Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023, Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến quảng bá Du lịch tỉnh Thái Nguyên nhằm định vị lại thương hiệu xứ Trà.
Phát huy tiềm năng…
Thái Nguyên là vùng đất trù phú có tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê. Đặc biệt, nơi đây còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái…
Du lịch xứ trà hấp dẫn du khách không chỉ bởi du lịch về nguồn tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ mà còn bởi sự phát triển mạnh của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Không chỉ có vậy, Thái Nguyên còn là vùng đất non xanh nước biếc với nhiều danh thắng nổi tiếng, các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, nhiều dòng suối, thác nước, bãi đá được thiên nhiên kiến tạo làm nên nét độc đáo, riêng có nơi đây.
Vùng đất “Đệ nhất danh trà” còn nổi tiếng với những đồi chè xanh ngút ngàn trên những vùng chè đặc sản như: Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài... Sự phát triển của cây chè và sản phẩm trà từ lâu đã gắn với đời sống của người dân Thái Nguyên, nghệ thuật thưởng trà đã trở thành nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Tuân, năm 2022, Thái Nguyên đón 2.160.200 lượt khách tham quan và lưu trú, doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt 1.800 tỷ đồng. Quý I năm 2023, số lượt khách du lịch đến với tỉnh đạt trên 1 triệu lượt.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch của tỉnh, tập trung hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Trong đó, Thái Nguyên đã và đang xây dựng, phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
Đặc biệt, Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đón 300.000 lượt khách du lịch quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, đặc biệt là thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - giải trí khu vực hồ Núi Cốc, khu vực sườn Đông Tam Đảo, thu hút đầu tư sản phẩm du lịch hang động mạo hiểm - thể thao trở thành sản phẩm độc lập, có sức hấp dẫn cao...
… khai thác yếu tố “hiếm” để “chạm” vào cảm xúc
Với 25 năm kinh nghiệm làm du lịch, ông Vũ Văn Tuyên, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng, với vị trí là cửa ngõ khu vực Đông Bắc và Tây Bắc, Thái Nguyên là thành phố hiếm của Việt Nam khi hội tụ đủ tất cả những lĩnh vực trong du lịch, từ di sản, văn hoá, sinh thái và từ vật thể và cả phi vật thể. Hiếm có nơi nào có trên 500 di sản được bảo vệ, trong đó có 19 di sản phi vật thể và đặc biệt nhất là hệ sinh thái về du lịch cộng đồng. Trong đó, Làng du lịch cộng đồng Thái Hải được công nhận là 1 trong 32 bản du lịch cộng đồng tốt nhất thế giới.
Du lịch hệ sinh thái và cộng đồng ở Thái Nguyên rất nổi tiếng và nhiều tiềm năng. Vì vậy, theo ông Tuyên, Thái Nguyên cần kết nối các cộng đồng doanh nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng; xây dựng các sản phẩm đặc trưng, khác biệt, có chất lượng cao dựa trên thế mạnh, mang sự đa dạng văn hóa để có thể “chạm” tới cảm xúc của du khách. Bên cạnh đó, với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa dày đặc cùng cảnh quan thiên nhiên, Thái Nguyên có thể xây dựng “cung đường di sản” với những sản phẩm đa dạng, trải nghiệm phong phú và làm mới các tuyến điểm, sản phẩm du lịch đã có để thu hút khách đến nhiều hơn.
Tăng cường liên kết, chuyển đổi số để bứt phá
Chia sẻ về kinh nghiệm và tư vấn phát triển dịch vụ du lịch Thái Nguyên, ông Lê Sỹ Quân, Phó Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Hàng không Vietnam Airline cho hay, hiện Tổng Công ty Hàng không Vietnam Airline đang triển khai các bước cuối cùng để hoàn tất các thủ tục hợp tác toàn diện với tỉnh Thái Nguyên. Sau khi có hợp tác toàn diện với Thái Nguyên, Vietnam Airline sẽ trợ giúp cho du lịch Thái Nguyên về mặt xúc tiến thương mại, giao thương, xây dựng sản phẩm và quảng bá thông tin. “Trên cơ sở nhu cầu 2 bên chúng tôi sẽ trao đổi với các đối tác để phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, mang một số khẩu vị nhất định, điểm riêng biệt, riêng có của du lịch Thái Nguyên. Tuy nhiên để có điểm nhấn cho du lịch Thái Nguyên trên cơ sở thiên nhiên, tự nhiên và văn hóa bản địa, con người… cũng cần xây dựng từ 1-2 sản phẩm độc đáo để quảng bá, truyền thông. Cầu nối quảng bá về mặt thông tin trên hệ thống của Tổng Công ty. Tức là chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về du lịch Thái Nguyên trong hệ thống khách hàng của mình trong Việt Nam và quốc tế” - ông Lê Sỹ Quân bày tỏ.
Thông tin tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho hay, Thái Nguyên cần đẩy mạnh việc xây dựng và định vị thương hiệu thông qua công tác xúc tiến quảng bá ở trong và ngoài nước; đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, hệ thống lưu trú, chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng các sản phẩm mang lại cho du khách những trải nghiệm tốt nhất. Sau khi du khách trải nghiệm các dịch vụ sẽ có những cảm xúc tốt đẹp để quay lại Thái Nguyên đúng như thông điệp: Trải nghiệm xứ trà, đậm đà bản sắc.
Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cũng nhấn mạnh: Thái Nguyên cần phát huy hiệu quả các mối quan hệ liên kết giữa tỉnh, địa phương, thành phố lớn nhằm tạo ra những nguồn khách lớn. Đặc biệt là mối liên kết với các hãng hàng không. Làm sao để thấy được du lịch Thái Nguyên hiện hữu trên các dịch vụ của các hãng hàng không. Bên cạnh đó, Thái Nguyên cần đặc biệt quan tâm tới chính sách ưu đãi đầu tư về du lịch. Và, một điểm nhấn không thể bỏ qua trong thời điểm này là vấn đề chuyển đổi số trong du lịch. Tức là với những sản phẩm du lịch đã có cần phải tối ưu hóa các website, ứng dụng để làm sao giới thiệu được với du khách các sản phẩm du lịch. Một yếu tố hết sức quan trọng đó là vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường… để đảm bảo phát triển du lịch Thái Nguyên một cách bền vững, đúng khẩu vị của du khách hiện đại.
“Tổng cục Du lịch cũng cam kết đồng hành cùng Thái Nguyên trong công tác chuyển đổi số, truyền thông số trên các nền tảng có sẵn của Tổng cục Du lịch, từ đó tạo sự liên kết, hệ thống thông tin theo một thể thống nhất. Trên cơ sở đó sẽ đẩy mạnh truyền thông cho du lịch Thái Nguyên nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung trên các nền tảng số” – Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc khẳng định.
Ở góc độ cơ cở lưu trú, bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho rằng, Thái Nguyên cần có các chính sách hợp lý để kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn chất lượng cao. Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các điểm đến để thu hút khách đến.
Cũng tại Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển giữa Hiệp hội Du lịch 6 tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc, gồm: Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng - Hà Giang - Lạng Sơn - Bắc Giang.
Anh Hoa