Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, hiện nay đa phần các điểm du lịch ở nông thôn đang hoạt động rất hiệu quả, được nhiều du khách quan tâm. Vì vậy, diễn đàn hôm nay được tổ chức để sau khi dịch lắng xuống và được kiểm soát ở một số địa phương thì du lịch sẽ được thúc đẩy. Thông qua diễn đàn, Ban Tổ chức muốn lắng nghe các đề xuất, giải pháp, ý kiến của các doanh nghiệp các đơn vị tổ chức du lịch để tìm ra giải pháp thúc đẩy du lịch nông thôn.
Trình bày tham luận tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc chia sẻ: Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Phát triển du lịch nông thôn cốt lõi phải bắt đầu từ định hướng sản phẩm du lịch và thị trường mục tiêu. Sản phẩm đặc sắc, mang đặc trưng, lợi thế của nông thôn, chất lượng cao và hướng tới thị trường nào là vấn đề quyết định sự thành công của du lịch nông thôn. Ứng dụng công nghệ là công cụ kết nối, giải pháp thúc đẩy đưa sản phẩm tới thị trường.
Trong đó, cần phát triển điểm đến và sản phẩm du lịch chất lượng cao với mô hình Làng du lịch thông minh (Smart Village). Kết nối, vận dụng các hoạt động truyền thống với các ứng dụng mới như quảng cáo trực tuyến, booking online, thanh toán trực tuyến... Từ đó, hình thành hệ thống Làng du lịch thông minh trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc, phần lớn điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, chủ yếu do các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác nên hạn chế về năng lực, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thấp hơn... so với các khu vực khác, do đó cần sự hỗ trợ của nhà nước, của các chuyên gia để chuyển đổi số ở khu vực nông thôn đi vào thực chất, hiệu quả.
Vìvậy, Tổng cục Du lịch đề nghị Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ VHTTDL và các địa phương trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình Làng du lịch thông minh tại những nơi có điều kiện phát triển. Ưu tiên phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho khu vực được thí điểm phát triển mô hình...
Theo bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM, việc chuyển tải giá trị nhân văn là yếu tố giúp du lịch nông thôn bền vững. Từ nhiều năm nay, các địa phương đều đã có phương án phát triển hướng đi này, chẳng hạn như xây dựng, khai thác những phong tục, danh lam thắng cảnh, sản phẩm đặc thù, đặc hữu tại ĐBSCL, miền núi phía Bắc. Song song với chuyển tải giá trị nhân văn, bà Lan lưu ý vấn đề chuyển đổi số. Trong thời đại 4.0, kết nối qua không gian mạng giúp làm mờ khoảng cách địa lý, cũng như tạo ra những ấn tượng, trải nghiệm ban đầu cho du khách.
Nhằm tạo ra sức bật, đưa du lịch nông thôn phát triển nội lực, bà Lan nêu một số giải pháp như: xây dựng những câu chuyện về giá trị nhân văn tại địa phương; phát triển một bộ thuyết minh cho các tuyến du lịch; tạo ra những hình ảnh, hoặc biểu tượng về những nét văn hóa, lịch sử đặc thù, đặc hữu.
Bà Trần Phương Linh – Giám đốc Marketing Công ty Du lịch Bến Thành cho rằng, trước khi nghĩ tới việc chuyển đổi số, thì việc chuẩn hoá các điểm du lịch, sản phẩm dulịch là rất cần thiết. Hiện nay, nhiều điểm du lịch nông nghiệp – nông thôn có hạn chế là người người, nhà nhà làm du lịch một cách tự phát. Từ đó dẫn đến sự không đồng đều của các điểm du lịch, cụm du lịch; chưa có sự thống nhất của cơ quan chủ quản, ban, ngành, địa phương, dẫn đến việc đầu tư kém hiệu quả và chưa đồng bộ.
Vì vậy, cần có sự chung tay sát cánh giữa các cơ quan chính quyền, các đơn vị liên quan để đưa ra các chính sách, định hướng phát triển du lịch; đầu tư bài bản hơn để khai thác các giá trị tài nguyên, bản sắc văn hoá và đặc thù của từng địa phương, tạo sự hấp dẫn với du khách.
Về ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch nông thôn, ông Lã Quốc Khánh thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết để nâng cao sức hấp dẫn của các mô hình du lịch nông thôn, Vietravel đã áp dụng và cung ứng nền tảng công nghệ thông tin phục vụ cho khách hàng. Phía công ty cũng tăng cường công nghệ AI để tạo hấp dẫn cho du khách; đồng thời, xây dựng hộp chat trí tuệ nhân tạo để thu thập thị hiếu của khách du lịch...
Với lợi thế là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích canh tác nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng đã khuyến khích người dân phát triển mô hình du lịch canh nông, đây cũng là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù phát triển của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thương mại và Du lịch Lâm Đồng nhận định, để sản phẩm du lịch canh nông phát triển trong thời gian tới, các điểm du lịch canh nông cần đáp ứng các nhu cầu về sự mới lạ và tính hiện đại của các quy trình sản xuất, năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp không những phải luôn thay đổi mà cần phải tiên phong trong việc ứng dụng những thành tự mới nhất của khoa học nông nghiệp.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đánh giá: “Diễn đàn thể hiện sự năng động để bắt kịp nhu cầu phát triển của thời đại thông qua tư thế sẵn sàng phát triển ngành Du lịch chung cả nước không chỉ của những doanh nghiệp lớn mà còn của các cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Theo đó, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đã đưa ra 6 yếu tố cần lưu ý để có thể phát triển du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số. Trong đó, thời gian tới việc quảng bá du lịch nông thôn qua chuyển đổi số cần có sự đầu tư bài bản; tập trung phát triển vào những điểm du lịch xanh. Các doanh nghiệp du lịch cần đầu tư chuyển đổi số, nâng cao tăng cường năng lực, kết nối cho người nông dân phát triển du lịch nông thôn.
Từ sự khác biệt tính chất giữa nông thôn và đô thị, chúng ta cần có những giải pháp chuyển đổi số một cách phù hợp, các sản phẩm công nghệ phải hỗ trợ tối đa cho người nông dân một cách thuận tiện, dễ hiểu, dễ làm nhất. Để tránh việc trùng lặp của các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số cần chọn lựa những mô hình, trào lưu mới. Đồng thời, du lịch nông nghiệp nông thôn cần tận dụng nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để địa phương có thể phát triển ngành Du lịch nông thôn bản địa.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhận định, du lịch nông thôn hiện đang là xu thế, trong thời gian tới việc cần làm là kết nối và quảng bá sản phẩm cho các địa phương.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, các mô hình du lịch nông thôn rất đa dạng nhưng cần phải có điểm chung là đảm bảo được giá trị nhân văn, văn hóa, mang sắc thái của từng địa phương. Các sản phẩm du lịch phải kết tụ được giá trị nhân văn, giá trị văn hóa của từng địa phương để tạo ra điểm nhấn khác biệt. Đồng thời, phát triển các sản phẩm OCOP có giá trị gắn liền với đặc điểm của từng địa phương, tạo ra những đặc sản phục vụ cho du lịch và cần quan tâm đến cả chất lượng lẫn mẫu mã...
PV