Du lịch Tây Bắc độc đáo
Tuyến du lịch Tây Bắc xuất phát từ Hà Nội, với hành trình dọc hai bên sông Đà chưa đầy 1.200km qua quốc lộ số 6, 279, 12, 4D, 70 và qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ rồi trở về Hà Nội. Hành trình dài lên Tây Bắc đưa du khách qua nhiều địa danh nổi tiếng: suối khóang Kim Bôi, bản mường Mai Châu, thảo nguyên Mộc Châu, bảo tàng Sơn La, thủy điện Sơn La, Điện Biên Phủ, mái nhà Đông Dương – Phanxipăng, Sapa, thác Bà, đền Hùng… Nhiều loại hình du lịch được kết hợp như: cảnh quan sinh thái, bản sắc văn hóa, tâm linh cội nguồn, thể thao, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, mạo hiểm, MICE…
Đã có nhiều du khách quốc tế nhận xét: “Tây Bắc hùng vĩ có một nền văn hóa độc đáo đầy đam mê, đó là bản sắc dân tộc, những ca khúc, những vũ điệu và những sản phẩm thủ công của của đồng bào các dân tộc… Những hình ảnh đẹp đến ngỡ ngàng, những ngọn núi cao chót vót in hình xuống những cánh đồng xanh thẳm và những con suối uốn luợn trải dài vô tận…”.
Những khó khăn, thách thức và bất cập
Khó khăn thách thức nhất đối với tuyến du lịch Tây Bắc trước hết là giao thông ở Tây Bắc tới nay vẫn chủ yếu là đường bộ với những đoạn đường đèo dốc quanh co, hiểm trở đến mức hồi hộp, lo âu; đặc biệt là về mùa mưa, tình trạng ách tắc, sạt lở đường xảy ra không ít.
Ngoài ra, thông tin cần thiết về tuyến du lịch Tây Bắc cho du khách trong và ngoài nước còn rất thiếu. Chưa có hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác cho cả tuyến để giới thiệu, quảng bá, thu hút có hiệu quả; tính chuyên nghiệp của lao động trong các đơn vị làm du lịch còn khá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; sự phối hợp liên ngành và liên kết các địa phương vùng Tây Bắc chưa đạt hiệu quả, hoạt động du lịch rất dễ rơi vào tình trạng “đơn thương độc mã”. Sự hợp tác phát triển du lịch của ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai trong mấy năm qua thật đáng quý. Nhưng đó mới là 1/3 của tuyến Tây Bắc, làm thế nào để tất cả các tỉnh ven sông Đà – Tây Bắc làm được như vậy?
Hoạt động của các doanh nghiệp Du lịch Công đoàn vùng Tây Bắc
Trên tuyến du lịch Tây Bắc đã có 6 doanh nghiệp Công đoàn hoạt động tại Kim Bôi (Hòa Bình), Mộc Châu, TP. Sơn La (Sơn La), TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên), Sapa (Lào Cai), Thác Bà (Yên Bái). Trong đó có 5/6 đơn vị xuất phát điểm từ nhà nghỉ Công đoàn có chức năng phục vụ cho sự nghiệp nghỉ dưỡng, tham quan của đoàn viên công đoàn. Vì vậy, cơ sở vật chất gồm cả vị trí, địa điểm chủ yếu đầu tư từ thời bao cấp, không tránh khỏi lạc hậu với cơ chế thị trường. Quy mô cơ sở lưu trú trung bình là 60 phòng, xếp hạng từ 1 đến 2 sao; mỗi năm phục vụ khoảng 20 nghìn lượt khách du lịch trong đó khoảng 15% là khách quốc tế. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động các địa phương, các đơn vị du lịch Công đoàn ở Tây Bắc đã nhanh chóng chuyển đổi cơ chế chuyển sang hạch toán kinh doanh hội nhập và phát triển. Tới cuối năm 2008, có 5 đơn vị là công ty TNHH Nhà nước một thành viên và 01 đơn vị là DNNN. Tới thời điểm này, các đơn vị đang thực hiện chủ trương của Nhà nước và Tổng Liên đoàn: cổ phần hóa doanh nghiệp, trong đó có 01 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa rộng rãi.
Trong những năm gần đây, các đơn vị Du lịch Công đoàn Tây Bắc đã liên kết với nhau trong Câu lạc bộ Du lịch Công đoàn cụm Tây Bắc thuộc Hiệp hội Văn hóa – Du lịch Công đoàn Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong thông tin quảng bá tiếp thị, trao đổi nghề nghiệp, kinh nghiệm… Góp phần cùng các đồng nghiệp ở mọi thành phần kinh tế xây dựng và phát triển tuyến du lịch Tây Bắc. Hầu hết cán bộ đoàn viên công đoàn cả nước có dịp du lịch Tây Bắc đều được phục vụ tận tình chu đáo ở các đơn vị thành viên của Câu lạc bộ. Ở một số điểm du lịch trong tuyến các doanh nghiệp Du lịch Công đoàn đã vươn lên ngang bằng với các doanh nghiệp khác của địa phương. Có những đơn vị đã dẫn đầu về thu hút khách quốc tế trên địa bàn, được nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước như Huân chương Lao động, được tặng thưởng Cúp vàng Thương hiệu Việt, giải thưởng Chất lượng quốc gia… Ngoài mục tiêu giải quyết việc làm, bảo tồn vốn, nộp ngân sách nhà nước, các đơn vị du lịch Công đoàn Tây Bắc đã đóng góp xứng đáng vào việc hình thành, xây dựng và phát triển tuyến du lịch Tây Bắc và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi.
Một số đề xuất kiến nghị
Muốn phát triển du lịch trên mảnh đất đầy tiềm năng Tây Bắc, một số điều thật sự cần thiết và cấp bách đặt ra hiện nay là:
Thống nhất đánh giá và xây dựng quy hoạch phát triển tuyến du lịch Tây Bắc; đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, đặc biệt về giao thông, thông tin, dịch vụ thanh toán; đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Các doanh nghiệp Du lịch Công đoàn vùng Tây Bắc nhìn chung quy mô còn quá nhỏ; cơ chế quản lý còn nhiều bất cập. Với đặc điểm địa lý, văn hóa, lịch sử kinh tế - xã hội riêng của vùng Tây Bắc thì không nên áp dụng cách làm đơn lẻ từng doanh nghiệp như hiện nay. Nên chăng thành lập mô hình một Công ty Du lịch Công đoàn Tây Bắc với các thành viên ở các địa phương trên tuyến?
Để có một tuyến du lịch Tây Bắc khai thác được thế mạnh tiềm năng, thu hút hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, thực sự góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc phải có được sự thống nhất ý chí và hành động của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng; chiến lược xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; bảo vệ và khai thác cảnh quan thiên nhiên; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, các làng nghề thủ công truyền thống, các lễ hội dân gian, các sinh hoạt cộng đồng ấn tượng.
Hy vọng, tương lai không xa tuyến du lịch Tây Bắc sẽ thu hút khách du lịch nhiều gấp bội. Nhân dân các dân tộc ở Tây Bắc sẽ không còn đói nghèo nhờ sự phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch dựa trên tiềm năng, sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất này./.
VŨ TIẾN QUÂN