Phát biểu khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. TS. Nguyễn Văn Đoàn cho biết, Nhà Bác cổ - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một trong số ít công trình ở Việt Nam thời thuộc Pháp được xây dựng ngay từ đầu để làm bảo tàng. Trải qua 90 năm, công trình kiến trúc này vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, giữ đúng công năng sử dụng, chứa đựng khối di sản kiến trúc giá trị. “Bản thân công trình đã trở thành một di sản kiến trúc quý giá, lại chứa đựng trong mình khối di sản vô giá là các sư tập hiện vật đồ sộ, phản ánh đầy đủ, toàn diện tiến trình lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam”, TS. Đoàn nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Văn Đoàn, Nhà Bác cổ - địa danh quen thuộc như một phần của ký ức Hà Nội, chính là tòa nhà của Bảo tàng Louis Finot thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) được coi là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Việt Nam thời thuộc địa. Công trình do các kiến trúc sư Ernest Hébrard và Charles Batteur thiết kế, khởi công xây dựng năm 1926, khánh thành và đi vào hoạt động năm 1932. Ban đầu, chức năng chính của bảo tàng dùng để trưng bày những sưu tập hiện vật nghệ thuật châu Á có được qua hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, khảo cổ của Viện Viễn Đông Bác cổ. Năm 1958, Chính phủ Việt Nam chính thức tiếp quản công trình này và chuyển đổi thành nội dung trưng bày về lịch sử Việt Nam. “Năm 2011, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Tòa nhà tiếp tục được sử dụng để trưng bày về lịch sử Việt Nam giai đoạn từ thời tiền sử đến năm 1945”, TS. Đoàn chia sẻ.
Trưng bày chuyên đề “Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia”, giới thiệu những tư liệu, hình ảnh gắn với lịch sử ngót một thế kỷ tồn tại của công trình cũng như những tri thức, kinh nghiệm quý giá cần nghiên cứu kỹ lưỡng để thừa kế phù hợp cùng những mong muốn thay đổi trong tương lai của bảo tàng, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của khách tham quan.
Trưng bày gồm 3 chủ đề, trong đó Lịch sử hình thành giới thiệu bối cảnh ra đời, quá trình xây dựng công trình, giai đoạn đầu hoạt động của Bảo tàng dưới sự quản lý của người Pháp (1932 - 1957) và những giá trị kiến trúc tiêu biểu. Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu mốc lịch sử quan trọng trong bước ngoặt chuyển giao công trình và cơ sở vật chất cùng khối tài liệu, hiện vật cho Chính phủ Việt Nam (1945 - 1946) và quá trình tiếp nhận, các đợt chỉnh lý chuyển đổi nội dung, cải tạo không gian kiến trúc phục vụ lưu giữ, trưng bày nhưng công trình bảo tàng vẫn giữ đúng chức năng và giá trị kiến trúc.
Chủ đề 3 mang tên Bảo tàng Lịch sử quốc gia - chặng đường mới cho thấy qua 90 năm tồn tại, dù thay đổi chủ thể quản lý, nội dung, hoạt động, đối tượng khách tham quan, nhiều lần chỉnh lý, cải tạo, sửa chữa, nhưng công trình vẫn giữ nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu và được sử dụng đúng công năng vốn có; bản thân công trình cũng đã trở thành di sản mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mang trọng trách quản lý, sử dụng di sản quý giá này.
Trải qua thời gian, chi tiết một số hạng mục của công trình không tránh khỏi xuống cấp, hệ thống trưng bày, trang thiết bị trở nên lạc hậu trước sự phát triển của khoa học công nghệ, nội ngoại thất công trình bảo tàng đứng trước yêu cầu phải sửa chữa, bảo tồn kiến trúc bảo đảm tồn tại lâu dài... Trưng bày mở cửa đón khách tham quan đến hết tháng 3/2023.
Tuấn Hải