Nghề dệt của đồng bào các dân tộc thiểu số đã làm ra những bộ trang phục độc đáo là những sản phẩm thổ cẩm với màu sắc rực rỡ và đường nét hoa văn tinh tế, muôn màu muôn vẻ. Người phục nữ Mông ở miền Tây Bắc nước ta với chiếc váy xòe rộng, màu sắc sặc sỡ. Trước và sau váy phủ một tấm tạp dề. Tất cả được may bằng những sợi thổ cẩm dệt rất công phu. Thân áo được thêu những hoa văn. Váy may bằng vải lanh do họ tự dệt. Gấu váy bằng vải nhung màu đỏ hoặc đen. Các thiếu nữ Mông đều biết dệt và thêu từ khi lên 10 – 12 tuổi. Bộ váy của họ là cả một công trình nghệ thuật, đòi hỏi phải kiên trì và khéo léo.
Người phụ nữ Thái rất chăm chỉ, yêu thích nghề trồng bông, dệt vải, thêu dệt thổ cẩm với những họa tiết trang trí trên vải bằng những màu sắc tươi tắn, những hình con vật, hoa lá, cây cỏ và những vệt, vằn, đốm bằng phương pháp kẽ, in, dệt, thêu... Qua trang phục Thái, chúng ta có thể thấy những biểu hiện của nếp sống tộc người: giới tính, lứa tuổi trong sinh hoạt cộng đồng. Trang phục của mỗi nhánh Thái (Thái Trắng, Thái Đen), hay từng địa phương có những nét khác nhau. Chiếc áo cóm của người phụ nữ Thái bó sát người làm nổi bật những đường cong của cơ thể người con gái với hàng cúc bướm bạc; tấm váy dài màu chàm mặc vào tạo thêm duyên dáng, uyển chuyển, lại có chùm dây xà tích bạc đeo bên hông đưa theo mỗi bước chân, lấp ló như trăng non đầu núi.
Trang phục người Mường khá độc đáo. Nam giới mặc bộ quần áo cánh màu nâu, màu chàm, dệt bằng bông sợi thô. Phụ nữ đội khăn trắng hình chữ nhật nơi đỉnh đầu, mặc yếm và áo cánh ngắn, thân có xẻ ngực, không cài cúc. Váy Mường thả dài từ ngang vòng ngực xuống chấm gót chân. Sự tinh xảo thể hiện ở cạp váy, được dệt bằng tơ nhiều màu, tạo ra những hoa văn hình học và hình chim thú, rồng, phượng cách điệu tôn thêm vẻ đẹp mềm mại của người phụ nữ vùng cao.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền cũng rất đặc sắc và nổi bật là nhờ nghệ thuật trang trí và nhuộm chàm. Công nghệ in hoa văn với sáp ong của người Dao Tiền đã giúp ta thấy được cái hay, cái đẹp của những họa tiết trên trang phục của họ.
Trong trang phục truyền thống cũng có thay đổi trong giai đoạn mới. Ở thời kỳ mở cửa, cuộc sống sôi động, lớp trẻ không thể không tiếp thu cái mới. Tất nhiên, trong cái mới đó không phải là tất cả đều phù hợp. Ngày nay, trong đám cưới của dân tộc H’Rê (Quảng Ngãi, Bình Định) cô dâu vẫn mặc bộ trang phục truyền thống với chiếc váy đen. Trong khi đó chàng rể lại mặc giống người Kinh, áo sơ mi và quần tây, nhiều thanh niên mặc quần jean. Trong những dịp lễ hội, cũng rất khó phân biệt đâu là người Kinh, đâu là người thiểu số. Chỉ còn căn cứ vào mái tóc quăn, nước da bánh mật và giọng nói lơ lớ để biết họ là nguời thiểu số.
Vài năm gần đây, ngành văn hóa nhiều địa phương, đặc biệt vùng các dân tộc thiểu số, thường tổ chức những ngày văn hóa thể thao nhằm duy trì và phát triển nét đẹp của văn hóa truyền thống như: thi dệt thổ cẩm, ca hát, độc tấu nhạc cụ, lễ hội cồng chiêng, kể truyện sử thi.... Tuy nhiên, những việc làm đó chưa được nhiều. Riêng về trang phục các dân tộc muốn duy trì và phát triển phải được mọi người, nhất là lớp trẻ chấp nhận. Muốn vậy cần nghiên cứu để cải tiến về chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, hoa văn... tổ chức để sản xuất, giới thiệu và trao đổi trên thị trường. Cần có những triển lãm trưng bày trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Nhà nước cần có chương trình hỗ trợ đối với những làng nghề dệt thổ cẩm, chính sách ưu đãi nghệ nhân.
Nằm trong khuôn khổ của Festival Hoa Đà Lạt 2007, cuộc thi “Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2007” do ngành Văn hóa tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công ty CIAT tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp, tài năng, trí tuệ của phụ nữ các dân tộc, góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa đa dạng độc đáo của các dân tộc Việt Nam.
VÂN ANH