
Lễ hội Tràng An hay Lễ hội Thánh Quý Minh Đại Vương là hoạt động văn hóa truyền thống kết hợp với du lịch diễn ra vào những ngày giữa tháng 3 âm lịch hàng năm. Năm nay, Lễ hội Tràng An sẽ diễn ra ngày 29/4 tại khu du lịch sinh thái Tràng An thuộc Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới. Lễ hội là dịp để khẳng định, quảng bá các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các sản phẩm du lịch mới, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn với du khách trong bối cảnh đại dịch covid-19.
Năm Du lịch Quốc gia 2021 được tổ chức tại Ninh Bình với 38 hoạt động chính, 104 hoạt động hưởng ứng của 27 tỉnh, thành phố trên cả nước. Lễ hội Tràng An là một trong những hoạt động chính nằm trong khuôn khổ chương trình năm Du lịch Quốc gia. Lễ hội Tràng An 2021 với chủ đề “Tràng An - Kết nối các di sản” là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhằm kết nối các di sản thế giới ở Việt Nam, tạo sự lan tỏa, động lực thúc đẩy du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Ninh Bình vượt qua khó khăn, phục hồi mạnh mẽ trở lại sau một thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Theo Ban Tổ chức, Lễ hội Tràng An nhằm tri ân và tôn vinh Đức Thánh Quý Minh Đại vương và Phu nhân - người có công trấn ải Sơn Nam (một trong 4 trấn của Hoa Lư tứ trấn) bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18). Ngài là một “thượng đẳng thần”, được các triều vua qua nhiều triều đại ban chiếu sắc phong, được nhân dân khắp nơi thờ phụng, trở thành Thành hoàng làng ở nhiều nơi theo tín ngưỡng dân gian.

Lễ hội là sự khẳng định các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn, nét đẹp trong phong tục tập quán của cư dân Tràng An. Sự kiện là cơ hội kết nối các di sản, gìn giữ và trao truyền di sản cho các thế hệ tương lai theo tinh thần Công ước Di sản thế giới. Đồng thời, qua Lễ hội để kết nối các di sản của đất nước, tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và các sản phẩm du lịch riêng có, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ý nghĩa về việc khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách hướng về nguồn cội, thể hiện ước muốn thông qua các nghi lễ truyền thống, cầu mong một cuộc sống bình an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi… Lễ hội còn tiếp tục khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước về một vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, ngàn năm văn hiến, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong gìn giữ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Lễ hội Tràng An nói riêng và các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Quần thể danh thắng Tràng An có cảnh quan thiên nhiên kỳ bí, quanh năm luôn có sương sớm, mây chiều, khí núi cùng sự hiện hữu của các đình, đền, chùa, miếu, phủ, các di tích lịch sử - văn hóa. Đây chính là nơi mà các giá trị văn hóa luôn chứa đựng sự kỳ diệu, bí ẩn và hùng vĩ của thế giới tự nhiên, tạo nên nét văn hóa truyền thống riêng có và tín ngưỡng gắn với văn hóa lúa nước của cư dân vùng đất này.
Quần thể danh thắng Trang An được tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản Văn hóa và thiên nhiên Thế giới vào ngày 25/6/2014 và trở thành Di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á. Danh hiệu Di sản cao quý này là sự ghi nhận công lao gìn giữ của các thế hệ người dân Ninh Bình nói chung và cộng đồng dân cư trong khu di sản nói riêng.
|
Khải Bình