Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu tham dự nhằm tìm kiếm một cơ chế hiệu quả cho việc phát triển nguồn nhân lực trong ngành Du lịch Việt Nam, thông qua việc thiết lập hợp tác chặt chẽ giữa khu vực nhà nước với khu vực tư nhân. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong ngành Du lịch, hội nghị đã làm rõ về tầm quan trọng cũng như lợi ích của bộ tiêu chuẩn nghề Du lịch VTOS và MRA-TP, từ đó cải thiện sự phù hợp và tính hiệu quả của hệ thống tiêu chuẩn VTOS, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên hội thảo thường niên về nguồn nhân lực du lịch được tổ chức, từ đó hình thành một cơ chế đối thoại thường trực và mối quan hệ đối tác hiệu quả giữa khu vực nhà nước và tư nhân trong ngành Du lịch. Hội thảo bao gồm nhiều hoạt động như thuyết trình, thảo luận chung và thảo luận nhóm dưới sự dẫn dắt, hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam và thế giới.
Các hội thảo này sẽ đóng vai trò như một “hình mẫu” cho cơ chế đối thoại/hợp tác công - tư trong ngành Du lịch được thực hiện thường xuyên, bền vững và hiệu quả. Những hội thảo tương tự như vậy có thể trở thành một sự kiện định kỳ thường niên cấp quốc gia và khu vực, do các quốc gia ASEAN luân phiên chủ trì.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Franz Jessen, Đại sứ - Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã nhấn mạnh, ngành Du lịch cần có nhiều lao động có trình độ hơn nữa nhằm tăng cường tính cạnh tranh cũng như đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn. Với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu, thông qua bộ tiêu chuẩn nghề VTOS này, các trường đại học/cao đẳng đào tạo du lịch sẽ được trang bị bài bản hơn để đào tạo một lực lượng lao động trẻ mà ngành Du lịch đang thực sự cần.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào năm 2015, cho phép những người lao động có kỹ năng trong ngành Du lịch từ các nước ASEAN tới Việt Nam làm việc và ngược lại. Nhằm đối phó với thách thức này, Việt Nam cần thiết lập một Hội đồng nghề Du lịch quốc gia và một khung chứng chỉ toàn diện, đảm bảo có đủ đào tạo viên, đánh giá viên/thẩm định viên và các trung tâm đánh giá tại chỗ và các chủ thể trong Ngành đều hiểu biết về thủ tục của MRA-TP. Bên cạnh đó, cần có một hệ thống cấp chứng chỉ và đăng ký được liên kết với Hệ thống đăng ký lao động du lịch ASEAN.
Được xây dựng từ năm 2007, tiêu chuẩn VTOS đã và đang được các doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề du lịch sử dụng rộng rãi. Hiện tại, khi đã được điều chỉnh và cập nhật dưới dạng cấu trúc mô-đun, 10 bộ tiêu chuẩn nghề VTOS đã được Tổng cục Du lịch phê duyệt để triển khai thực hiện trong ngành Du lịch và Khách sạn. Các tiêu chuẩn VTOS phiên bản mới được xây dựng và dựa trên thang chuẩn là các tiêu chuẩn nghề quốc tế và phù hợp với Hướng dẫn trong Quyết định số 09/2008/QĐ-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong đó quy định các nguyên tắc và quy trình xây dựng các Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh ngành Du lịch Việt Nam đang thực hiện tăng tốc trong giai đoạn hội nhập và đang đứng trước rất nhiều cơ hội để bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn với chất lượng cao hơn. Việc thừa nhận lẫn nhau trong hệ thống tiêu chuẩn nghề du lịch đang được các nước trong cộng đồng ASEAN hết sức quan tâm, nhiều nước đã đi tiên phong trong lĩnh vực này, vì thế, hội thảo này là sự hỗ trợ tích cực cho Du lịch Việt Nam trong giai đoạn hội nhập ASEAN; là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị thiết thực cho việc xây dựng chính sách, triển khai phương pháp đào tạo, phát triển và áp dụng các kỹ năng nghề du lịch để nâng cao chất lượng nhân lực du lịch Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu hội nhập và phát triển hiện nay.
Trong khuôn khổ hội thảo, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ “Xây dựng đối thoại và hợp tác thường xuyên và thường trực giữa khối nhà nước và khối tư nhân trong ngành Giáo dục và Đào tạo Du lịch tại Việt Nam”.
Một hội thảo tương tự cũng sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 5/12/2014 nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng từ một trong những khu vực hết sức năng động của cả nước.
Kể từ khi thành lập chỉ với 60 thành viên năm 1998, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã phát triển để đại diện cho 850 doanh nghiệp châu Âu, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Có văn phòng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của EuroCham là đại diện cho các lợi ích kinh doanh của các thành viên châu Âu tại Việt Nam, và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam vì lợi ích của các bên liên quan. EuroCham còn có mục tiêu là giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng một cách thành công những thách thức nảy sinh trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của đất nước. |
PV