Là một trong những nghệ nhân làng nghề đầu tiên của cả nước vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (năm 2011), nhưng rất hiếm khi Trần Nam Tước nhắc tới danh xưng này, mà anh coi mình chỉ là một người “dạo chơi với nghề” bằng niềm đam mê đích thực – niềm đam mê của chú bé chăn trâu, cắt cỏ ngày nào vì quá say mê với hình tượng của Kỳ lân, Sư tử, đã hì hụi tự đắp cho mình những con linh thú để cùng đám bạn vui chơi trong những đêm trăng rằm trên vùng quê lúa Kiến Xương (Thái Bình).
Những tháng ngày rong ruổi “dạo chơi với nghề” đã đưa Trần Tước lang thang điền dã khắp nẻo đường quê. Anh thấm từng câu chuyện kể của các bậc cao niên về phong tục, tập quán, tín ngưỡng ở mỗi vùng, miền, để rồi hình thành nên tinh thần tự tôn dân tộc, về bản sắc văn hóa truyền thống trên suốt chặng đường nghề hơn ba thập niên qua. Anh từng tâm sự “Người làm nghề ngoài cơm áo gạo tiền thì còn phải có ý thức, lòng tự tôn dân tộc. Điều quan trọng nhất, làm nghề phải làm sao để người ta nhìn ra dân tộc mình mà không lẫn với bất kỳ một nơi nào khác, cho dù lịch sử trải qua bao biến thiên, thăng trầm”.
Sau hơn ba mươi năm gắn với nghề, với linh thú, nay anh mới trình làng triển lãm bộ sản phẩm gốm Linh thú như lồi gửi gắm tri ân của “kẻ ngoại đạo đam mê nghề” tới những làng nghề truyền thống trên khắp cả nước, những đường nét người xưa, những bức tường phong hóa, những xóm làng nơi anh đã đi qua, những bậc thầy anh đã gặp trong chuỗi ngày phiêu bạt với bao đắng cay, ngọt bùi…
Triển lãm cũng là một dấu ấn trước khi anh ngừng việc kinh doanh để chuyên tâm cho sáng tạo nghệ thuật và đào tạo tay nghề trẻ kế cận.
Tại triển lãm, công chúng thấy Linh thú gắn liền với đời sống người Việt từ thuở khai sơn lập quốc. Thời Lý, Linh thú Kỳ lân, Sư tử như sự xiển dương những giá trị to lớn của Phật giáo, mà ngày nay tại chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh); chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội) cùng nhiều nơi khác vẫn đang hiện hữu. Triều Trần kế thừa, tiếp biến một cách linh hoạt. Giai đoạn đó, Nhà Trần phải 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông thì hình ảnh con Sấu xuất hiện, biểu trưng cho sự mưu trí trước âm mưu của thôn tính của kẻ thù. Rồi thời Hậu Lê hình ảnh con Nghê được tạo tác từ hình dáng của con linh khuyển, là con vật gần gũi với con người và cũng gắn liền với nhiều huyền tích trong tín ngưỡng dân gian. Đến thời Lê Trịnh; Trịnh Nguyễn, Linh thú lại là hình tượng của mây hóa Long, trúc hóa Long… Và đến triều Nguyễn thì Long mã xuất hiện…
Triển lãm được Trần Nam Tước sắp đặt khá đặc biệt. Người xem sẽ thấy phong cách rõ nét của một người thợ. Không gian, bố cục phá cách, độc đáo, khác xa với trình diễn sân khấu hoặc nghệ thuật sắp đặt bảo tàng.
Bước vào không gian thứ nhất với chủ đề “linh thú thời nay”, công chúng thấy tất cả đều liên quan đến con thú.
Không gian thứ 2 là không gian của câu chuyện, cũng bắt đầu từ linh thú nhưng có sự biến đổi, đầu tiên là tác phẩm “Người con của Rồng” do Trần Nam Tước thực hiện năm 2009 để chào mừng 1.000 năm Thăng Long (tác phẩm đạt giải Nhất) - đó là câu chuyện về Vua Lý Công Uẩn. Đặc biệt, anh mang đến triển lãm 3 quả trứng Rồng bằng chất liệu gốm, trong đó ẩn chứa những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc con Rồng, cháu Tiên, thông qua hình tượng Phù Đổng thiên vương, Tản viên sơn thánh, Chử Tiên đạo tổ, Lang Liêu, Mai An Tiêm…
Quả trứng Rồng thứ 2 nói lên tinh thần dân tộc qua các thời kỳ lịch sử. Thời Lý là bài thơ Nam quốc sơn hà được điêu khắc công phu, người xem nhìn vào thấy được những giai đoạn lịch sử của dân tộc. Sang triều Trần, tác phẩm khắc họa 2 nhân vật tiêu biểu là Phật hoàng Trần Nhân Tông và Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, trên đó viết bài Cư trần lạc đạo của cụ Trần Nhân Tông…
Cuối cùng là không gian mang tính chất thư phòng, giới thiệu những ngành nghề anh đã làm, đã trải qua, những nghề kiến trúc, xây dựng, đồng, sơn mài, giấy dó…
“Với mạch nguồn đó, ngày nay là hậu thế của các bậc tiền nhân, tôi luôn mong muốn cùng nhau gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của tổ tiên, dân tộc. Để văn hóa Việt Nam luôn sáng mãi trong tâm thức những người dân đất Việt và lan tỏa xa hơn đến bạn bè quốc tế”, Nghệ nhân Trần Nam Tước bày tỏ.
Viễn Nguyệt