn xin thị thực trong tương lai.
Trịnh Quốc Anh