Phát biểu khai mạc phiên họp, ông Trần Hùng Việt - Chủ tịch Hội đồng tư vấn nhấn mạnh: hiện nay du lịch là ngành đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, đặc biệt là triển khai Nghị quyết 08 được ban hành. Phiên họp lần này nhằm cập nhật tình hình, đồng thời phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn du lịch trong thời gian tới, phân công xúc tiến quảng bá du lịch với mục tiêu đạt được nhiều hướng phát triển trong năm 2017.
Phiên họp đã thống nhất danh sách kiện toàn thành viên Hội đồng, Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng được Tổng cục trưởng TCDL thông qua ngày 10/4/2017. Theo đó, nhằm ghi nhận những sáng kiến của Phái đoàn EU tại Việt Nam đối với việc thành lập Hội đồng tư vấn du lịch và tích cực hỗ trợ Hội đồng hoạt động trong nhiều năm qua, Hội đồng đã mời hai đại diện của Phái đoàn EU là thành viên danh dự của Hội đồng. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Hội đồng tư vấn du lịch (Công ty TAB) thực thi các sáng kiến quảng bá du lịch trong mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành Du lịch với các cơ quan chức năng, đặc biệt là TCDL, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
Tại phiên họp, các tổ trưởng Tổ công tác Hội đồng tư vấn du lịch đã báo cáo cập nhật thông tin trong thời gian qua, đồng thời các thành viên Hội đồng đã cùng trao đổi, thảo luận để đưa ra những giải pháp và thống nhất những nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.
Tổ công tác Quản lý chất lượng và nguồn nhân lực du lịch cho rằng cần thực hiện những biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu như: phát triển các cơ sở đào tạo du lịch thuộc doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thành lập các trung tâm thẩm định nghề để tự thẩm định chất lượng; ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp du lịch mở cơ sở đào tạo; ban hành chính sách khuyến khích học và làm nghề du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao lưu, hợp tác quốc tế. Để thuận lợi cho việc triển khai, Tổ công tác đề xuất TCDL, Bộ VHTTDL hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo đội ngũ giảng viên nội bộ, xây dựng nội dung, chương trình đào tạo theo chuẩn Việt Nam hài hòa với chuẩn ASEAN; kết nối các tổ chức nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước.
Về công tác chính sách và thể chế, ông Kenneth Atkinson, Tổ trưởng Tổ công tác đề cập tới 5 vấn đề chính: 1) vấn đề thị thực đã có tiến bộ đáng kể: thị thực điện tử 30 ngày cho 40 nước; Australia, Canada và New Zealand không có trong danh sách; miễn thị thực vẫn là 15 ngày; cần bắt đầu vận động thị thực quá cảnh; cần làm rõ quy định không trở lại; 2) các thách thức trong đảm bảo kinh doanh du lịch MICE như chi phí thị thực, vận chuyển khách du lịch bằng đường hàng không, thủ tục đăng ký các sự kiện MICE còn rườm rà, không có bảo trợ của Cơ quan xúc tiến hội thảo; 3) các vấn đề đất và thuế đất; 4) vấn đề giấy phép làm việc yêu cầu bằng cấp và 5 năm kinh nghiệm làm việc là một thách thức cho các khách sạn quốc tế và nội địa, cần có những thay đổi cấp bách để hỗ trợ cho sự phát triển của Du lịch Việt Nam; 5) vấn đề Luật Du lịch, Nghị quyết 08... Tổ công tác Chính sách cần thiết lập đường dây liên lạc với Tổ công tác về Luật Du lịch của TCDL để có thể hỗ trợ TCDL.
Về công tác xúc tiến quảng bá du lịch, Tổ công tác Marketing nhấn mạnh việc xây dựng quỹ 2020; trang web xúc tiến quảng bá du lịch tập trung vào các chiến dịch/ sự kiện quan trọng để gây được chú ý cao, lựa chọn các khu vực địa lý cụ thể làm mục tiêu chính; minh bạch và đo lường, đánh giả tỉ suất hoàn vốn đầu tư, Deloitte là đơn vị kiểm toán chính, làm việc với các bên liên quan để thiết lập KPIs; thuê nhân viên nội bộ hỗ trợ quảng bá và làm việc trực tiếp TCDL; xem xét hỗ trợ các sự kiện ngoại tuyến như: ITB Trade Show 2018, 2019, 2020; tài trợ cho người nổi tiếng/ các dự án phim với TCDL như đạo diễn phim Kong: Đảo đầu lâu; các chương trình famtrip quan trọng...
Đặc biệt, vấn đề xây dựng Quỹ Du lịch Việt Nam 2020 đã được đề cập nhiều tại phiên họp TAB lần thứ 10. Với mục tiêu đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam thành lập quỹ du lịch 20 triệu USD nhằm hỗ trợ các hoạt động tiếp thị quốc tế, phần lớn ngân sách phân bổ cho các phương tiện truyền thông trả tiền và các chiến dịch ở nước ngoài liên quan; chi phí quản lý để trang trải các hoạt động của TAB và nhân sự. Theo thông tin được cập nhật, hiện đã có 6 đơn vị tài trợ cam kết tham gia đóng góp vào Quỹ đó là: HG Travel, TMG, tập đoàn Mường Thanh (đã ký hợp đồng/ đã đóng góp Quỹ); Saigontourist, Hanoitourist, Vietnam Airlines (đang hoàn thiện hợp đồng).
Phát biểu tại phiên họp, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: Trong 3 tháng tới tập trung Luật Du lịch sửa đổi được thông qua; triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW đi vào cuộc sống; bộ quy tắc ứng xử quản lý điểm đến; duy trì chính sách miễn visa cho những thị trường đã miễn, mở rộng e-visa và mở rộng phạm vi thị trường miễn visa; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch ở nước ngoài, tiếp tục quay một số địa điểm du lịch mới ở Việt Nam để làm các clip xúc tiến quảng bá; báo cáo về năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam...
Phiên họp Hội đồng tư vấn du lịch lần thứ 10 cũng đã thống nhất định kỳ 6 tháng họp một lần, riêng các nhóm công tác sẽ họp và triển khai công việc thường xuyên.
Hoa Trang