Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội (80 Quán Sứ, Hà Nội) gồm Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh, các Phó TCT Ngô Hoài Chung, Hà Văn Siêu, Nguyễn Thị Thanh Hương.
Cùng dự có Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Khách sạn Vũ Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Thế Bình, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, đại diện lãnh đạo Vingroup, Sun Group, Tổng Công ty DL Hà Nội, Flamingo, Mường Thanh, đại diện lãnh đạo các hãng Hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và một số DN lữ hành, vận chuyển, dịch vụ…
Về phía các Sở quản lý Du lịch có Sở DL Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định…; các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Vĩnh Long...
Tại điểm cầu TP.HCM, đại diện cho các DN lữ hành có bà Nguyễn Thị Khánh - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM; về phía các DN có ông Võ Anh Tài - Phó TGĐ Tổng Công ty DL Sài Gòn, bà Huỳnh Phan Phương Hòa, Phó TGĐ Vietravel, ông Lại Duy Minh - Tổng Giám đốc TST Tourist.
Tại điểm cầu Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch HHDL Đà Nẵng (Chủ tịch Công ty CP TravelMart) đại diện cho các DN lữ hành Đà Nẵng…
14h10:
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh phát biểu khai mạc Hội nghị
Thay mặt TCDL, Bộ VHTTDL, Tổng cục trưởng gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham dự Hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, lãnh đạo các Sở quản lý du lịch các địa phương, lãnh đạo của các hãng Hàng không, Hiệp hội Du lịch, các hãng lữ hành, vận chuyển, khách sạn, cơ sở dịch vụ du lịch - là lực lượng nòng cốt trong ngành Du lịch tới dự Hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch” lần đầu tiên được TCDL tổ chức.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, du lịch bắt đầu có tín hiệu khá lạc quan sau 3 tháng “đóng băng” vì dịch bệnh Covid-19 thì đợt dịch lần 2 bùng phát trong cộng đồng từ ngày 25/7, tâm lý e ngại đã khiến rất nhiều khách du lịch đã hủy tour không chỉ đến khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có dịch. Nhiều điểm tham quan, khu du lịch, tạm dừng các dịch vụ vui chơi giải trí… nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, người dân. Một số địa phương chỉ đạo doanh nghiệp du lịch không tổ chức tour, không đón người đến, đi từ vùng có người mắc bệnh, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đi đến vùng dịch, không đi du lịch ngoại tỉnh… DN du lịch đã khó khăn, nay càng thêm khó khăn.
“Trong bối cảnh hiện nay, các DN du lịch có thể nói là chịu ảnh hưởng kép khi dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Các hãng hàng không, các DN khách sạn, các nhà đầu tư dịch vụ du lịch vừa trải qua giai đoạn khó khăn, có cơ hội khôi phục một phần dịch vụ lại tiếp tục đối mặt với thách thức lớn. Các DN lữ hành cũng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do thực trạng hủy tour một loạt của khách du lịch. Theo phản ánh, DN đang đứng trước khó khăn khi chính sách của các hãng hàng không là chỉ cho lùi tiền cọc vé mà không hoàn trả, do đó DN lữ hành đang chịu sức ép vì khoản tiền cọc vé không nhỏ, nhất là khi các DN vừa gánh chịu tổn thất quá lớn của đợt đầu dịch Covid-19, trong khi đó khách du lịch hoãn huỷ tour thì đòi hoàn tiền. Hàng không cho hoãn huỷ thời gian tối đa 180 ngày nhưng tâm lý phổ biến củakhách du lịch là e ngại, không còn nhu cầu đi du lịch”, Tổng cục trưởng cho biết.
Theo Tổng cục trưởng, DN du lịch là lực lượng nòng cốt của ngành Du lịch. Các DN lữ hành, lưu trú, vậnchuyển và cung ứng dịch vụ có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ, cùng tạo nên sức mạnh, đóng góp vào kết quả, thành công chung của ngành Du lịch. Nếu bị yếu hoặc đứt gãy bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi liên kết này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của cả ngành Du lịch. Vì vậy, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN du lịch, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và nhất là tránh đứt đoạn, ảnh hưởng đến chuỗi liên kết, tạo điều kiện cho việc hồi phục nhanh các hoạt động của ngành Du lịch trong thời gian tới, Tổng cục trưởng đề nghị tập trung vào 02 vấn đề: (1) Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp trong việc hoãn, đổi, hoàn, hủy vé máy bay và các dịch vụ du lịch liên quan khác trên tinh thần hợp tác, cùng chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp và khách du lịch; (2) Thảo luận một số phương án ứng phó, khôi phục ngành Du lịch trong thời gian tới.
14h15
Ngay sau phát biểu khai mạc của Tổng cục trưởng TCDL, dưới sự điều hành của Phó TCT Ngô Hoài Chung và Phó TCT Hà Văn Siêu, hội nghị tiếp tục với báo cáo sơ bộ về tình hình hoạt động lữ hành thời gian qua của Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương. Theo ông Phương, hết tháng 8/2020 tỷ lệ hủy phòng các khách sạn vào khoảng 98% - 100% ở hầu hết các địa phương; Hà Nội hủy 32.000 tour, TP.HCM hủy 35.000 tour, các DN lớn nhiều đoàn khách đông cũng hủy, gây ra thiệt hại lớn với DN. "Để đảm bảo an toàn cho du khách, đề nghị các địa phương cùng đồng hành, chia sẻ những khó khăn; kêu gọi các hãng hàng không ngồi lại với các hãng lữ hành để chia sẻ, giảm thiệt hại tối đa, cũng như chuyển đổi thời điểm đi đến những vùng an toàn, thích hợp. Thời gian tới, đề nghị thường xuyên nắm bắt tình hình dịch, thực hiện mục tiêu kép; tập trung xây dựng sản phẩm mới phù hợp diễn biến dịch bệnh, như du lịch sức khỏe, xúc tiến quảng bá du lịch an toàn, giúp các DN duy trì hoạt động; TCDL tham mưu Bộ VHTTDL các biện pháp hỗ trợ, đang triển khai thì tiếp tục giảm VAT, giảm tiền điện khách sạn, tiền thuế đất DN lưu trú, hàng không và có giải pháp cho chuỗi cung ứng chung. Đồng thời, các địa phương cùng phối hợp để người lao động trong ngành tiếp cận được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ", ông Phương nói.
Mở đầu cho các ý kiến từ phía doanh nghiệp lữ hành, từ đầu cầu Hà Nội, bà Nguyễn Thị Vân - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội nhận định, hội nghị trực tuyến hôm nay là hành động nhanh chóng và cấp bách của Tổng cục Du lịch để các bên có dịp ngồi lại đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trước diễn biến mới của dịch Covid-19. Để vừa khắc phục khó khăn do dịch bệnh vừa thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, mỗi doanh nghiệp du lịch cũng cần đưa ra các giải pháp cụ thể bảo vệ quyền lợi cho khách hàng cũng như người lao động trong ngành, để giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao. Bà Vân cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần nhất là bình tĩnh, không hoang mang, nâng cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ những khó khăn chung. Trong thời gian này, các doanh nghiệp cần tập trung đảm bảo an toàn và tranh thủ thời gian đào tạo nguồn nhân lực. Bà Vân cũng kiến nghị TCDL và các cấp liên quan nhanh chóng có các chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch.
Từ điểm cầu TP.HCM, ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Saigontourist đề nghị TCDL nghiên cứu xây dựng định khung pháp lý để trong những trường hợp dịch bệnh có thể đảm bảo an toàn cho khách hàng, đồng thời tránh áp lực nặng nề cho DN. Hiện nay, các DN đều thiệt hại, các địa phương đã có công văn để phối hợp hỗ trợ, tuy nhiên tình hình vẫn rất nan giải.
“Hàng không cũng cần có chính sách linh hoạt hơn trong các trường hợp bất khả kháng, không nên áp dụng cứng nhắc các quy định gây khó cho DN lữ hành”, ông Tài nêu ý kiến.
Theo ông Tài, thời điểm này cần tập trung các nhóm giải pháp: thứ nhất là giải pháp tài chính đã được Bộ VHTTDL đưa ra và triển khai thời gian qua, cần tiếp tục làm mạnh hơn trong lúc này vì thực sự rất cần thiết đối với các DN.
“Hiện nay DN không có nguồn thu nhưng chi phí cho người lao động vẫn phải đảm bảo. Nếu có sự hỗ trợ thì các hoạt động du lịch sẽ có sức mạnh để khởi động lại nhanh nhất có thể, đảm bảo phòng chống dịch bệnh và tận dụng tối đa các cơ hội khi có đủ điều kiện”, ông Tài nêu ý kiến.
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hòa, Phó TGĐ Vietravel, điều mà doanh nghiệp du lịch cần nhất lúc này là được hỗ trợ vốn để tồn tại bởi DN tiếp cận được các nguồn vốn vay rất khó khăn, cùng với đó là giảm lãi suất vay, giảm thuế cho các doanh nghiệp. Hiện nay, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách hủy tour rất lớn, 60 – 80% nhân sự của công ty hiện đang nghỉ không lương.
Ông Lại Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP DVDL TST Tourist chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không chỉ các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành bị ảnh hưởng, sự sụt giảm nguồn du khách cũng khiến các dịch vụ đi kèm phục vụ ngành Du lịch như dịch vụ lưu trú, ăn uống, khu vui chơi, giải trí, mua sắm... gặp nhiều khó khăn. TST Tourist đề xuất được sự hỗ trợ giảm thuế; cần có gói hỗ trợ cho nguồn nhân lực hướng dẫn viên vì hiện nay 80 - 90% nguồn nhân lực này đang bị nghỉ làm bởi dịch bệnh. Hơn nữa, các hãng lữ hành rất khó khăn trong việc hoàn trả lại chi phí cho khách hàng, do vậy mong muốn các hãng hàng không, các nhà cung cấp dịch vụ nên có gói dịch vụ giảm giá cụ thể để hỗ trợ khách hàng hủy tour để tạo sự khích lệ cho du khách tiếp tục đi du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Từ điểm cầu Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - Chủ tịch Công ty CP Vietnam Travelmart thông tin tới Hội nghị: Sau khi dịch bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, từ 0h ngày 28/7, Sở Du lịch Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, hàng không và các bên liên quan đưa 35.000 du khách rời Đà Nẵng mỗi ngày. Hiện tại vẫn còn kẹt lại khoảng 2.000 khách lẻ tại Đà Nẵng, Du lịch Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với các hãng hàng không để vận chuyển khách về các địa phương. Trước thực trạng lượng khách hoãn, huỷ tour lớn, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẵn sàng chung tay góp sức với các doanh nghiệp lữ hành để dàn xếp hoãn, hủy… cho các đoàn khách.
Ông Dũng đề xuất, đối với Chính phủ: giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch đến năm 2021; chính sách giảm các chi phí lớn của doanh nghiệp như điện, nước, viễn thông… kéo dài đến hết năm 2020; tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay (hiện tại giảm 1-2% không đáng kể), hoãn nợ… cho doanh nghiệp du lịch; làm sao để các gói cứu trợ tới doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch, vì hiện nay dù doanh nghiệp đã làm hồ sơ rất nhiều nhưng chưa được hỗ trợ nào từ các gói cứu trợ của Chính phủ. Đề xuất với Tổng cục Du lịch cần nghiên cứu cơ chế về giảm khoản tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành...
Tại đầu cầu Hà Nội, bà Trần Thị Nguyện - Giám đốc Kinh doanh Sun Group cho biết: Đây là lần thứ 2 chúng ta đối mặt với Covid-19 và cũng là lần thứ hai chúng ta ngồi đây để bàn các giải pháp và cùng nhau bước qua giai đoạn khó khăn nhất trong giai đoạn này. Vì thế, Sun Group đã có những hành động cụ thể để bước tiếp trong giai đoạn khó khăn.
Đà Nẵng đang đối diện với dịch bệnh Covid-19 nặng nề nhất, các các sở kinh doanh dịch vụ của Sun Group tại Đà Nẵng đã đóng cửa theo chỉ đạo của Nhà nước và chính quyền thành phố để cùng nhau chống dịch. Tuy nhiên, Sun Group vẫn có những chính sách hỗ trợ khách du lịch và doanh nghiệp lữ hành trong việc hoàn tiền và gia hạn vé tham quan.
Bên cạnh đó, hệ thống khách sạn của Sun Group chia làm 2 mảng: những khách sạn do trực tiếp Sun Group quản lý và những khách sạn Sun Group thuê quản lý. Những khách sạn do trực tiếp Sun Group quản lý sẽ thuyết phục khách hàng không hủy và giữ nguyên giá trị booking, nhưng nếu khách hàng không thay đổi thì Sun Group sẵn sàng hoàn tiền. Đối với những khách sạn Sun Group thuê quản lý thì phải tôn trọng các tập đoàn quản lý và phối hợp để họ sẵn sàng chia sẻ và đồng hành với khách hàng.
“Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động bằng những kế hoạch bảo tồn, bảo trì, làm mới khu tham quan, khu vui chơi giải trí, tạo nhiều sản phẩm du lịch mới để khi khách quay trở lại sẽ thấy điểm du lịch mới trong mắt du khách”, bà Nguyện cho biết thêm.
Song song giai đoạn này, truyền thông của Sun Group luôn hướng về những nơi đang gặp khó khăn nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. HCM… để tất cả cùng có niềm tin vượt qua. Ngày 5/8 vừa qua, Sun Group đã bàn giao bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) với 1.000 giường bệnh trong vòng 43,5 ngày thi công.
“Đây đang là lúc khó khăn, ngành Du lịch đang chịu tổn thất nặng nề, vì thế chúng tôi cần phối hợp với nhau để tạo sức mạnh và hỗtrợ cho nhau”. Bà Nguyện nói
Bà Nguyện cũng đề xuất với TCDL và các sở, ban ngành hỗ trợ xây dựng chương trình kích cầu du lịch lần hai ở quy mô quốc gia, hỗ trợ các địa phương đủ sức hấp dẫn du khách; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch kích cầu tại các quốc gia trên thế giới; chuyển giao các chương trình xúc tiến quảng bá trên quy mô toàn quốc và có sự vào cuộc của Bộ VHTTDL. TCDL, và truyền thông báo chí…; đề xuất TCDL sớm nghiên cứu gói hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các sản phẩm dịch vụ kinh tế đêm...
Theo bà Lê Thúy Hà - Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Flamingo: Flamingo đã đưa ra các chính sách nhanh kịp thời ổn định tâm lý khách hàng, có những khu villa biệt lập để khách sử dụng vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và đảm bảo an toàn, phù hợp cho các đối tượng khách gia đình, đơn vị có sự kiện nhỏ. Flamingo đồng hành cùng các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ có chương trình bảo lưu cho khách hàng sử dụng các dịch vụlên tới 1 năm, với giá tr��� không thay đổi. Trước tình hình khó khăn chung do dịch bệnh, bà Lê Thuý Hà cho rằng cần làm thế nào để được hỗ trợ vượt qua khó khăn của ngành Du lịch nói chung và ngành khách sạn nói riêng, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo nhân lực ngành một cách tối đa. Đề xuất giảm tiền điện, tiền thuê đất, để các khách sạn, cơ sở lưu trú duy trì ổn định nguồn nhân lực và đảm bảo cảnh quan môi trường để khi dịch lắng xuống có thể đón khách ngay.
Dưới góc độ của hàng không, bà Nguyễn Hồng Nga - đại diện Vietnam Airlines chia sẻ: Vietnam Airlines luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành để phát triển du lịch. Sau khi Covid-19 diễn ra lần thứ nhất được kiểm soát, Vietnam Airlines đã triển khai chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" do Bộ VHTTDL phát động, trong vòng 3 tháng mở 22 đường bay mới, tổ chức nhiều chươn trình kích cầu, kết quả đã có lượng khách nội địa tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp.
Dịch bệnh Covid-19 xảy ra lần thứ 2, Vietnam Airlines đã có kinh nghiệm xử lý nên nhanh chóng có chính sách với đại lý, khách lẻ trong hệ thống, cho phép đổi vé, đổi hành trình tùy từng loại vé. Công ty cho phép cọc được bảo lưu đến hết tháng 6/2021; với vé hoàn cũng đưa ra voucher để mua cho các đoàn khách mới,
Bà Nga mong muốn Vietnam Airlines sẽ cùng các DN du lịch trao đổi để tháo gỡ tìm phương án tốt nhất trong quá trình xử lý; đồng thời, đề nghị truyền thông để khách hàng yên tâm, không ồ ạt đi hoàn vé. Điều này tốt cho cả lữ hành và khách sạn. Nếu TCDL truyền thông mạnh sẽ tạo được sức mạnh, gây ảnh hưởng lớn.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 lần hai được kiểm soát, Vietnam Airlines sẽ có kịch bản kích cầu lần 2, vì vậy cần định hướng của TCDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam để Vietnam Airlines xây dựng nhiều kịch bản kích cầu du lịch đến năm 2021.
Ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air cảm ơn TCDL tổ chức Hội nghị rất đúng thời điểm, kịp thời đưa các giải pháp tháo gỡ trước tình hình khó khăn của hoạt động du lịch nói chung, các hãng hàng không nói riêng.
Theo ông Phương, ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn kéo dài, để khôi phục hoạt động, hàng không cần thời gian từ 3-5 năm. Ước tính, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay hàng không toàn cầu thiệt hại khoảng 800 tỷ USD. Dự báo, năm 2021 tiếp tục khó khăn.
Vietjet Air đã rất nhanh chóng sau khi giãn cách xã hội được tháo bỏ, hàng không nội địa của hãng đã vượt năm 2019 khoảng 30%. Có ngày gấp 1,5 lần so với thời điểm tết, cho thấy khối lượng nhu cầu nội địa lớn, bùng nổ khi dịch được khống chế. Với đà tăng trưởng đó, hãng hy vọng 6 tháng cuối năm 2020 sẽ bứt phá nhưng khi dịch Covid -19 bùng phát lần 2 thì ngay trong tuần đầu tiên Vietjet Air đã sụt giảm 70%.
“Với sự nỗ lực của Chính phủ, của toàn hệ thống chính trị, hy vọng dịch nhanh chóng được khống chế; đồng thời, để sẵn sàng khi các điều kiện được đáp ứng, Vietjet Air đã xây dựng kế hoạch theo hướng tăng dần đều trong thời gian tới", ông Phương cho biết.
Về việc hỗ trợ các hãng lữ hành hoàn, hủy chuyến, Vietjet Air đảm bảo quyền lợi cho các hãng lữ hành bảo lưu trong 180 ngày và nghiên cứu để thời gian dài hơn, tạo thuận lợi cho DN lữ hành hoạt động.
Ông Phương kiến nghị Chính phủ cần có gói hỗ trợ cho hàng không, lữ hành. “Trên thế giới tất cả quốc gia có quy mô du lịch, hàng không lớn thì gói hỗ trợ càng lớn, vì đây là lực lượng rất quan trọng để thúc đẩy hồi phục du lịch nhanh sau đại dịch", ông Phương nói.
Liên quan tới cộng đồng doanh nghiệp du lịch, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, số lượng doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ là rất lớn, trước khó khăn về dịch bệnh bùng phát trở lại, vấn đề quan trọng là làm thế nào để hỗ trợ cho số lượng lớn doanh nghiệp này không bị "chết" trước khi chúng ta có thể kiểm soát được dịch và phục hồi lại lần nữa. Lữ hành chỉ là đầu mối, không thể thanh toán hết cho khách hàng, mà cần phụ thuộc vào các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Chỉ một số doanh nghiệp lớn có khả năng thanh toán lại cho khách hàng, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và các khách sạn hiện nay không có khả năng và không còn nguồn tiền, buộc phải rao bán hoặc chuyển nhượng. Qua đợt kích cầu vừa rồi các doanh nghiệp, khách sạn đã giảm giá dịch vụ kịch liệt, bản thân khách hàng cũng được hưởng lợi, nhưng mới chỉ đủ khởi động và nuôi dưỡng lại bộ máy, chứ doanh nghiệp du lịch chưa kịp thu được lợi nhuận sau đợt kích cầu vừa rồi. Do đó, cần có sự chia sẻ sự chịu đựng cho cả 2 phía, cả người đi du lịch và người làm du lịch.
Theo ông Vũ Thế Bình, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là liên quan đến vấn đề tài chính. Để giải quyết khó khăn này trong khi chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ giảm thuế, giảm lãi suất, cho vay lãi suất thấp... của nhà nước, trước mắt đề xuất cần đấu tranh quyết liệt về giảm tiền điện, nước, thuê đất... cho doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch có nhu cầu vay vốn cần giải trình rõ nguyên nhân vay, từ đó sẽ lập danh sách kiến nghị với Chính phủ, với ngân hàng nhà nước cho vay với lãi suất thấp để hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ giữa các doanh nghiệp du lịch với nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn; tăng cường truyền thông cho khách du lịch để; các doanh nghiệp lữ hành cần cam kết rõ ràng thời gian hoàn, hủy, đảm bảo lợi ích cho khách...
Ông Tán Văn Vương - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện nay doanh nghiệp Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Đà Nẵng đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ thuế đất cho các khách sạn, cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng để tháo gỡ bớt khó khăn; kiến nghị trung ương giảm phí đường bộ cho các doanh nghiệp vận chuyển; kiến nghị hàng không giảm bớt thời gian hoàn trả kinhphí vé cho các hãng lữ hành và khách lẻ. Các doanh nghiệp cùng chia sẻ và hỗ trợ nhau vượt qua đại dịch này. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng mong muốn TCDL sớm có định hướng chính chính sách đầu tư hình thành các sản phẩm mới trong đó có kinh tế ban đêm để chuẩn bị các điều kiện sớm phục hồi sau dịch.
Từ điểm cầu Quảng Ninh, Ông Phạm Ngọc Thuỷ - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh chia sẻ tới Hội nghị các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, như rà soát các hoạt động DL, tạm dừng các điểm tham quan, khuyến cáo doanh nghiệp lữ hành đảm bảo an toàn không đón khách các vùng dịch; khai báo y tế bắt buộc... Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều khách sạn và doanh nghiệp lữ hành đã tạm dừng hoạt động kinh doanh. Do vậy, Quảng Ninh đề nghị Chính phủ tạo điều kiện các doanh nghiệp được hưởng chính sách tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị quyết 42/NQ-CP: gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ tiền điện, nước, vay vốn, giảm lãi suất, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong ngành Du lịch... Các hãng hàng không quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hoãn hoặc hủy chuyến.
Cập nhật về tình hình du lịch Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Trần Trung Hiếu cho biết, theo thống kê nhanh trên địa bàn thành phố Hà Nội từ ngày 28/7 - 6/8/2020, đã có có 32.907 khách hủy tour nội địa. Hà Nội đã có 764 cơ sở trên địa bàn tạm dừng hoạt động. Công suất phòng tại các khách sạn từ 3 sao đến 5 sao chỉ đạt khoảng 18%, tính chung toàn khối khách sạt đạt khoảng 12%. Về tình hình khách tại một số điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố giảm mạnh đến khoảng 75-80% khách từ khi dịch bùng phát. Có khoảng 28.199 lao động tạm thời nghỉ việc.
Trước những khó khăn trên, Sở Du lịch Hà Nội đề nghị TCDL báo cáo Bộ VHTTDL tiếp tục có ý kiến với Bộ Công Thương xem xét quyết định ban hành chính thức biểu giá điện đối v��i các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, từ mức giá kinh doanh xuống bằng mức giá sản xuất; đề nghị TCDL có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước xem xét có gói hỗtrợ tín dụng các đơn vị, doanh nghiệp có ảnh hưởng nghiêm trọng được vay lãi suất ưu đãi bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để hoạt động kinh doanh du lịch; nộp tiền thuê đất khi đến hạn, hoặc không được gia hạn. Xem xét kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong du lịch như giãn thuế, giãn thời hạn thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép doanh nghiệp chậm nộp thuế… TCDL cùng các Sở Du lịch, Sở VHTTDL: tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin quản lý; thường xuyên đánh giá tình hình, dự báo, tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền các giải pháp, biện pháp xử lý ngắn hạn và dài hạn. Chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thực hiện kết nối cùng với Hiệp hội du lịch, câu lạc bộ du lịch trên địa bàn đại diện vận động các đơn vị cung ứng dịch vụ (khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, điểm đến, vé máy bay, ...) chia sẻ tổn thất và thiệt hại, giải quyết hài hòa quyền lợi huỷ, hoãn, hoàn tiền với các doanh nghiệp lữ hành, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thanh toán với khách hàng.
Bà Võ Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM nêu những khó khăn của DN du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, theo đó khối doanh nghiệp lữ hành 90% tạm dừng hoạt động, 10% làm ở nhà hoặc trực tuyến, hầu như các doanh nghiệp cho nhân viên tạm nghỉ việc không lương; các khách sạn cũng cho nhân viên nghỉ lên tới 80 - 90%. Các doanh nghiệp rất quan tâm đến các chính sách tín dụng để vay vốn chi trả lương cho nhân viên nhưng rất khó tiếp cận nguồn vốn vay. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh kiến nghị TCDL cần triển khai giải pháp kích cầu du lịch với các sản phẩm đa dạng sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh; liên kết kích cầu du lịch; thực hiện chiến dịch truyền thông xuyên suốt điểm đến an toàn thống nhất trong cả nước đa chiều, đa hình thức...; hỗ trợ doanh nghiệp tái hoạt động, có sự chia sẻ của các hãng hàng không; tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay lại tiền ký quỹ của doanh nghiệp để có thể sử dụng tiền đó trả lương nhân viên, trả nợ doanh nghiệp...; tiếp tục kiến nghị giảm thuế phí, bảo hiểm, điện… cho doanh nghiệp; tái đào tạo nguồn nhân lực du lịch; triển khai đào tạo tiếng Hàn miễn phí để giải quyết khoa khăn thiếu hướng dẫn viên tiếng Hàn của TP. Hồ Chí Minh.
Liên quan tới tình hình Du lịch Quảng Nam, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhận định, ngành Du lịch Quảng Nam bị kiệt quệ trước việc tái phát dịch Covid-19 lần 2. Vì vậy, đề nghị đơn giản hoá cách tiếp cận gói cứu trợ 62 nghìn tỉ của Chính phủ, kéo dài gói cứu trợ này xa hơn đến cuối năm để Quảng Nam có thể tiếp cận. Điều quan trọng hiện nay là có thể "nuôi sống" bộ máy và nhân viên, kiến nghị với ngân hàng cho vay không lãi suất để trả lương nhân viên...
Chia sẻ với các DN, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về hàng không, Phó Cục trưởng Cục HKVN Võ Huy Cường cho hay, các DN hàng không cũng rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch, mặc dù đã được giảm một chút thuế tiêu dùng trong các chuyến bay nội địa, nhưng tình hình các DN hàng không vẫn rất cần được vay lãi suất thấp để vượt qua giai đoạn này.
Theo ông Cường, trong bối cảnh đại dịch, vấn đề quan trọng nhất là tạo dựng niềm tin với khách hàng.
“Thời gian qua, vận tải hàng không luôn đảm bảo an toàn, không có trường hợp nào lây nhiễm chéo, từ phục vụ mặt đất đến tiếp viên, phi hành đoàn”, ông Cường nói.
Hàng không và Du lịch luôn song hành với nhau, nếu không có du lịch hàng không không thể duy trì được, ngược lại Du lịch cũng vậy.
“Phải khẳng định lòng tin với khách hàng, hiện nay nhiều thông tin không chính xác trên mạng xã hội cho rằng không đi tour phải đòi lại tiền…, như vậy rất không ổn. Phải có cái nhìn xa hơn mới phát triển tốt, giống như hoạt động ngân hàng, hễ xuất hiện thông tin xấu khách hàng không cần biết đúng sai ùn ùn đi rút tiền là đổ vỡ hệ thống. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có sự chia sẻ, nếu kích cầu trong khi địa phương cấm đường thì kích đến mấy cũng không có tác dụng”, ông Cường nhấn mạnh.
17h20:
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh kết luận Hội nghị:
Tổng cục trưởng đánh giá cao tinh thần khẩn trương, trách nhiệm của các điểm cầu, các Sở, hiệp hội, DN…, với 20 ý kiến phát biểu, tập trung vào vấn đề chính, ngoài ra còn có những đề xuất hữu hiệu với TCDL để tham mưu Bộ VHTTDL trình Chính phủ nhằm sớm giúp DN vượt qua sóng gió do ảnh hưởng của đại dịch.
Tổng cục trưởng nhận định, Covid -19 tác động lớn đến du lịch, hàng không và nhiều lĩnh vực khác của đất nước, nhưng so với đợt dịch lần 1, tín hiệu rất đáng mừng lần này là ngành Du lịch đã chủ động đối phó dịch, có kịch bản phục hồi.
“Về vấn đề hoàn, hủy, đổi tour, DN lữ hành gặp vô vàn khó khăn do là đơn vị trung gian; các DN đã tích cực, đặc biệt là Hàng không đã chia sẻ khó khăn giảm áp lực cho các DN lữ hành, các tập đoàn đầu tư, khách sạn, cơ sở lưu trú… tạo điều kiện tốt nhất cho du khách là những điểm đáng mừng, sự đoàn kết để cùng nhau vượt qua khó khăn là căn bản của DLVN để sau dịch phục hồi trở lại.
Về cơ chế chính sách hỗ trợ phục hồi du lịch: qua trao đổi với các địa phương, DN, TCDL đã tham mưu Bộ VHTTDL ban hành công văn 1399, 1156 tập trung các kiến nghị đề xuất tháo gỡ khó khăn cho DN từ tháng 3/2020, tuy nhiên các ưu đãi cho DN hầu như chưa đạt được, đơn cử như giảm tiền điện cho các khách sạn…”, Tổng cục trưởng nói.
“TCDL sẽ tiếp tục tham mưu với Bộ VHTTDL để đề xuất với Chính phủ các giải pháp, đây là việc không dễ và cần có thời gian vì trong bối cảnh dịch có nhiều lĩnh vực cũng đang bị ảnh hưởng nặng. Về phương án phục hồi thời điểm sau dịch, nhiều ý kiến tích cực được đưa ra như chương trình kích cầu giai đoạn 2, TCDL đã bàn nội dung này và có kế hoạch triển khai cụ thể nhưng dịch bất ngờ bùng phát nên tạm dừng”, Tổng cục trưởng cho biết.
“Các DN cần tiếp tục nghiên cứu tìm tòi để hoàn thiện và làm mới mình để đáp ứng khách hàng tốt hơn.
Về phương án kích cầu giai đoạn 2, tiếp tục hoàn chỉnh để khi phát động các địa phương cùng hưởng ứng, tạo thành chương trình tổng hợp.
Trước mắt, ưu tiên số 1 là Sở quản lý DL các địa phương, nhất là các nơi chưa có dịch cần tiếp tục theo dõi tình hình dịch, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, du khách.
Thứ 2, các Sở quản lý, các DN hàng không, vận chuyển, lưu trú cần bắt tay giải quyết vấn đề trước mắt như hoãn hủy tour, cần có sự chung tay chia sẻ vì mục tiêu lâu dài, phát huy ưu thế của ngành kinh tế tổng hợp.
Các hiệp hội địa phương vận động các DN chung tay xử lý, giải quyết các sự cố phát sinh thời gian qua, các hãng hàng không có chính sách linh hoạt, không phạt, xem xét hoàn tiền cho các DN lữ hành; DN lữ hành cần thuyết phục khách hàng cảm thông, chia sẻ.
Thời gian tới, tiếp tục thực hiện vừa chống dịch hiệu quả, vừa chuẩn bị các kịch bản đón khách quốc tế khi đủ điều kiện.
TCDL đề xuất Bộ VHTTDL triển khai các biện pháp hỗ trợ cho DN, trong đó tập trung chính sách tạo điều kiện cho DN vay ưu đãi, gia hạn thuế VAT, thuế TNDN, tiền thuê đất…, giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú”, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Nhóm PV (thực hiện)