(Tạp chí Du lịch) - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về nhựa (NPAP), Viện Goethe và các đối tác tổ chức Triển lãm truyền thông “Sông kể chuyện nhựa” ngày 15/2, tại Hà Nội.
Triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương và nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng cũng như trình chiếu các đoạn phim ngắn lồng ghép những thông điệp về giảm thiểu rác thải nhựa. Triển lãm giúp người xem có được cái nhìn tổng thể hơn về hiện trạng rác thải nhựa tại Việt Nam để cùng nỗ lực hành động vì môi trường tốt đẹp.
Đây là một trong chuỗi các hoạt động được triển khai của chiến dịch truyền thông “Chung tay giảm thiểu chất thải nhựa” trong khuôn khổ dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” (Rethinking Plastics) do Liên minh Châu Âu (EU) và Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác Đức (GIZ) và Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội thực hiện dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi ni lông dùng một lần tại Việt Nam” với sự tham gia của 16 siêu thị, nhà bán lẻ.
Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 15/2-15/3/2022 tại Viện Goethe, 56-58-60 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Ô nhiễm chất thải nhựa là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo năm 2018 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% lượng rác thải nhựa trên thế giới thải ra bãi rác bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, thì đến năm 2050 trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường, gây ra "ô nhiễm trắng" đối với môi trường toàn cầu.
|
PV