- Bình mang cho mẹ mấy hạt muối! – mẹ sai tôi.
Tôi khệ nệ bưng vại muối nhỏ từ chái bếp ra:
- Trời ơi là cái thằng đần. – mẹ mắng. – Gói có năm cái bánh chưng mà mày bê ra cả vại muối? mẹ bảo mang mấy hạt thôi.
Nhà năm người, gói năm cái bánh chưng, thế là mỗi người được một cái, tôi nhẩm nhanh trong đầu. Nhưng như vậy cũng có nghĩa là tết này cha tôi không về. Từ ngày cha tôi theo Việt Minh đi làm cách mạng, ít về lắm.
Chiến tranh loạn lạc, bom đạn giặc vãi nhiều hơn thóc giống, đói vàng mắt. Chỗ gạo nếp gói bánh chưng đêm nay, mẹ tôi mang ở dưới xuôi lên từ hôm đi tản cư, thỉnh thoảng lại phải mang ra hong và nhặt mọt. Thế mà vẫn phải độn thêm hai bơ ngô vào gạo mới đủ gói năm cái bánh. Không có tiền mua thịt lợn làm nhân, mẹ lọc thịt con sóc rừng anh Lễ bẫy được bỏ vào, thế là có nhân ngon!
Loáng cái, mẹ tôi đã gói xong năm cái bánh chưng vuông vắn, lạt giang trắng xanh nổi bật trên lá dong xanh đậm. Tôi chẳng thấy gì đẹp hơn thế. Mẹ nhẹ nhàng nâng từng cái bánh, đặt vào thúng, úp cái rổ lên.
Rồi mẹ tôi cầm con dao bầu, chém ngang dọc, ngược xuôi tới tấp xung quanh thúng bánh:
- Chém cha con ma rừng. Mày chớ đụng vào bánh nhà bà. Bánh này là bánh vàng bánh bạc, dành cúng ông cha trước, con cháu hưởng lộc sau. Mày mà lại gần, bà chặt đứt chân mày.
Ba chị em tôi đứng tránh ra, xem mẹ chém ma. Phải thế thôi, cả năm mong chờ cái bánh chưng tết, không thể để ma rừng vầy nát được.
Hồi mới lên núi rừng Yên Thế, mẹ tôi dựng nhà ven đường, làm quán bán bánh đúc, nước chè. Mẹ tôi quấy bánh đúc ngon có tiếng ở làng Thanh, bánh đúc mềm giòn đủ độ, ăn vừa ngậy vừa bùi, bẻ ra cầm không dính tay, chấm tương Bần hay chan canh cua ngon không chê vào đâu được.
Thế mà khi lên đây, nồi bánh đúc mẹ nấu đêm trước, múc ra bát, ra đĩa để đầy một nong cho nguội, sáng hôm sau đem ra bán, bánh đúc đã thiu, vữa nát toét không ăn nổi. Mấy lần như thế, nhà tôi bị lỗ vốn nặng, sau có người dân trong vùng mách là bị ma vầy, mẹ tôi mới nghĩ ra cách chém ma. Từ đó, bánh đúc nấu xong, múc ra bát đĩa là mẹ tôi lấy dao bầu ra chém.
“Chém cha con ma rừng…”. Chúng tôi thích thú xem mẹ chém ma. Chém mà dẻo như múa vậy. Quả nhiên bánh đúc không bị vữa nữa.
2. Sáng ba mươi Tết, núi rừng mờ mịt sương và lạnh tái tê. Gió thổi u u lọt qua vách liếp khiến hai hàm răng tôi va lập cập. Tôi nhảy tưng tưng cho nóng người, giục mẹ bắc nồi bánh chưng. Mẹ cẩn thận đặt từng cái bánh vào nồi đồng điếu, màu đồng ánh lên lấp lánh từ miệng nồi trông thật đẹp. Cái nồi đồng điếu này là tài sản quý giá của mẹ tôi, quý hơn cả mạng sống của bà. Hôm nhà tôi trúng bom cháy đùng đùng, mẹ cả gan lao vào lửa chỉ để cứu cái nồi đồng điếu ra, tóc mẹ cháy mất phân nửa từ đận ấy, giờ không mọc lại được. Tóc cháy nhưng mẹ tự hào vì cứu được cái nồi đồng điếu to nhất làng.
Đặt nồi bánh lên bếp, mẹ tôi ra nhìn trời, tịnh không thấy ông mặt trời đâu, đoán chừng tám giờ sáng.
- Nấu bánh chừng mười hai tiếng là chín dền. – mẹ nói – Nếu không phải độn ngô vào gạo thì còn vớt bánh sớm hơn.
Tôi với bé An sán gần bếp lửa, háo hức nhìn những lưỡi lửa vàng cam liếm quanh nồi đồng điếu. Cái nồi to thật, giá có đến ba chục bánh vẫn vừa. Hôm chạy tản cư, mẹ bỏ bé An ngồi lọt thỏm trong nồi, đặt một bên quang gánh, bên kia là cái thúng gạo, gánh đi suốt bốn ngày ba đêm lên Yên Thế. Bé An ngủ ngoẹo đầu trên miệng nồi. Khổ nhất là một đêm nghỉ lại ven đường, trời đổ mưa. Mẹ con tôi chồm dậy, áo mưa rải dưới đất nằm giờ che trên đầu. Mẹ hai tay căng hai góc, chị Quỳ với anh Lễ mỗi người túm một góc áo mưa dâng lên làm mái lều, đứng suốt đêm che cho tôi và bé An khỏi ướt. Thế mà rồi vẫn ướt ráo cả. Sau lần ấy, lên Yên Thế, bé An ốm liền ba tháng, tưởng chết! Rừng thiêng nước độc. Mẹ tôi bảo thế!
3. – Hai đứa ranh có tránh ra không? Củi rơi vào đầu bây giờ, chị Quỳ gắt.
Chị đặt ôm củi khô gần nồi bánh chưng, lửa cháy to, nồi đồng điếu sôi ùng ục. Bụng tôi cũng réo ùng ục. Đói quá. Từ sáng tới giờ tôi chỉ được ăn ba nhánh khoai lang sống bé bằng con giun. Khoai trồng ven đường cứ còi cọc, củ không to được. Chị cời bớt than hồng ra, bỏ thêm củi vào. Những lưỡi lửa lè dài thêm, liếm lem lém quanh nồi, má bé An cũng đỏ rực hơi lửa.
- Mày đốt vừa thôi không cháy nhà con ạ. – mẹ gắt. – Nồi bánh bây giờ chỉ cần lửa liu riu là đủ.
4. Rừng đã tối đen mà mẹ vẫn chưa cho rụi lửa, vớt bánh. Mẹ tôi bảo:
- Một giờ nữa mới vớt bánh. Chúng mày có khác gì lũ ma đói không. Ngồi bâu nồi bánh mặt nẻ toác ra rồi. Mà bánh vớt xong còn thắp hương các cụ, qua giao thừa mới được ăn!
Bé An đòi đánh dấu cái bánh to nhất của nó bằng một cái móc lạt buộc. Người bé nhất mà xí phần cái bánh to nhất.
Mẹ tôi gọi anh Lễ lên bày bàn thờ chuẩn bị cúng giao thừa.
Nào có gì nhiều đâu, một bát cơm trắng, bát canh măng rừng, chè củ mài, nửa con thỏ rừng gác bếp khô cong queo.
- Bánh chín rồi. Vớt bánh ra thôi. –chị Quỳ reo lên.
Rừng đêm gió vi vút, dưới ánh lửa bếp ấm áp, chị Quỳ soi một thanh củi cháy bùng cho mẹ cầm móc kéo một cái bánh lên xem thử. Bánh chưng nở căng, góc vuông tròn đầy, bốc khói thơm ngào ngạt. Tôi hít căng lồng ngực mùi hương ngon lành ấy.
U cầm thanh củi từ tay Quỳ:
- Con ra vách liếp mang cái mẹt lại đây đựng bánh, nhanh lên.
Quỳ quày quả quay đi. Tôi và bé An vẫn nhìn cái bánh kề miệng nồi không chớp mắt.
- Mẹ ơi, cứu con! – Tiếng Quỳ thét thất thanh.
Mẹ tôi đánh rơi cái bánh tõm vào nồi. Tôi quay lại nhìn trong ánh lửa, một con trăn loang lổ quấn chân chị tôi như một dải khăn hoa, cái đầu nó ngóc lên, phì phì. Tôi rụng rời tay chân, không biết nên chạy, hay làm gì, tôi cứ đứng trân nhìn chị ngã vật ra,miệng há to, nhưng không kêu ra tiếng.
Vừa lúc ấy, anh Lễ lao vụt qua chỗ tôi, vung cái rìu bổ củi lên. Tôi hoảng quá nhắm tịt mắt lại, tiếng bé An khóc ré lên. Tay bé túm chặt lưng quần tôi.
Khi mở mắt, tôi kịp thấy anh Lễ đắc thắng cầm con trăn giơ lên cao, cái đầu nó lủng lẳng gần đứt, chị Quỳ ngồi bệt trên nền bếp gục đầu khóc rưng rức.
Mẹ tôi quỳ bên, sờ nắn chân tay chị:
- Có đau không con, cử động tay chân mẹ xem, không gãy là may rồi, giống trăn rừng thấy lửa ấm nên mò vào đấy mà!
Anh Lễ ném con trăn xuống gần chân tôi, làm bé An lại khóc thét.
Anh cười hỉ hả:
- May quá, trời thương cho ta ăn tết to rồi. Mẹ ơi, da trăn làm cho con cái bao giắt dao đi rừng, thịt nấu cháo, làm ruốc, còn đâu gác bếp ăn dần.
Anh Lễ đã trở thành thợ săn thực thụ rồi. Núi rừng Yên Thế đã biến anh ấy thành một người giỏi giang như vậy. Tôi nhìn anh ngưỡng mộ. Ước gì mấy năm nữa, lớn hơn một chút, tôi cũng làm được như anh.
5. Mẹ tôi chống gối đứng lên:
- Con Quỳ khóc thế đủ rồi. Đứng dậy vớt bánh chưng với mẹ rồi còn giúp thằng Lễ làm thịt con trăn.
Nghe nói đến bánh chưng, bé An ngừng khóc. Chúng tôi quay lại với nồi bánh. Ơ hay, nồi bánh chưng đâu rồi?
- Mẹ ơi, mất nồi bánh chưng rồi! – Tôi kêu thất thanh.
Năm mẹ con đứng như trời trồng. Mải vật lộn với con trăn rừng, tới khi chúng tôi quay lại, thì nồi bánh chưng đã biến mất.
Củi lửa vẫn cháy ấm sực, nhưng nồi bánh chưng thì không còn. Tôi hít sâu, mùi thơm ngon của bánh chín vẫn còn thoảng trong bếp.
- Đi tìm bánh, mau lên! – mẹ tôi kêu. – Thằng trộm không thể khuân cái nồi chạy xa được. Vừa mới ở đây thôi mà.
- Để con đốt đuốc đã.
Anh Lễ lấy thanh củi dài, chắc, quấn giẻ vào một đầu, tẩm dầu tây lên rồi mồi lửa. Mẹ tôi, tất cả chúng tôi đi theo anh.
Gió rừng bủa vây chúng tôi, ù ù đe dọa. Ngọn đuốc trong tay anh Lễ chực tắt.
Phía đường cái không có dấu vết. Anh Lễ quay người đi về phía rừng. Vẫn theo anh, nhưng tôi bắt đầu run. Tôi linh cảm có chuyện chẳng lành. Nhưng tôi không dám ở lại nhà một mình. Mẹ tôi cõng bé An, theo sát anh Lễ. Tôi chạy vượt lên, đi giữa mẹvà chị Quỳ. Đi đầu dễ bị hổ vồ, đi sau dễ bị ma bắt…
Càng đi sâu vào rừng, trời càng lạnh hơn. Tôi có cảm giác sau mỗi gốc cây, tán lá là một đôi mắt rình mò chúng tôi. Chỉ có tiếng gió rít u u trong tán lá và tiếng tim tôi đập như trống dồn. Rừng sắp nuốt chửng mẹ con tôi bằng cái lưỡi tham lam và lạnh buốt. Anh Lễ đột nhiên rút phắt con dao đi rừng ra.
- Mẹ ơi, về thôi, chẳng có bánh thì đừng. – Tiếng Quỳ khe khẽ sát lưng tôi. – Con sợ lắm mẹ ơi.
- Nhưng mà còn cái nồi đồng điếu của mẹ? – Giọng cương quyết, mẹ dừng lại trao bé An cho chị Quỳ cõng.
- Mẹ giằng lấy dao đi rừng từ tay anh Lễ, tiến lên phía trước. Đột nhiên,mẹ tôi rẽ sang hướng trái, lách vào sau gốc cây đại thụ, anh Lễ bám sát mẹ.
- Tránh ra con. – mẹ kêu lên.
Chúng tôi nghe thấy tiếng dao cắt gió veo véo. Ánh thép loang loáng sau gốc cây. Mẹ đang chém ma rồi. Tôi nép sát vào anh Lễ và ngọn đuốc, mong bớt run.
Véo, uỵch! Gió lạnh thốc vào chúng tôi, dập tắt ngọn đuốc.
- Mẹ ơi. – Chúng tôi cùng hoảng hốt gào lên trong bóng tối.
Nhưng lạ chưa, khi cơn gió vụt qua, tôi có cảm giác một làn hơi ấm tỏa lên từ dưới chân. Rồi tôi nghe tiếng bé An thút thít khóc.
- Đừng sợ. – Tiếng anh Lễ. – Anh đốt lửa lên ngay.
Ánh đuốc bừng lên. Tôi nhìn xuống nơi làn hơi ấm tỏa lên.
Bánh chưng. Nồi bánh chưng của nhà tôi đây rồi.
- Bánh. – Tôi hét lên vui mừng. – Mẹ ơi, nồi bánh!
Mẹ tôi cầm con dao rừng tiến lại gần, cúi xuống. Làn hơi nước trắng xóa, ấm áp, thơm mùi bánh tỏa lên từ miệng nồi đồng điếu.
- Ơn trời, bánh còn nguyên. Chắc con ma đói chưa kịp làm gì.
Mẹ với Quỳ khiêng nồi bánh về. Tôi phải cõng bé An, anh Lễ đi sau chặn hậu. Chợt mẹ tôi đặt nồi bánh xuống, lấy ra một tấm bánh, mang đến một gốc cây, đặt xuống.
- Sao mẹ để bánh lại? – Anh Lễ ngạc nhiên.
- Để cúng cho con ma, mẹ nói. – Tội nghiệp tết nhất mà vẫn bị đói.
Anh Lễ lắc đầu. Chúng tôi chẳng biết nói sao, im lặng đi tiếp về nhà. Đúng lúc ấy bé An nói:
- Đấy là cái bánh của mẹ. Bánh của em vẫn ở trong nồi, nhỉ?
- Đúng rồi, đấy là cái bánh của mẹ. – mẹ tôi nói, bật cười to.
Rừng đêm giao thừa bỗng ấm áp lạ thường.
Kiều Bích Hậu
Nguồn: Tạp chí Du lịch