Sự kiện được tổ chức nhằm khuyến khích giới trẻ Hội An sử dụng xe đạp như một phương tiện giao thông đô thị bền vững, góp phần giảm ô nhiễm không khí, bảo tồn phố cổ Hội An và giảm thiểu biến đổi khí hậu; thúc đẩy thanh niên cam kết, tham gia và thực hiện một cách chủ động, tích cực các hành động chống biến đổi khí hậu.
Ông Koen Duchateau, Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển, Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh: “Dự án xe đạp chia sẻ Hội An, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức là một ví dụ điển hình về giao thông bền vững và chúng tôi rất vui mừng khi được quảng bá về dự án này trong sự kiện ngày hôm nay. Chúng tôi tin rằng dự án cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng ngành Du lịch bền vững hơn ở Hội An. Ngoài hiệu quả giảm thải khí nhà kính, đạp xe còn giúp tăng cường sức khỏe và nâng cao tinh thần!”.
Ở Hội An, sự phát triển nhanh của giao thông cơ giới là một thách thức cho quản lý và bảo tồn phố cổ Hội An. Với sự hỗ trợ từ chương trình Sáng kiến chuyển đổi giao thông đô thị TUMI (do Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức (BMZ) tài trợ, do UBND thành phố Hội An, Heath Bridge Canada và GIZ Việt Nam phối hợp thực hiện), Hội An đã có những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề. Thành phố đã phê duyệt Kế hoạch phát triển giao thông xe đạp (giao thông phi cơ giới), xây dựng thí điểm hệ thống xe đạp chia sẻ với 225 xe đạp thường gắn khóa QR và 100 xe đạp pedan trợ lực điện tại 10 trạm xe giai đoạn 1, và phê duyệt tuyến đường thí điểm có làn đường dành riêng cho xe đạp từ Hội An ra bãi biển An Bàng.
“Các bạn là thế hệ xây dựng tương lai cho thành phố xinh đẹp này. Từ xa xưa Hội An đã là một địa danh văn hóa - hãy tạo một dấu ấn với xe đạp của các bạn vì một tương phát triển bền vững! Các bạn đạp xe vì sức khỏe của chính bạn, vì bầu không khí mà các bạn hít thở hàng ngày, và vì khí hậu toàn cầu” - ông Sebastian Paust, Tham tán thứ nhất, Trưởng phòng Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội phát biểu tại sự kiện.
Việt Nam được đánh giá là nằm trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất của biến đổi khí hậu và các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra. Phù hợp với cam kết quốc tế của mình về biến đổi khí hậu và Mục tiêu Phát triển Bền vững, Liên minh châu Âu đang tích cực giúp Việt Nam giảm thiểu biến đổi khí hậu nhờ chuyển đổi lĩnh vực năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu qua việc đồng tài trợ các dự án thích ứng.
Chính phủ Đức thông qua GIZ, đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu mà Việt Nam đã ký kết trong bối cảnh thực hiện Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu. Đức cũng đang hỗ trợ các sáng kiến nhằm giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu ở cả cấp trung ương và địa phương.
PV