Cơ hội cho sách Việt xuất ngoại
Lâu nay, nhìn vào thị trường sách Việt Nam không khó để nhận ra “cán cân” không cân bằng giữa sách nước ngoài được nhập vào Việt Nam và sách Việt Nam được xuất ra nước ngoài.
Mặc dù cũng là một Hội sách nhưng điểm đặc biệt ở Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam lần này độc giả có thể thấy sự xuất hiện của nhiều ấn phẩm nước ngoài hoặc sách trong nước được chuyển ngữ ra nước ngoài.
Trong lời phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã cho rằng: Ngành Xuất bản Việt Nam đã chủ động hơn trong việc trao đổi, hợp tác bản quyền với nước ngoài, từng bước tiếp cận với công nghệ xuất bản hiện đại của các nước. Tại Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam đã, đang và sẽ diễn ra các hoạt động trao đổi, giao dịch về bản quyền giữa các đơn vị xuất bản trong nước và nước ngoài.
Nhìn lại 5 lần tổ chức Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế, ông Trương Minh Tuấn nhận định: xuất bản Việt Nam đã từng bước tham gia vào thị trường xuất bản phẩm khu vực và quốc tế. Mỗi lần tổ chức sự kiện này, những người làm công tác xuất bản Việt Nam lại được đón bạn bè quốc tế đến tham gia ngày một nhiều, cho thấy thị trường xuất bản phẩm của Việt Nam có một tiềm năng, sự thu hút ngày một tăng đối với các nhà xuất bản, tổ chức phát hành nước ngoài.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của sách và Internet, xu thế đọc sách điện tử đã và đang có những bước tiến. “Sách điện tử của Việt Nam đang bắt đầu hình thành và phát triển mạnh, giới thiệu tới bạn đọc ngày càng nhiều xuất bản phẩm với phương án xuất bản linh hoạt và cập nhật hơn. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đã ký biên bản hợp tác với một số nước trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực xuất bản. Đồng thời, Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức như: Hiệp hội xuất bản Châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Xuất bản Asean và Tổ chức mã số sách tiêu chuẩn quốc tế ISBN. Điều đó cho thấy ngành Xuất bản Việt Nam đang từng bước hội nhập vững chắc trong quá trình phát triển”- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.
Các hoạt động sách “hướng ngoại”
Tại Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam 2017 sẽ có hơn 90 đơn vị trong và ngoài nước tham gia, trong đó có các nhà xuất bản lớn, uy tín của nước ngoài như Oxford, Macmillan, Express, John Wiley & Sons, Cengage, Pearson... Gần 40.000 tên sách với hàng vạn bản. Trong đó, có trên 7.500 tên sách ngoại văn với trên 20.000 bản.
Lần đầu tiên Trung tâm Văn hóa Nga có gian hàng tham dự Hội sách. Đại diện của gian hàng này cho biết, không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của văn học Nga tới văn học Việt Nam trong nhiều năm qua nên số đầu sách dịch từ Nga vào Việt Nam nhiều hơn so với con đường ngược lại. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, phát triển và giao lưu văn hóa thì các đầu sách Việt Nam được dịch tại Nga cũng có xu thế tăng lên.
Bên cạnh đó, hàng loạt các hoạt động giao lưu về sách tại Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam không chỉ hướng đến độc giả trong nước mà còn hướng đến độc giả nước ngoài.
Có thể thấy rõ ngay sau khi Lễ khai mạc kết thúc, đã diễn ra tọa đàm về cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là cuốn sách từng được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng văn học ASEAN. Đây cũng là cuốn sách đã được dịch sang tiếng Anh để đến với bạn đọc nước ngoài.
Song song với tọa đàm trên là tọa đàm “Những cánh thư nối vòng tay lớn” về cuốn sách tập hợp những lá thư đoạt giải nhất Việt Nam trong suốt 30 năm Việt Nam tham gia Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU. Những lá thư sau khi đạt giải nhất đã được dịch sang ngôn ngữ khác để dự thi quốc tế.
Bên cạnh đó, còn có các chương trình: Ra mắt sách Hành trình xa xứ - Giấc mơ khởi nghiệp, tọa đàm Trao đổi kinh nghiệm về bản quyền xuất bản, giao lưu “80 ngày ăn khắp thế giới”, tọa đàm Bí quyết giúp trẻ bứt phá tiếng Anh trong năm học mới, ký tặng Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới, giao lưu với nhà văn J. C. Michaels…
Những hoạt động về sách có xu hướng “hướng ngoại” diễn ra trong Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam năm nay có thể ví như một cú “nhích dần” từng bước cho độc giả trong nước làm quen với tác giả, độc giả nước ngoài và ngược lại - độc giả, tác giả nước ngoài xích lại gần hơn với độc giả Việt Nam. Đây chính là cơ hội để sách Việt xuất ngoại.
Nguồn: Toquoc.vn