Tham gia chiến dịch có Đại sứ bổ nhiệm của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam- ông Giorgio Aliberti, các nhân viên của Phái đoàn Liên minh châu Âu và khoảng 200 tình nguyện viên của Tổ chức Keep Hanoi Clean cùng người dân địa phương.
Cầu Long Biên là công trình đặc biệt của thủ đô Hà Nội. Sông Hồng cũng là một phần không thể thiếu trong lịch sử hình thành và phát triển của thành phố. Tuy nhiên, phía sau chợ Long Biên, giáp bờ sông Hồng và gần chân cầu Long Biên có một cộng đồng khoảng 300 - 500 người sinh sống. Khu vực này tập trung một lượng rác thải lớn, do đường vào khu vực nhỏ và dài, công ty vệ sinh môi trường không thể tiếp cận để thu dọn rác, nên phần lớn người dân vứt rác ra khu vực trũng ngay cạnh sông, khiến khu vực này bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Chính vì thế, việc tham gia chiến dịch dọn rác ở tại sông Hồng và cầu Long Biên là hành động thiết thực không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần bảo vệ di sản của thành phố nghìn năm văn hiến.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ bổ nhiệm của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết: EU tự hào vì được hỗ trợ chiến dịch này. EU đang tham gia chiến dịch hàng năm trên toàn cầu để dọn dẹp các bãi biển. Mặc dù Hà Nội không có bãi biển, nhưng việc dọn dẹp quanh nơi sinh sống của người dân là một ví dụ tốt về hành động mà tự người dân có thể thực hiện. Nếu muốn phát triển bền vững hơn, con người phải thay đổi hành vi và trân trọng thiên nhiên hơn. Mục tiêu của chiến dịch không những để dọn dẹp mà còn để nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Trong phạm vi chương trình, khu dân cư sẽ được cung cấp các thùng rác lớn và các hộ sẽ chia sẻ nhiệm vụ hàng ngày để đảm bảo các thùng rác lớn được đẩy ra khu phố. Ở khu vực chân cầu Long Biên có rất nhiều hộ nghèo, nên việc thực hiện chương trình sẽ như một phần thưởng dành cho các hộ dân gánh trách nhiệm giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, có lợi về mặt chi phí đối với cộng đồng cũng như làm giảm lượng rác thải xả ra sông Hồng.
Việt Nam được đánh giá là nằm trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất của BĐKH và các thảm họa do BĐKH gây ra, phù hợp với cam kết quốc tế của mình về BĐKH và Mục tiêu Phát triển bền vững. Hiện EU đang tích cực giúp Việt Nam giảm nhẹ thiệt hại nhờ đổi mới lĩnh vực năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu nhờ việc tài trợ cho các nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp thích nghi phù hợp. Trong khoảng thời gian từ năm 2014 - 2020, EU dành ngân sách 350 triệu Euro cho các chương trình liên quan tới môi trường, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu tại Việt Nam, cũng như cho các dự án đầu tư bền vững. |
PV