Triển khai kế hoạch tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo TCDL, các Vụ chuyên môn, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, đại diện các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lạng Sơn; các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Khai mạc hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung khái quát một số kết quả cơ bản của hoạt động du lịch thời gian qua. Trong quý 1/2017, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29% so với cùng kỳ 2016; khách nội địa đạt 22,2 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch đạt trên 131.900 tỷ đồng, tăng 20,85% so với cùng kỳ 2016… Mặc dù có mức tăng trưởng ấn tượng song hoạt động du lịch cũng đứng trước nhiều vấn đề cần giải quyết để nâng cao hình ảnh của Du lịch Việt Nam, đồng thời là hoạt động triển khai Nghị quyết 08 NĐ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, các kế hoạch số 1036 – 1037 KH-BVHTTDL về tăng cường quản lý điểm đến du lịch; quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành; Quyết định số 4640/QĐ-BVHTTDL ban hành Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến; Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL về ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch Bộ VHTTDL sẽ tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch. Tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh, góp phần duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung cho biết, Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch được xây dựng không chỉ nhằm tăng cường công tác quản lý điểm đến mà còn khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ, khuyến khích đầu tư. Đây cũng là cơ sở để chấm điểm, xếp loại khu, điểm du lịch đạt mức nào (tương tự như hạng sao đối với khách sạn), trên cơ sở đó tôn vinh thương hiệu điểm đến, tạo sức hấp dẫn và xây dựng văn hóa điểm đến để cạnh tranh lành mạnh. Hoạt động này là tiền đề cho việc xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về Tiêu chuẩn Du lịch Việt Nam thời gian tới.
Đối với hoạt động du lịch mạo hiểm, hiện nay TCDL đang tiến hành soạn thảo thông tư quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm, lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp và ban hành trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo an toàn cho du khách tham gia các hoạt động du lịch mạo hiểm. Hội nghị đã ghi nhận các ý kiến của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam về một số vấn đề liên quan, nhiều kinh nghiệm, bài học thực tiễn được các địa biểu chia sẻ.
Theo chỉ đạo của Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung, sau Hội nghị công tác kiểm tra các doanh nghiệp lữ hành và hoạt động hướng dẫn sẽ được TCDL triển khai ngay lập tức, đồng thời yêu cầu các địa phương, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm đón khách du lịch phải tổ chức kiểm tra đồng bộ, tiến hành thường xuyên để đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh, nâng cao sức hấp dẫn của Du lịch Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng TCDL cũng đề nghị các cơ quan báo chí luôn đồng hành cùng ngành Du lịch để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch, thay đổi hành vi khi đi du lịch cũng như thông tin kịp thời những biến tướng trong hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ, vận chuyển, ăn uống… góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, đưa Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Việt Hùng