Điểm đến hấp dẫn bốn mùa
Khu thị trấn Tam Đảo được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực, khu vui chơi, giải trí, tham quan… với các phong cách thiết kế đặc sắc, riêng biệt dành cho những du khách thích tận hưởng nghỉ dưỡng. Nhà thờ đá, khu cầu mây, tháp truyền hình… được đầu tư thu hút du khách tới check-in. Khu trung tâm thương mại, ẩm thực, công viên, quảng trường dạo chơi khá quy mô kết hợp cảnh quan xanh mát, mộng mơ bốn mùa.
Thị trấn Tam Đảo còn khá nhộn nhịp bởi khu chợ chuyên đặc sản địa phương, những sản vật được bàn tay các nghệ nhân nhào nặn thành "tác phẩm" độc đáo, tiện ích như túi, nón bằng mây tre đan, chuông gió, tranh vải, đồ trang trí…
Địa hình núi non hùng vĩ, nên thơ của Tam Đảo đã khiến nhiều nhà đầu tư hướng đến việc hình thành các sản phẩm du lịch mạo hiểm trên thế tận dụng cảnh quan như xây dựng các bungalow men theo sườn núi, tạo ra các môn thể thao, du lịch giải trí: khinh khí cầu, đạp xe…
Với những du khách thích khám phá, có thể đến Vườn quốc gia Tam Đảo, suối Rùng Rình, hồ Xạ Hương, làng Hà… Khu Tam Đảo 2 cũng đang được triển khai với quy mô hệ thống vui chơi giải trí công nghệ cao hàng đầu thế giới, các khu du lịch tâm linh, công viên, vườn thực vật… sẽ tạo nhiều hấp dẫn cho du khách.
Không chỉ chú trọng đầu tư, bảo vệ khu sinh thái Vườn quốc gia Tam Đảo, các điểm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng… mà Tam Đảo còn hướng đến phát triển Khu di tích lịch sử danh thắng Tây Thiên - di tích đặc biệt cấp quốc gia nhằm tạo ra sản phẩm du lịch tâm linh độc đáo.
Bên cạnh đó, hàng loạt các di tích được bảo tồn, tôn tạo và khôi phục tạo thành quần thể tâm linh như đền Cả, Mẫu Sinh, Mẫu Hóa, đền Cô, đền Cậu, Cô Chín, Quốc Mẫu Tây Tiên… Nơi đây, được nhắc đến là vùng đất linh thiêng “Đến với Phật, về với Mẫu”, gắn với nhiều truyền thuyết huyền bí khiến hàng vạn du khách thập phương đổ về đây hàng năm để được chiêm bái, ngắm cảnh, cầu mong hạnh phúc.
Lễ hội Tây Thiên cùng với tục dâng bánh chưng, bánh giầy lên Quốc Mẫu đã được bà con người Kinh, Sán Dìu gìn giữ. Nhiều sản vật, ẩm thực, trò chơi dân gian… cũng là nét văn hóa độc đáo thu hút du khách.
Xây dựng Khu Du lịch quốc gia Tam Đảo trở thành khu du lịch mang tầm quốc tế
Tam Đảo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Khu du lịch quốc gia là cơ hội để tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đầu tư phát triển vào các lĩnh vực dịch vụ du lịch, góp phần quan trọng để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khu du lịch quốc gia Tam Đảo có diện tích 10.723 ha, gồm: phân khu dịch vụ hành chính của Vườn Quốc gia Tam Đảo trên địa bàn huyện Tam Đảo là 5.399 ha; khu vực chân núi Tam Đảo 4.561,5 ha; khu di tích và danh thắng Tây Thiên 477,6 ha và khu du lịch Tam Đảo 284,9 ha.
Ranh giới Khu du lịch quốc gia Tam Đảo được xác định như phía Đông Bắc và phía Đông giáp Vườn quốc gia Tam Đảo thuộc địa phận huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Thái Nguyên; phía Đông Nam giáp Trường bắn Cam Lâm và đất rừng xã Minh Quang, huyện Tam Đảo; phía Nam giáp đất lúa xã Minh Quang, huyện Tam Đảo; phía Tây giáp tỉnh lộ 302 đoạn qua thị trấn Hợp Châu, xã Hồ Sơn và xã Tam Quan, huyện Tam Đảo; phía Tây Bắc giáp đất rừng sản xuất các xã Bồ Lý, Yên Dương, huyện Tam Đảo và huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Việc Khu du lịch Tam Đảo được công nhận là Khu du lịch quốc gia là cơ hội để tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc về văn hóa cũng như giải trí, đồng thời thu hút đầu tư phát triển vào các lĩnh vực dịch vụ du lịch, góp phần quan trọng để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Trong chiến lược phát triển du lịch, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 một cách bài bản, trong đó, định hướng cụ thể phát triển các loại hình du lịch đang là thế mạnh của Tam Đảo – Tây Thiên như du lịch sinh thái rừng, nghỉ dưỡng chữa bệnh, mạo hiểm, thám hiểm khám phá Vườn quốc gia Tam Đảo.
Huyện Tam Đảo luôn chú trọng, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm đặc trưng.
Tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, hiện nay, toàn bộ điện chiếu sáng công cộng đã được hoàn thiện; hai bên đường tới khu du lịch được trồng nhiều cây xanh, trang trí hoa bốn mùa, tạo ấn tượng đẹp cho du khách.
Đặc biệt, với công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, Tam Đảo, Tây Thiên không còn hiện tượng ăn xin, ăn mày, đeo bám khách, tình trạng “chặt chém”; các hộ kinh doanh tuân thủ bán hàng theo giá niêm yết; các khu du lịch thương mại, dịch vụ ẩm thực ăn uống được bố trí phù hợp theo quy hoạch, từ đó nâng cao ý thức phục vụ, tạo hình ảnh văn minh du lịch. Đặc biệt, với việc kiên quyết, xử lý dứt điểm những điểm du lịch tự phát đã tạo cho du lịch Tam Đảo một môi trường sạch, thân thiện, an toàn.
Tam Đảo cũng làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ các khu di tích, điểm tham quan; tu sửa hệ thống những di tích lịch sử đã xuống cấp như đền Cô, đền Cậu, Quốc Mẫu Tây Thiên… trên cơ sở bảo tồn các yếu tố di tích gốc, không làm biến dạng và đảm bảo thẩm mỹ, chất lượng.
Quan tâm, bảo vệ môi trường du lịch, đặc biệt, tại các khu, điểm nghỉ dưỡng đã nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan, không còn hiện tượng khách du lịch xả rác bừa bãi, thực hiện tốt ứng xử văn minh theo Bộ quy tắc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
Lan Phương