TS. Lê Tuấn Anh, Chủ tịch VTDF: “Du lịch Việt Nam hiện diện ngày càng rõ nét sau đại dịch”
* Thưa ông, cái khó đặt ra với VTDF là gì khi hoạt động không vì mục đích lợi nhuận?
Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và phải bảo toàn vốn điều lệ là nguyên tắc chung đối với hầu hết các quỹ của Nhà nước. Tuy nhiên, đây không phải là khó khăn lớn đối với Quỹ.
Cái khó nhất của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là phải xây dựng và đưa vào thực tế một cơ chế mới, chưa có tiền lệ, rất đặc thù theo mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên các hoạt động chuyên môn có tính chất sự nghiệp, gắn bó chặt chẽ với ho��t động của cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành Du lịch cần triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch sau đại dịch, yêu cầu vừa phải khẩn trương xây dựng cơ chế vừa phải nhanh chóng triển khai các hoạt động nên rất khó khăn.
Năm 2021 và 2022 có thể coi là 2 năm vượt khó đối với Quỹ. Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan, đến nay Quỹ đã có thể triển khai các hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BTC ngày 22/02/2022 hướng dẫn nội dung và mức chi để thực hiện các nhiệm vụ; Bộ VHTTDL đã ban hành các quy chế tài chính liên quan đến Quỹ; các quy định về phối hợp, hợp tác với các cơ quan, đơn vị cũng đã hình thành tạo điều kiện cho Quỹ triển khai đồng bộ các hoạt động và là cơ sở để đẩy mạnh trong thời gian tới.
* Đến nay, việc huy động các nguồn tài trợ nhằm xã hội hóa nguồn lực thúc đẩy công tác xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ phát triển du lịch được triển khai ra sao, thưa ông?
Mức độ huy động các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động của Quỹ. Mặc dù chỉ mới chính thức bắt đầu triển khai các hoạt động đầu tiên từ giữa năm 2022, tuy nhiên Quỹ luôn quan tâm đến việc xã hội hóa các nguồn lực theo nguyên tắc kinh phí từ Quỹ là điều kiện để có thể huy động nhiều nguồn lực khác nhằm tăng quy mô, tính chuyên nghiệp của các hoạt động. Có thể kể đến các hoạt động tiêu biểu đã huy động được nguồn lực lớn, tham gia đóng góp của các địa phương, doanh nghiệp như: Hội chợ Du lịch thế giới (WTM London) 2022, Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE HCMC) 2022, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) 2022, Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản, Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, Chương trình xúc tiến du lịch Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”…
* Nhìn lại hoạt động của VTDF thời gian qua, theo ông, cái “được” lớn nhất là gì?
Thực ra, Quỹ mới chính thức hoạt động từ giữa năm 2022, có nhiều hoạt động hơn trong những tháng gần đây nhưng cơ bản năm 2022 vẫn là giai đoạn hoàn thiện, đưa cơ chế Quỹ vào thực tiễn và tăng cường hợp tác, phối hợp với các chủ thể liên quan.
Cái “được” lớn nhất đến nay theo tôi ở hai mặt. Thứ nhất, sau hơn 20 năm từ khi có những ý tưởng ban đầu về thành lập một quỹ du lịch quốc gia, VTDF đã được hình thành với cơ chế đồng bộ, rõ ràng. Thứ hai, các cơ chế, chính sách đã chính thức đi vào thực tế, với những hoạt động cụ thể dù chỉ trong một thời gian ngắn.
Ngoài ra, với sự nỗ lực của toàn ngành Du lịch, cùng với hỗ trợ từ Quỹ, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam đã được khởi động lại với tinh thần mới, khí thế mới. Du lịch Việt Nam hiện diện ngày càng rõ nét sau đại dịch. Các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm bắt đầu được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, cả nhân lực quản lý và người lao động trực tiếp, được chú trọng.
* Đối với du lịch quốc tế sau đại dịch COVID-19, việc xác định lại các thị trường mục tiêu là yếu tố hết sức quan trọng để thu hút khách, ông có thể chia sẻ đôi điều về những thị trường Du lịch Việt Nam hướng tới?
Sau thời gian phát triển bùng nổ giai đoạn 2015 - 2019, thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã được định hình khá rõ, gồm khách du lịch đến từ các thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) chiếm 67%; châu Âu 12%; Đông Nam Á 11%; châu Mỹ 5%; châu Úc 2%. Tất cả các thị trường nêu trên đều quan trọng đối với Việt Nam và còn nhiều dư địa để khai thác ở thời điểm trước đại dịch.
Trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch COVID-19, Du lịch Việt Nam cần tập trung khôi phục tất cả các thị trường quốc tế truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường mới, nhất là thị trường Ấn Độ. Đối với mỗi thị trường phân theo địa lý, chú trọng khai thác các phân khúc thị trường theo nhu cầu, sở thích phù hợp các sản phẩm du lịch Việt Nam có thể đáp ứng được. Đặc biệt, các dòng khách du lịch với mục đích nghỉ dưỡng; vui chơi, giải trí; trải nghiệm văn hóa - thiên nhiên cần được chú trọng do Việt Nam đã có những sản phẩm đẳng cấp quốc tế đáp ứng được nhu cầu khách du lịch chất lượng cao như ở Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Đà Nẵng, Quảng Nam, Sa Pa… Ngoài ra, các dòng khách - sản phẩm đặc thù như golf, cưới hỏi, MICE, chăm sóc sức khỏe… cũng đang dần trở thành lợi thế của Du lịch Việt Nam.
Du lịch Việt Nam có thể cân nhắc ý kiến của các chuyên gia dự án SSTP Thụy Sỹ, chú trọng khai thác 7 nhóm phân khúc thị trường, bao gồm: (1) Khách nội địa đi theo gia đình (domestic family breakers); (2) Khách nội địa nghỉ dưỡng cao cấp (domestic luxury escapists); (3) Khách quốc tế đi lẻ, tự do (international solo travelers & FITs); (4) Khách quốc tế với mục đích công vụ (international business travellers); (5) Khách quốc tế nghỉ dưỡng biển cao cấp (international luxury sun & sand travellers); (6) Khách quốc tế đến với mục đích chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh (international medical & wellness travellers); (7) Khách quốc tế trải nghiệm thiên nhiên và các hoạt động ngoài trời (international outdoor and rural experience seekers).
* Là người nghiên cứu về xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia và định vị thương hiệu du lịch, ông có ý kiến gì về thương hiệu Du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới? Theo ông, Du lịch Việt Nam cần có sự thay đổi như thế nào về sản phẩm - thương hiệu để phát huy lợi thế cạnh tranh?
Thương hiệu du lịch Việt Nam với khẩu hiệu “Vietnam - Timeless charm” đã được quảng bá trong khoảng hơn một thập kỷ vừa qua. Thương hiệu này truyền tải các giá trị gồm Thời gian, Sự huyền bí, Sự mãnh liệt và Sự cam kết của Du lịch Việt Nam thông qua 4 dòng sản phẩm gồm du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch gắn với thiên nhiên và du lịch thành phố.
Tôi cho rằng thương hiệu “Vietnam - Timeless charm” đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc truyền tải các giá trị cơ bản của Du lịch Việt Nam, dẫn dắt tinh thần, định hướng phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian qua, góp phần vào sự phát triển vượt bậc của Du lịch Việt Nam trong giai đoạn trước đại dịch. Kể từ khi bộ nhận diện du lịch “Vietnam - Timeless charm” được công bố năm 2014, các giá trị, định hướng về sản phẩm, cách thức truyền tải thông điệp của thương hiệu đã được truyền tải theo một tinh thần, định hướng chung.
Thời gian gần đây, nhất từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, Du lịch Việt Nam đã triển khai thành công một số chiến dịch theo hướng rất năng động, sáng tạo, phù hợp với từng giai đoạn như chiến dịch “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, “Việt Nam - Đi để yêu”, “Live fully in Vietnam/ Sống trọn vẹn tại Việt Nam”. Sản phẩm du lịch Việt Nam cũng đã trở nên rất phong phú, trong đó có một số sản phẩm đặc thù nổi bật như du lịch ẩm thực, du lịch di sản, du lịch golf… với các trải nghiệm cụ thể, hấp dẫn. Ngoài ra, vai trò của văn hóa, công nghiệp văn hóa ngày càng trở nên nổi trội trong việc định hình sản phẩm, hình ảnh của Du lịch Việt Nam. Đặc biệt, đã hình thành một thế hệ doanh nghiệp, người lao động năng động hơn, sáng tạo hơn, chủ động, tự tin hơn, sẵn sàng cạnh tranh với các nước hàng đầu về du lịch trong khu vực và thế giới.
Đã có nhiều nghiên cứu, ý kiến đưa ra về yêu cầu của thương hiệu Du lịch Việt Nam trong tình hình mới. Trong bối cảnh mới, cần có quan điểm thống nhất phù hợp để định hướng các hoạt động xúc tiến, quảng bá trong thời gian tới. Tôi cho rằng thương hiệu Du lịch Việt Nam trong tình hình mới cần theo hướng tạo cảm xúc theo các nhóm đối tượng có mục đích cụ thể dựa trên các trải nghiệm độc đáo, nguyên bản, thu hút sự tham gia của từng đối tượng du khách, chú trọng giá trị văn hóa, tính bền vững.
* Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
VIỄN NGUYỆT - ANH MINH (thực hiện)