Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải cho hay, Đà Nẵng đã được chọn làm thành phố chủ nhà của Đại hội Thể thao Biển Châu Á 2016 (Asia Beach Games). Bên lề sự kiện quan trọng đó, Bộ VHTTDL cùng TP. Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Du lịch Thế giới, Ủy ban Olympic Thế giới sẽ tổ chức Hội nghị Thể thao và Du lịch nhằm gắn kết giữa thể thao và du lịch, tạo thêm nhiều cơ hội cho sự phát triển du lịch đa dạng của Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.
Theo Thứ trưởng Lê Khánh Hải, Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) bao gồm Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) sở hữu nhiều tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú với hàng chục di sản thiên nhiên và văn hóa đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Thời gian qua, các quốc gia trong khu vực thu hút được sự quan tâm của du khách, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
“Chúng tôi rất mong muốn kết nối giữa các điểm du lịch của Việt Nam với các điểm du lịch trong khu vực, tạo thành các sản phẩm đa dạng và hấp dẫn khách du lịch. Trong đó, Đà Nẵng được đánh giá là TP du lịch ven biển đáng sống, sở hữu bãi biển trong danh sách bình chọn một trong 6 bãi biển đẹp nhất thế giới.
Đó cũng chính là lý do chúng tôi chọn Đà Nẵng, TP trọng điểm du lịch quốc gia và là điểm kết thúc của Hành lang Kinh tế Đông Tây, làm địa điểm tổ chức Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2015, để quý vị có cơ hội trải nghiệm một TP du lịch biển năng động, với khu vui chơi giải trí Bà Nà Hills, một điểm đến mới trên độ cao 1.400m với nhiều nét văn hóa, ẩm thực, giải trí, khám phá đa dạng, thực sự hấp dẫn đối với du khách!” – Thứ trưởng Lê Khánh Hải nêu rõ.
Theo ông Lê Khánh Hải, Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2015 là dịp tốt để cơ quan du lịch quốc gia trong khu vực, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp du lịch thảo luận đưa ra những đề xuất đẩy mạnh hợp tác công - tư, tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá. Đó cũng sẽ là những điều kiện quan trọng cho việc triển khai kế hoạch marketing du lịch Tiểu vùng Mê Kông mở rộng giai đoạn 2015-2020, hướng tới mục tiêu đưa GMS trở thành một điểm đến hấp dẫn chung đối với du khách.
Được biết, năm 2014, lượng khách du lịch tới GMS đạt gần 54 triệu lượt, chiếm 20,5% tổng lượng khách du lịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các hoạt động du lịch mang lại thu nhập hơn 61 tỉ USD, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp đáng kể vào GDP của các nước, góp phần tích cực cho xóa đói giảm nghèo. Với những thế mạnh hiện có, dự báo tới năm 2020, lượng khách quốc tế du lịch tới GMS sẽ đạt trên 70 triệu, tạo thu nhập gần 90 tỉ USD.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Khánh Hải, để đạt được mục tiêu trên, GMS cần tiếp tục phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đa dạng, mang đậm bản sắc với chất lượng dịch vụ cao; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch; đặc biệt cần đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở vật chất kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách, tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Cơ quan du lịch quốc gia các nước trong GMS cần phối hợp đưa ra các cơ chế, chính sách chung, tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng và quảng bá các sản phẩm liên vùng, liên quốc gia.
Đồng thời GMS cần có sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Chính phủ Nhật Bản, các tổ chức tài chính, ngân hàng, thông qua triển khai các chương trình dự án hỗ trợ kỹ thuật, chính sách khuyến khích, vay ưu đãi để các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện tham gia tích cực và hiệu quả hơn.
Nguồn: infonet.vn