|
Các nghệ nhân ca trù biểu diễn trong buổi ra mắt
trung tâm
Ảnh: Lan Hương
|
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Trung tâm Văn hóa ca trù Thăng Long vừa diễn ra cuộc gặp mặt với khoảng 50 công ty lữ hành và 10 khách sạn trên địa bàn Hà Nội nhằm thúc đẩy sự ủng hộ và hợp tác giữa ngành Du lịch với việc phát triển ca trù.
Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long được xây dựng và hoạt động với mục đích chính là gìn giữ để phát triển nghệ thuật ca trù. Trung tâm được thành lập bởi Công ty CP Đầu tư và Thương mại Nguyên Lai, chính thức ra mắt vào ngày 3/4/2009 tại khuôn viên Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là địa điểm đầu tiên và là duy nhất từ trước tới nay tổ chức biểu diễn ca trù chuyên nghiệp với ba ca diễn mỗi ngày và phòng diễn được trang bị sân khấu, hệ thống âm thanh, ánh sáng, chỗ ngồi cho khán giả như một nhà hát.
Trung tâm được chia làm ba không gian: phòng triển lãm giới thiệu về ý nghĩa văn hoá lịch sử của ca trù, phòng biểu diễn và phòng giới thiệu các làng nghề truyền thống Việt Nam. Du khách khi đến với Trung tâm sẽ được hướng dẫn viên đón tiếp và giới thiệu về ý nghĩa văn hóa, lịch sử cũng như sự hình thành và phát triển của ca trù bằng nhiều ngôn ngữ, để du khách quốc tế cũng có thể hiểu về loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Du khách có thể tìm hiểu về ca trù tại phòng triển lãm qua tranh ảnh, hiện vật, thư pháp…, tham quan không gian văn hóa các làng nghề truyền thống Việt Nam, nghe giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của các làng nghề truyền thống Việt Nam, từ đó sẽ hiểu thêm về những sản phẩm thủ công đặc sắc, về đời sống, con người Việt Nam xưa và nay. Tại phòng biểu diễn, du khách sẽ được thưởng thức các tác phẩm ca trù, trong không gian ấm cúng với sức chứa 100 khán giả.
Các Công ty du lịch - lữ hành tham dự đã đưa ra những ý kiến đóng góp về trang phục, sân khấu, tiết mục…, nhìn chung đều đánh giá khá tốt về chương trình biểu diễn của Trung tâm. Trung tâm dự kiến sẽ hướng tới các tiết mục múa nhiều hơn, và giải thích rõ thêm để khán giả nước ngoài dễ hiểu.
So với múa rối nước, ca trù sẽ kén khách hơn, tuy nhiên nhìn chung có thể đưa vào chương trình du lịch, góp phần làm phong phú hơn hoạt động buổi tối cho du khách.
Trung tâm Văn hóa ca trù Thăng Long là nơi giới thiệu và bảo tồn ca trù - một bản sắc văn hoá quý giá của Việt Nam, tôn vinh các nghệ nhân ca trù, gìn giữ và phát huy vốn nghệ thuật cổ của dân tộc. Lợi nhuận thu được từ hoạt động của Trung tâm một phần dành để đào tạo những người có khả năng theo học nhằm gìn giữ ca trù cho thế hệ mai sau. Phần còn lại được dùng để dạy nghề cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mô côi, tật nguyền nhằm giúp các em có cơ hội học tập, làm việc để nuôi sống bản thân và trở thành người có ích cho xã hội. Mỗi ngày tại Trung tâm sẽ tổ chức ba ca diễn vào 16h 45 - 18h00 - 19h15, mỗi ca diễn 45 phút, bao gồm các bài thơ tiếng Việt và được dịch sang tiếng Anh. Khoảng 20 nghệ sĩ ca trù (đào nương, kép, múa) thường xuyên biểu diễn, dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân cao niên.
Bên cạnh Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long, Câu lạc bộ ca trù Hà Nội tại Bích Câu đạo quán (14 Cát Linh, Hà Nội) do nghệ sỹ Bạch Vân - Chủ nhiệm CLB, đồng thời là Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật của Trung tâm - gây dựng từ năm 1991 mang tính chất như một chiếu chèo – câu lạc bộ, nơi người xem ngồi cạnh nghệ sỹ ca nương, kép đàn, phù hợp với những nhóm khách nhỏ khoảng 10 - 15 người. CLB biểu diễn vào 20h30 thứ bảy và 9h00 chủ nhật, hiện không quy định giá vé mà tùy theo đóng góp của du khách./.
Trang Lê