Chiều ngày 9/8 Viện Bảo tồn di tích đã tổ chức lễ ra mắt giới thiệu sách ảnh “Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu viện bảo tồn di tích” bao gồm các bản vẽ và bài viết khảo cứu về 15 ngôi đình làng tiêu biểu ở miền bắc và là ấn phẩm mở đầu cho những nghiên hàng chục năm qua của Viện Bảo tồn Di tích.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên và nhiều GS, nhà nghiên cứu, kiến trúc đã tham dự buổi lễ.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhận định, đình làng manh nha từ thế kỉ 15 và đạt đỉnh cao ở cuối thế kỉ 17 với những nét kiến trúc và chạm khắc mang tính biểu tượng cùng hơi thở sinh hoạt dân gian cả về mặt vật thể và phi vật thể. Đình làng là kiến trúc nổi bật trên mặt đất lớn nhất của làng xã Việt thời cổ xưa, nó không bắt đầu từ một nơi nào ngoài đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đình làng là một sáng tác đặc biệt của nền kiến trúc dân gian Việt Nam trong quá khứ. Nơi đời và đạo hòa nhập để tạo nên một bản trường ca phi hoa, phi ấn, phi cả tôn giáo ngoại lai.
Việc bảo tồn kiến trúc đình làng Việt đang bị xem nhẹ trong công cuộc hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Cộng đồng dân quê cũng biến đổi rõ rệt qua vài thế hệ và ngôi đình làng vốn là trung tâm hành chính - tín ngưỡng sinh hoạt cộng đồng, dần dà mất đi vị trí mà nó từng chiếm giữ. Ở nhiều vùng quê, đình tồn tại heo hắt, chẳng mấy khi được tu bổ ngoại trừ những ngôi đình được liệt vào diện di tích. Hình ảnh ngôi đình mờ trôi vào dĩ vãng, chậm hơn ít nhiều so với hình ảnh những xóm làng từng ôm ấp chúng.
Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: “Chúng ta không thế nào giữ lại cho mai sau hàng ngàn ngôi đình. Cũng không thế nào bảo tồn và trùng tu hàng trăm ngôi đình, dù chúng ta có nỗ lực đến đâu. Điều duy nhất mà ta đủ sức và đủ thời gian để làm đó là ghi chép, vẽ lại và chụp lại, xây dựng quy tư liệu khoa học mới có cơ may lưu lại muôn đời.”
Bởi vậy từ cuối những năm 70 thế kỷ trước, Xưởng Bảo quản Tu sửa di tích Trung ương, tiếp theo là Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích Trung ương và nay là Viện Bảo tồn di tích trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã tiến hành nghiên cứu, điểu tra, ghi chép vẽ ghi và chụp ảnh hiện trạng gần hai trăm ngôi đình làng từ Quảng Nam trở ra. Những bản vẽ được các học viên và một số ít kiến trúc sư đo vẽ thủ công, soi đèn dầu, thắp nến, kẻ ô vuông bằng phấn lên các bức chạm, vẽ trên giấy croquis và can lên giấy nến bằng bút sắt chấm mực tàu mài. Những bản vẽ bằng tay thể hiện cá tính và kỹ năng của từng họa viên, chắc hẳn sẽ được con cháu nâng niu, y hệt những hình vẽ tay trên gốm sứ. Các ngôi đình Tây Đằng, Phù Lào. Lồ Hạnh, Thỏ Tang, Thỏ Hà, Yên Phụ... được hồ sơ hóa từ thời ấy, đã trở thành những tư liệu lịch sử. Giả dụ, L. Bezacier không cho vẽ ghi chùa Phật Tích hơn 70 năm trước, chúng ta hẳn không còn cơ sở nào để phục dụng nó.
“Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu viện bảo tồn di tích” là những tư liệu lần đầu tiên được công bố có giá trị đặc biệt khi không ít bộ phận kiến trúc và điêu khắc trang trí của các ngôi đình đã mất, chỉ còn trong cuốn sách này.
Ấn phẩm này không phải là cuốn sách đầu tiên nghiên cứu về đình nhưng nó đã đi cùng những cuốn sách trước để trở thành một bản hợp ca chân thực, đẹp đẽ và đầy tình cảm của người Việt với nghệ thuật dân gian Việt Nam. Và là công cụ đắc lực cho các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên môn về trùng tu di tích cũng như là nguồn tư liệu cho thế hệ mai sau để tiếp cận đến những tinh hoa kiến trúc của cha ông ta, dân tộc ta.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao sự đầu tư, khổ công nghiên cứu của nhóm tác giả và Viện Bảo tồn di tích để cho ra đời cuốn sách, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay.
Thứ trưởng cho biết, với bề dày mấy chục năm, Viện Bảo tồn di tích có rất nhiều tư liệu, số liệu tích lũy, nhưng đây là lần đầu tiên, các tác giả đã tổng hợp các tư liệu đưa ra chuyên đề và ra mắt cuốn sách “Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu viện Bảo tồn di tích – tập 1” để những tư liệu đó đi vào đời sống.
Thứ trưởng cũng khẳng định, Bộ VHTTDL rất coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, tích lũy và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và đặc biệt là những dấu ấn, nét đặc trưng của văn hóa Việt nói riêng. Việc ra mắt cuốn sách cũng đã biến chủ trương của Đảng, Nhà nước thành hiện thực.
"Chúng tôi khuyến khích và giao nhiệm vụ cho các Viện sau khi nghiên cứu phải đưa vào tư liệu, sách công bố cho công chúng và ứng dụng những nghiên cứu đó vào cuộc sống"- Thứ trưởng cho biết.
Thứ trưởng đề nghị Viện Bảo tồn di tích lên danh sách gửi biếu, tặng các đơn vị phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, sau đó, trên cơ sở nhu cầu, cho phép Viện tái bản cuốn sách để cung cấp cho nhu cầu độc giả với cơ chế phù hợp./.
Nguồn: Toquoc.vn