Trưng bày gồm 3 nội dung: Khúc ca chiến thắng, Dòng ký ức và Chung tay hàn gắn. Qua đó nhằm giúp công chúng hiểu hơn sự khốc liệt của những cuộc tập kích chiến lược không quân của Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc; tái hiện cuộcsống sinh hoạt, lao động của quân, dân Hà Nội (cuối năm 1972) với tinh thần đoàn kết chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vượt qua mất mát, đau thương, làm nên Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Trưng bày đồng thời giới thiệu cuộc sống của các phi công Mỹ trong trại tạm giam Hỏa Lò cùng mong muốn chấm dứt chiến tranh để trở về với gia đình và câu chuyện trao trả phi công Mỹ cách đây 50 năm (1973-2023). Đặc biệt là giới thiệu về những nỗ lực chung của Chính phủ 2 nước Việt Nam - Hoa Kỳ nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh.
Tại trưng bày, có nhiều tư liệu quý về 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” được giới thiệu. Bên cạnh không gian trưng bày, công chúng còn được xem một số bức thư, tranh vẽ của một số phi công Mỹ từng bị tạm giam Hỏa Lò và một số trại giam khác. Đáng chú ý, tại sự kiện, những nhân chứng lịch sử đã kể lại những ký ức không quên về 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”.
Tại sự kiện, ông Thomas Eugene Wilber - con trai của cựu tù Hỏa Lò Walter Eugene Wilber, từng bị bắt tạm giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1968-1973 cho biết, đây là lần thứ 43 ông đến nhà tù Hỏa Lò và lần nào cũng mang đến cho ông nhiều kỷ niệm.
“Nơi đây, cha tôi từng bị bắt giữ. Nhưng cũng từ đây, cha tôi đã cảm nhận được sự nồng hậu, chân thành của người dân Việt Nam, cũng nhìn nhận rõ hơn về cuộc chiến. Những bức thư ông gửi cho anh em tôi được viết tại đây, đã kể lại cho chúng tôi những câu chuyện về Việt Nam và về tình người. Những điều tốt đẹp đó khiến cho tôi luôn muốn trở về Việt Nam và trở lại nhà tù Hỏa Lò. Tôi coi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình, bởi ở đây có kỷ niệm của cha tôi” - ông Thomas Eugene Wilber chia sẻ.
Tuấn Sơn