Thực tế áp dụng giảng dạy TMĐT tại một số trường đại học
Với sự phát triển của CNTT cùng các thiết bị phụ trợ như máy vi tính, máy chiếu, băng, đĩa…, việc giảng dạy các môn lý thuyết hầu như đã được các giảng viên thiết kế giảng dạy trên power point. Nhiều giảng viên đã thiết kế những bài giảng sinh động và đẹp mắt, đã sử dụng máy tính truy cập Internet tại lớp để giảng dạy trực quan như: giới thiệu các nền văn hóa, các cảnh quan đẹp trên thế giới, hệ thống đặt phòng, đặt ăn, đặt vé máy bay… Trong giảng dạy các học phần chuyên ngành Du lịch, các trường đều xây dựng các học phần lý thuyết và các học phần thực hành như: thực hành nhà hàng, thực hành nghiệp vụ buồng, lễ tân, bếp… Tuy nhiên, cũng có trường xây dựng chương trình theo lối tích hợp phần lý thuyết và thực hành trong một học phần chuyên ngành.
Trong năm 2014 và 2015, tác giả đã điều tra 37 giảng viên giảng dạy các môn chuyên ngành Du lịch tại 6 trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả thu được là hầu hết việc ứng dụng TMĐT được áp dụng trong các học phần lý thuyết hay phần lý thuyết đối với mô tích hợp (100%). Riêng về phần thực hành, chỉ có một số học phần như thực hành nghiệp vụ lễ tân, thực hành nghiệp vụ lữ hành… là có áp dụng nhưng khá hạn chế.
Đối với mức độ áp dụng TMĐT được giảng dạy bằng việc truy cập tại lớp để sinh viên theo dõi trực quan (giảng dạy mô phỏng trực quan), tỷ lệ các giảng viên trả lời là “thỉnh thoảng mới áp dụng” chiếm tỷ lệ khá lớn (36,6%); tỷ lệ trả lời “rất thường xuyên” chiếm 9,2%; tỷ lệ giảng viên trả lời là “rất hạn chế áp dụng” chiếm 9,5%. Trong bảng câu hỏi của chúng tôi xây dựng, tiêu chí đưa ra thang đo cho mức “rất hạn chế” đó là trong 45 tiết dạy cho một học phần (3 tín chỉ) thì việc áp dụng TMĐT vào giảng dạy dưới 5 tiết. Điều này đã cho thấy, việc áp dụng TMĐT trong giảng dạy trực tuyến trên lớp đối với nhiều giảng viên còn rất hạn chế.
(Nguồn: Tác giả nghiên cứu 2014 & 2015)
Điều tra về hình thức và mục đích áp dụng giảng dạy TMĐT trong các môn chuyên ngành Du lịch, chúng tôi thu được kết quả là 100% giảng viên “thường xuyên” truy cập các trang TMĐT, trang web, mạng xã hội (FB, Twitter …) để lấy thông tin, hình ảnh, dữ liệu… nhằm thiết kế bài giảng. Riêng việc truy cập các trang TMĐT, trang web, mạng xã hội… các công ty chủ yếu được dùng để lấy thông tin, xem phim, nghe nhạc… Việc áp dụng để giảng dạy mô phỏng tại lớp vẫn chiếm chưa cao (21,7%).
Đi vào trao đổi, phỏng vấn sâu với các giảng viên được điều tra, mọi người đều cho rằng: việc giảng dạy sâu nội dung TMĐT áp dụng trong du lịch ở nhiều môn chuyên ngành chưa nhiều và hiệu quả chưa cao. Phần nội dung liên quan đến TMĐT mới chỉ được nhắc qua tại một số môn trong đó có một vài nội dung liên quan đến đặt phòng, đặt vé máy bay, đặt tour như: Marketing du lịch, Nghiệp vụ lễ tân (lý thuyết) và Quản trị khách sạn (phần đặt phòng), Quản trị lữ hành… Thậm chí nếu không để ý thì nhiều sinh viên vẫn chưa hình dung hoặc cảm thấy lạ khi nhắc đến mạng đặt phòng toàn cầu (Global Distribution System - GDS). Chẳng hạn, trong môn Nghiệp vụ lễ tân, hầu như sinh viên chỉ phát biểu được các hình thức đặt phòng trực tiếp và gián tiếp như: điện thoại, fax, đặt phòng qua công ty du lịch… điều này bắt buộc giảng viên phải bổ sung kiến thức về các loại đặt phòng trong đó có giới thiệu đặt phòng trên mạng và hệ thống đặt phòng toàn cầu GDS. Lý giải cho thực tế đó, phải kể đến một số nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, ngoài những môn chuyên ngành không liên quan đến TMĐT trong du lịch thì các môn khác như Marketing du lịch, Nghiệp vụ lễ tân và Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành… phần nội dung liên quan đến ứng dụng TMĐT rất ít. Do một số giáo trình tại Việt Nam đã được viết cách đây vài ba năm, lúc đó TMĐT trong du lịch chưa được áp dụng nhiều nên trong nội dung giáo trình vẫn chưa được đề cập hay đề cập chưa nhiều.
Thứ hai, nhận thức của nhiều giáo viên về vai trò của TMĐT chưa cao. Bên cạnh đó, do TMĐT còn mới mẻ nên kiến thức của nhiều giảng viên về vấn đề này cũng chưa sâu, chưa thành thạo.
Thứ ba, chưa có các chương trình mô phỏng và phòng thực hành riêng để sinh viên được thực hành trực tiếp việc đặt tour, đặt phòng… Việc giảng dạy chỉ mang nặng tính lý thuyết nên sinh viên khó nhớ, khó rèn luyện kỹ năng sử dụng TMĐT vào môn học và nghề nghiệp tương lai.
Thứ tư, các điều kiện hỗ trợ như mạng Internet chưa được phủ sóng toàn bộ các khu vực của nhà trường, vì vậy việc dạy trực quan như truy cập trang web của một khách sạn hoặc hàng lữ hành để dạy sinh viên... là rất khó. Do đó đã làm giảm sự tiếp thu của sinh viên.
Hầu hết các trang web đặt phòng, đặt tour, đặt chỗ chuyến bay của các công ty du lịch, khách sạn, hãng hàng không ngày nay đều phát triển từ kiểu “mô hình website riêng lẻ” thành mô hình “website tổng hợp” với nhiều thiết kế khác nhau. Đặc biệt, hầu hết các trang web đặt phòng của khách sạn đều phát triển kiểu tổng hợp để mang lại tiện ích cho du khách. Các kiểu web này đã tích hợp được mô hình B2B (kết nối doanh nghiệp) và B2C (kết nối doanh nghiệp đến khách hàng). Trang web kiểu này không chỉ có các thông tin về khách sạn mà còn thông tin về các công ty du lịch, các dịch vụ khác... điều này bắt buộc các giảng viên phải tìm tòi, học hỏi và đầu tư nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị bài giảng, do đó cũng làm cho nhiều giảng viên hạn chế đưa TMĐT vào giảng dạy trực tuyến các môn chuyên ngành du lịch.
Nâng cao việc áp dụng TMĐT trong giảng dạy du lịch
Nhằm nâng cao việc áp dụng TMĐT trong giảng dạy các môn chuyên ngành du lịch tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, tác giả đưa ra một vài kiến nghị và giải pháp cụ thể như sau:
Các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực TMĐT cần tư vấn, ban hành các chính sách khuyến khích việc áp dụng TMĐT trong giảng dạy các môn học liên quan, trong đó có các môn chuyên ngành du lịch. Đặc biệt là cần nhanh chóng hoàn thiện và triển khai đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã giao Vụ Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng từ đầu năm 2015 đến nay; đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin ngành văn hóa, du thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2014 - 2015 và định hướng đến năm 2020” do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức và chỉ đạo…
Các trường có giảng dạy chuyên ngành du lịch nên rà soát lại đề cương một số học phần môn học chuyên ngành, đưa thêm nội dung nhất định (khoảng từ 2 đến 4 tiết tùy từng hệ) giới thiệu về TMĐT áp dụng trong du lịch, đặc biệt là các học phần như: Nghiệp vụ lễ tân, Marketing du lịch, Quản trị lữ hành, Quản trị khách sạn… Riêng môn “Tin học ứng dụng trong du lịch” sẽ dành thời gian nhiều hơn… Trong đó, tổ chức biên soạn để giới thiệu sâu thêm về TMĐT trong giáo trình môn học.
Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, các trường nên chủ động tổ chức lớp đào tạo ngắn hạn, seminar, trao đổi về TMĐT để giảng viên hiểu sâu hơn về lĩnh vực này. Đặc biệt, cần có biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của giảng viên về TMĐT và xử lý tình huống liên quan đến TMĐT.
Cần đẩy mạnh việc xây dựng phòng thực hành mô phỏng giảng dạy chuyên ngành Du lịch. Hiện nay, nhiều trường đang rất tích cực trong công tác này. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn, cần có cơ chế tạo sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nên khuyến khích các trường liên kết với một khách sạn hay công ty du lịch cụ thể để chuyển giao phần mềm mô phỏng của đơn vị và hỗ trợ việc giảng dạy cho sinh viên trên phần mềm thực tế.
Các trường nên chủ động bố trí thêm các điều kiện hỗ trợ cho giảng dạy và học tập như máy tính nối mạng hay lắp đặt thêm hệ thống Internet wifi, máy chiếu độ phân giải cao… cho các phòng học lý thuyết các môn chuyên ngành Du lịch, tạo điều kiện cho việc giảng dạy trực tuyến trên lớp.
Hy vọng, trong tương lai cùng với việc nâng cao chất lượng giảng dạy và sự phát triển của TMĐT, sinh viên có thể hiểu rõ bản chất và thực hành tốt các nghiệp vụ chuyên ngành liên quan đến TMĐT, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch của ngành.
TS. Nguyễn Quyết Thắng
Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh