(VTR) - Hiện nay, trên thế giới, sản phẩm công nghệ nano Guard Industry (Pháp) đang được đưa vào ứng dụng tại các dự án bảo tồn di sản trên thế giới, được UNESCO công nhận. Công ty Cổ phần Nano Phạm Gia là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đưa các sản phẩm công nghệ nano từ nước ngoài như thương hiệu Guard Industry (Pháp), Everbrite (Mỹ), Gard Group (Canada) về Việt Nam nhằm phục hồi, chăm sóc và bảo vệ các công trình.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã thực hiện thí điểm các thành phần di tích hố khảo cổ Đoan Môn bằng công nghệ nano. Hiện trạng của khu di tích khảo cổ đang bị rêu, nấm mốc, địa y, các loài thực vật mọc trên tháp xâm thực kết hợp một số yếu tố gây hại khác (nước mưa, hơi ẩm, nhiệt độ…) đã ảnh hưởng xấu đến di tích. Hàng năm, đơn vị quản lý di tích hố khảo cổ phải dùng các biện pháp thủ công để xử lý các yếu tố gây hại, nhưng hiệu quả không cao. Khi di tích được sử dụng Guard Industry của Pháp đã loại bỏ được rêu, cỏ, địa y, chống lại các yếu tố gây hại, gia tăng sự liên kết của các phân tử vật liệu.
Di tích tháp Chăm trước khi thí nghiệm vật liệu bị mục ruỗng, bong tróc, biến đổi màu sắc và có nhiều rêu, nấm mốc, sau khi thí nghiệm được xử lý bằng công nghệ nano Guard Industry (Pháp), vật liệu xây dựng tháp đã được loại bỏ các thành phần nêu trên, kết cấu bề mặt đảm bảo hơn, màu sắc được trả về tự nhiên, không tạo mảng, không làm thay đổi tính chất của vật liệu, bề mặt khô ráo, không thấm nước, thân thiện môi trường và có khả năng chống lại các tác nhân gây hại…
Công nghệ nano còn ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống như: phục hồi, chăm sóc và bảo quản các công trình hạ tầng, sản xuất vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, hàng tiêu dùng, dầu khí, viễn thông, điện lực, vận tải…
PV