Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong số 26 di sản được công bố, có 02 di sản thuộc tỉnh Tuyên Quang.
Theo đó, 02 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc tỉnh Tuyên Quang bao gồm: Hát Soọng cô của người Sán Dì thuộc Nghệ thuật trình diễn dân gian xã Sơn Nam, xã Thiện Kế, xã Ninh Lai (huyện Sơn Dương) và Kéo co truyền thống thuộc Tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Như vậy, đến nay tỉnh Tuyên Quang đã có 06 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bao gồm: Lễ Hội Lồng tông, Hát Páo dung, Lễ cấp sắc của người Dao, Nghi lễ Then của người Tày, Kéo co truyền thống và Hát Sọong cô.
Dân tộc Sán Dìu gọi dân ca là “Soọng cô”, âm Hán - Việt soọng là xướng, cô là ca, Soọng cô nghĩa là ca hát, là một thể loại dân ca trữ tình, một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn của dân tộc Sán Dìu. Các làn điệu Soọng cô có nội dung phản ánh cuộc sống lao động, sinh hoạt, phong tục, tập quán và những tâm tư, tình cảm, khát vọng của người Sán Dìu trong cuộc sống.
Soọng cô cổ là hình thức sinh hoạt cộng đồng qua lại giữa hai bên: Chủ và khách, nam và nữ, giữa làng nọ với làng kia. Vì vậy, môi trường diễn xướng của Soọng cô cổ tương đối phong phú với không gian diễn xướng khá tự do. Người hát Soọng cô cổ có thể hát ở ngoài trời, ở trong nhà, trong đám cưới và hát trong lao động sản xuất… Soọng cô mới được các nghệ nhân hát trong các buổi liên hoan văn nghệ, giao lưu văn hóa hoặc trong các dịp lễ hội, được các tổ chức xã hội, các cấp chính quyền tổ chức.
Làn điệu Soọng cô mang màu sắc trữ tình, gần gũi, có sức lôi cuốn mãnh liệt, xúc động lòng người. Người Sán Dìu hát Soọng cô bằng tâm hồn, cảm xúc Soọng cô không chỉ là sản phẩm nghệ thuật dân gian mà còn là tâm thức của dân gian, phản ánh các hiện tượng lịch sử, xã hội ở những cung độ khác nhau. Các hiện tượng lịch sử, xã hội trong Soọng cô thường không rõ về mốc thời gian, địa điểm nhưng lại rất rễ nhớ và gần gũi bởi nó được diễn đạt bằng lời ca, bằng tâm hồn, cảm súc và bằng hình ảnh đời sống sinh động, chân thực của người Sán Dìu.
Ra đời và tồn tại gắn liền với sự phát triển đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội của cộng đồng các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Kéo co là trò chơi mang tính dân gian truyền thống được tổ chức trong lễ hội xuống đồng vào dịp đầu xuân, đây là môi trường chính để kéo co tồn tại, duy trì và phát triển đến ngày nay. Ngoài ra, trong các kỳ Đại hội Thể dục thể thao các cấp, trò chơi Kéo co truyền thống được coi là môn thể thao bắt buộc. Tại các trường học từ cấp tiểu học đến trường Trung học phổ thông đều tổ chức trò chơi kéo co vào dịp lễ khai giảng, hội khỏe phù đổng, ngày hội trường. Ở một số nơi còn tổ chức kéo co vào ngày hội làng, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân...
- Kéo co không dây: Các thành viên tham gia của mỗi đội, người đứng sau sẽ vòng cánh tay ôm lấy bụng của của người đứng trước, hai tay đan vào nhau, tạo thành một hàng dài. Hai người đứng đầu hai đội phải ngoắc hai tay vào nhau để tạo thành mắt xích chắc chắn nối giữa hai đội.
- Kéo co có dây: Trước đây, đồng bào thường vào rừng tìm các loại dây rừng như: Dây mây, song, móc... để dùng làm dây kéo, sau này dây kéo đã được thay bằng dây thừng.
Kéo co truyền thống mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Kéo co truyền thống thể hiện được tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết tạo thành một sức mạnh vô song, thể hiện niềm tự hào dân tộc.
Hát Sọong cô của người Sán Dìu và Kéo co truyền thống xứng đáng được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản lâu dài và luôn được cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đồng thuận đề cử và cam kết bảo vệ.
Nguồn disanxanh