Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày theo nhiều nhóm chủ đề: NGOs và biến đổi khí hậu, NGOs và phát triển dân tộc miền núi, NGOs và người khuyết tật, NGOs và trẻ em. Với chủ đề biến đổi khí hậu, các đại biểu cho rằng: Việt Nam đang là 01 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự biến đổi khí hậu. Sự biến đổi khí hậu trong nhiều năm qua đã tác động không nhỏ đến nền nhiệt độ và những vấn đề môi trường của Việt Nam. Một trong những vấn đề được đặt ra là việc tăng mực nước biển mỗi năm lên 25cm, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân ven biển; gây nên tình trạng lũ quét, mưa nhiều, số ngày nóng thay đổi, thiên tai năm sau nhiều hơn năm trước… đe dọa ngày càng nghiêm trọng đến đời sống con người.
Cùng với các cơ quan Chính phủ, khối doanh nghiệp, NGOs đã góp phần tích cực trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu; cùng gắn kết với nhau, với các cơ sở khoa học trong và ngoài nước, với các tổ chức quốc tế để chia sẻ, trao đổi các thông tin, đào tạo nguồn nhân lực nâng cao năng lực cán bộ… nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tổ chức này đã tham gia vào nhiều chương trình hành động thiết thực, ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhân dân, chia sẻ thông tin, bổ sung, góp sức cùng Chính phủ hướng tới những giải pháp cần thiết nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu… Bà Vũ Thị Bích Hợp, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững đã giới thiệu về hai mạng lưới xã hội dân sự với biến đổi khí hậu ở Việt Nam: mạng lưới tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và biến đổi khí hậu (VCSOs & CC - gồm 4 tổ chức); nhóm công tác NGOs về biến đổi khí hậu (CCWG - gồm 7 tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam). Các tổ chức này đã ứng phó với biến đổi bằng cách: hỗ trợ cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm nhẹ biến đổi khí hậu thông qua các dự án đa lợi ích, hỗ trợ các hoạt động thích ứng; vận động chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hỗ trợ các hoạt động thích ứng của cộng đồng nghèo; bắt đầu các hoạt động chuyển đổi tổ chức, điều chỉnh chính sách và quy định phù hợp với thực tế biến đổi khí hậu. Để đáp ứng yêu cầu hoạt động, trong thời gian tới, sẽ có thêm hai dự án được triển khai hoạt động: Dự án Xây dựng năng lực (2009 - 2012) và dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng” (2009 – 2011) với mục tiêu nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho các bên liên quan, thúc đẩy việc lồng ghép biến đổi khí hậu vào sinh kế của các cộng đồng dân cư…
Tham gia hội nghị, các đại biểu còn được nghe giới thiệu về các hoạt động tiêu biểu ứng phó với biến đổi khí hậu của các tổ chức xã hội dân sự, các sáng kiến hợp tác của Trung tâm hỗ trợ Ứng phó với biến đổi khí hậu với hãng Ford Foundation, Toyota Việt Nam và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sản phẩm Xanh Việt Nam về việc thay thế túi nilon trong ngành bán lẻ. Dự án này nhằm từng bước loại trừ túi nilon ra khỏi các hoạt động bán lẻ tại Việt Nam để bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường sống, tiết kiệm nguồn nhiên liệu hóa thạch dùng vào việc chế tạo túi nilon. Việc này mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, các nhà bán lẻ và những người nghèo thông qua việc đưa họ tham gia vào chuỗi cung ứng và chế tạo túi mua hàng thân thiện (FSB). Dự án đã bắt đầu triển khai từ 01/3/2009 và dự kiến lô FSB đầu tiên sẽ được cung cấp cho người tiêu dùng vào đầu tháng 4/2009…
Thông qua hội nghị, một lần nữa có thể khẳng định rằng NGOs hoàn toàn có đủ năng lực và điều kiện để tham gia tích cực trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để khuyến khích và tạo điều kiện cho NGOs tham gia góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
PHƯƠNG THẢO