Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Ứng dụng công nghệ, khai thác giá trị di sản
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa nhấn mạnh: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng và các bảo tàng, di tích nói chung đang phải đối mặt với nhiều tác động và thách thức. Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, là nơi trao đổi, chia sẻ, cập nhật các quan điểm, sự chuyển đổi phương pháp và cách tiếp cận giải pháp công nghệ cũng như xây dựng các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ để hoạt động của di tích trở nên hiệu quả hơn, phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan, chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón khách tham quan trở lại. Hội thảo sẽ góp phần quan trọng cho các hoạt động tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong thời gian tới và là hướng đi mới cho sự phát triển bền vững của di tích.
Trao đổi tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã phân tích thực trạng, giải pháp và tiềm năng ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Theo ý kiến của các chuyên gia, đối với công tác bảo tồn, việc số hóa tạo ra một kho dữ liệu giúp lưu trữ một cách lâu dài những hình ảnh, thông tin về toàn bộ di tích, từ những kiến trúc, trang trí, hệ thống bia đá… cho đến những vấn đề truyền thống khoa cử, truyền thống hiếu học hay thân thế, sự nghiệp của những vị Đại khoa… Song, quan tâm nhiều nhất chính là việc ứng dụng công nghệ 4.0 cho việc khai thác, phát huy giá trị của di tích.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể tạo ra hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI, tham quan ảo 3D trên internet, trải nghiệm di tích bằng công nghệ thực tế ảo AR/VR, ảnh 360 độ, tương tác 3D với những di sản tiêu biểu như bia Tiến sĩ, tái hiện không gian di tích những thế kỷ trước bằng công nghệ thực tế ảo 3D… Những công nghệ này giúp khách tham quan tìm hiểu một cách kỹ càng và đầy thú vị về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong môi trường “ảo mà như thật”, xây dựng những tour tham quan ảo 3D hấp dẫn. Ứng dụng này rất thích hợp nếu triển khai tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi tổ chức các tour tham quan, du lịch đêm. Theo Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Bài, nếu biết vận dụng công nghệ số, giáo dục di sản sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Công nghệ số tạo ra sản phẩm hiện thực ảo, cung cấp cho du khách nhiều cơ hội khám phá về văn hóa, chủ động tìm hiểu cái mình cần, thu thập kiến thức. Để làm được điều này, các cơ quan cần chủ động, sáng tạo xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0”.
Cần nghiên cứu, xây dựng chủ đề cho từng đối tượng khách
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội đã đánh giá tiềm năng, thế mạnh của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đây là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của du lịch Thủ đô. Hàng năm di tích này thu hút hàng triệu lượt khách tham quan và hiện đang tích cực ứng dụng công nghệ để bảo tồn, phát huy giá trị di tích là hướng đi đúng, phù hợp nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng: Ứng dụng công nghệ giúp các điểm đến xây dựng được nhiều nội dung tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khi xây dựng thành sản phẩm du lịch, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần tính toán đến việc cảm thụ của khách, khai thác giá trị hiện vật, tạo sự hấp dẫn, thu hút khách. Việc ứng dụng công nghệ số nếu làm tốt sẽ tạo sự độc đáo cho sản phẩm du lịch vừa phát huy giá trị, vừa bảo tồn tốt di tích. Theo Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng: Ứng dụng công nghệ 4.0 đối với di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch khi dịch bùng phát không thể đến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám được. Để tạo sự hấp dẫn cần tăng sự tương tác, trải nghiệm liên quan về hiện vật và những câu chuyện liên quan về hiệt vật.
Chia sẻ tại hội thảo, các doanh nghiệp lữ hành cho biết sẵn sàng hợp tác để đưa khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Theo Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa, những sản phẩm du lịch mới ứng dụng công nghệ 4.0 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là rất tốt, nhưng trong điều kiện hiện nay cần xây dựng chương trình hợp tác ngắn hạn là đón khách nội địa, dài hạn là đón khách quốc tế. Cần cụ thể hóa bằng các chủ đề hướng tới từng đối tượng khách khác nhau, cần đưa ra định hướng. Đối với khách quốc tế cần quan tâm đến những trải nghiệm, tương tác, âm thanh, hình ảnh, hoạt cảnh. Giám đốc Công ty Du lịch Golden Tour Phạm Tiến Dũng cho rằng, các điểm tham quan dù có ứng dụng công nghệ không thể thay thế được con người, nhưng việc khai thác những câu chuyện liên quan về hiện vật, được ứng dụng công nghệ sẽ giúp cho hoạt động tham quan hiệu quả, tạo sự hấp dẫn, thu hút khách. Do vậy cần có sự hợp tác, nghiên cứu, xây dựng các chủ đề chuyên sâu về các nội dung lịch sử, kiến trúc… có ứng dụng công nghệ theo những gói khác nhau, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách.
Tại Hội thảo, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng “chạy thử” một màn trình diễn công nghệ 3D Mapping tại sân nhà Thái Học để các chuyên gia, học giả, các đơn vị lữ hành có thể tham khảo, góp ý. Đồng thời các đại biểu cũng được trải nghiệm các sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại đã, đang và hướng tới được thực hiện tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám như: hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (tương tác mã QR); hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI…
Tuấn Sơn