*PV: Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 5 tháng đầu năm 2009, Du lịch Việt Nam (DLVN) đã đón 1,625 triệu lượt khách quốc tế, giảm 18,8%; 9,6 triệu lượt khách nội địa, tăng 12,3%; thu nhập xã hội về du lịch đạt 27,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2008. Như vậy, lượng khách quốc tế giảm nhưng thu nhập vẫn tăng. Ông đánh giá như thế nào về những con số này?
*PGS.TS Phạm Trung Lương: Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, những con số thống kê nêu trên là tín hiệu đáng mừng, thể hiện tính hiệu quả của những giải pháp, kế hoạch hành động cụ thể của Ngành đặt ra ngay từ đầu năm 2009 nhằm chặn đà suy giảm khách du lịch quốc tế và thúc đẩy mạnh du lịch nội địa. Mặt khác, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tăng còn thể hiện, Du lịch Việt Nam đang đi đúng hướng mà Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đã xác định: phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả.
*PV: Trong bối cảnh khó khăn nhưng lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng, theo ông vì sao lại như vậy?
*PGS.TS Phạm Trung Lương: Theo tôi, có một số lý do giải thích cho việc tăng trưởng 12,3% khách du lịch nội địa trong 5 tháng đầu năm 2009. Thứ nhất là việc ra đời thêm nhiều loại hình du lịch cũng như các điểm du lịch mới. Điều đó đã tạo ra sức hút lớn đối với thị trường khách du lịch nội địa. Thứ hai là các giải pháp trong gói kích cầu du lịch mà Ngành đang thực hiện đã dẫn tới việc giảm giá nhiều loại hình du lịch dịch vụ, khiến cho nhiều người dân có điều kiện đi du lịch hơn. Thứ ba, những tháng đầu năm thường là thời gian tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống ở nhiều địa phương. Trong khi nhu cầu hành hương, tham gia vào các lễ hội văn hóa của người dân thường là rất cao, đặc biệt đối với những điểm du lịch tâm linh mới như Bái Đính (Ninh Bình), Đại Nam (Bình Dương) hay sự kiện chiêm bái Phật Ngọc tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh) đã thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong khoảng thời gian ngắn.
*PV: Có ý kiến cho rằng đã đến lúc DLVN nên chuyển trọng tâm sang phát triển về “chất”, có nghĩa là phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để mang lại hiệu quả lớn hơn chứ không nên quá chú trọng vào số lượng khách đến. Theo ông ý kiến này có phù hợp với giai đoạn phát triển của DLVN hiện nay?
*PGS.TS Phạm Trung Lương: Thực tế là DLVN đi sau các nước trong quá trình phát triển ngành kinh tế du lịch. Vấn đề đặt ra là chúng ta rút ra được bài học gì từ kinh nghiệm của các nước trong cùng khu vực và trên thế giới. Theo tôi, đó chính là làm sao đem lại hiệu quả lớn nhất về mặt kinh tế - xã hội từ hoạt động du lịch trong khi phải đảm bảo phát triển bền vững. Theo cá nhân tôi, số lượng khách đến không nên coi là mục tiêu chủ yếu mà chỉ xem xét là số liệu để tham khảo. Với chức năng là cơ quan nghiên cứu phát triển Ngành, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Ngành về định hướng phát triển như ý kiến nêu trên từ khá lâu. Tuy nhiên, cũng phải chia sẻ với các nhà quản lý ở chỗ, trong giai đoạn đầu của phát triển thì việc tạo ra sức hút với một số lượng khách lớn ở một điểm đến, đặc biệt đối với khách du lịch quốc tế để từ đó quảng bá hình ảnh là rất quan trọng. Nếu chúng ta quan tâm việc đảm bảo chất lượng song song với việc thu hút khách ngay từ giai đoạn đầu thì ngành Du lịch sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn so với hiện nay.
*PV: Theo ông, để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện nay, ngoài yếu tố về nguồn nhân lực, chúng ta cần quan tâm đến vấn đề gì?
*PGS.TS Phạm Trung Lương: Đó là vấn đề nâng cao nhận thức xã hội, trong đó có nhận thức của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tôi lấy ví dụ về khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình). Nếu nhận thức của chính quyền địa phương về phát triển du lịch cao hơn thì người ta đã không cho phép xây nhà máy xi măng ngay gần đó. Rõ ràng, hoạt động của nhà máy xi măng có những tác động không nhỏ tới cảnh quan, chất lượng môi trường của khu du lịch. Tiếp đó là nhận thức của cộng đồng cư dân tại các khu, điểm du lịch. Sự đeo bám, chèo kéo khách để bán hàng hoặc lừa đảo khách đã gây ra sự phản cảm trong du khách, dẫn tới hình ảnh của khu, điểm du lịch mất đi sức hấp dẫn vốn có và cần phải có.
*PV: Như vậy điểm mấu chốt nằm ở mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, giữa phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác. Để giải quyết được mâu thuẫn này, ngành Du lịch cần phải làm những gì?
*PGS.TS Phạm Trung Lương: Phải nói ngay là không bao giờ chúng ta có thể giải quyết gốc rễ của sự mâu thuẫn. Bởi trong quá trình phát triển ở bất cứ đâu, bất cứ quốc gia nào chứ không riêng gì hoạt động du lịch đều có mâu thuẫn. Vấn đề ở chỗ chúng ta làm thế nào để cân bằng mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình phát triển. Trong từng giai đoạn, từng địa điểm và mục tiêu phát triển của từng lãnh thổ cụ thể thì đặt “bảo tồn” cao hơn “phát triển” hoặc ngược lại. Ví dụ đối với các nước phát triển, nếu ở tầm vĩ mô họ sẽ coi trọng yếu tố “bảo tồn” hơn so với mục tiêu “phát triển” và ngược lại đối với những nước đang hoặc kém phát triển. Nhưng điều đó không có nghĩa là đối với các quốc gia nghèo như Việt Nam, chúng ta phát triển bằng mọi giá. Trên thực tế hiện nay, ngành Du lịch không trực tiếp quản lý bất kỳ một dạng tài nguyên nào phục vụ cho hoạt động du lịch mà do các ngành, địa phương, thậm chí là các thành phần kinh tế quản lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Do vậy, để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển thì vài trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng trong việc tổ chức, khai thác lãnh thổ sao cho hiệu quả nhưng phải đảm bảo bền vững.
*PV: Dự báo của ông về tình hình DLVN những tháng cuối năm 2009?
*PGS.TS Phạm Trung Lương: Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, chắc chắn thị phần khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng sẽ giảm sút. Đối với khách thương gia hoặc loại hình du lịch MICE sẽ vẫn duy trì ổn định. Kinh nghiệm qua một số lần khủng hoảng trước đó cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, nếu chúng ta tập trung nguồn lực khai thác tốt thị trường khách du lịch nội địa thì DLVN sẽ vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay.
*PV: Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Trung Lương
HẢI DƯƠNG thực hiện